UBND tỉnh Bình Dương vừa phê duyệt Đề án Phát triển ngành cơ khí tỉnh Bình Dương đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Theo đó, mục tiêu của Đề án là phấn đấu đến năm 2030, Bình Dương trở thành một trong các trung tâm cơ khí mạnh của vùng; có khả năng sản xuất các loại máy móc thiết bị chuyên dùng hoàn thiện, sản phẩm cơ khí đạt tiêu chuẩn quốc tế, thay thế hàng nhập khẩu và phục vụ xuất khẩu; có khả năng sản xuất các sản phẩm cơ khí công nghệ cao phù hợp với xu hướng phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Cùng với đó, phát triển đội ngũ doanh nghiệp nhỏ và vừa có vốn đầu tư trong nước đủ khả năng tham gia cung ứng sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho các tập đoàn lớn trong và ngoài nước để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Hình thành và phát triển mạnh chuỗi cung ứng ngành cơ khí, liên kết phát triển giữa doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí với doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp hoàn thiện, giữa ngành sản xuất máy móc thiết bị chuyên dùng hoàn thiện với các ngành công nghiệp chế biến chế tạo khác.
Cụ thể, tốc độ tăng trưởng giá trị tăng thêm ngành cơ khí giai đoạn 2021-2025 đạt bình quân 13-15%/năm, giai đoạn 2026-2030 đạt bình quân 15-17,2%/năm.
Giai đoạn 2022 – 2025, xây dựng và đưa vào hoạt động một khu công nghiệp chuyên ngành cơ khí để thu hút các dự án đầu tư sản xuất sản phẩm cơ khí thuộc các tập đoàn, doanh nghiệp trong và ngoài nước. Khu công nghiệp chuyên ngành cơ khí được thành lập mới sẽ là khu công nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Đến năm 2025, ngành cơ khí chiếm tỉ trọng 22,8% trong cơ cấu giá trị tăng thêm ngành công nghiệp chế biến chế tạo; xây dựng ít nhất một khu công nghiệp tập trung theo mô hình liên kết ngành sản xuất các linh kiện, phụ tùng các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ưu tiên phát triển. Các doanh nghiệp cơ khí tỉnh Bình Dương có khả năng cung cấp các sản phẩm cơ khí đạt tiêu chuẩn quốc tế cho ngành chế biến gỗ và sản xuất đồ gỗ, từng bước thay thế hàng nhập khẩu; hình thành một số trung tâm nghiên cứu phát triển thuộc các tập đoàn lớn trong và ngoài nước, thuộc các viện – trường.
Đến năm 2030, ngành cơ khí chiếm tỉ trọng 29,2% trong cơ cấu giá trị tăng thêm ngành công nghiệp chế biến chế tạo; có khả năng sản xuất các loại máy móc thiết bị chuyên dùng hoàn thiện đạt tiêu chuẩn quốc tế phục vụ ngành công nghiệp chế biến gỗ và đồ gỗ và các ngành công nghiệp khác; sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí, linh kiện, phụ tùng ô tô; sản xuất thiết bị điện, robot, máy in 3D…