Ở Nhật Bản, có khoảng 30% số tiền giấy đang lưu hành làm từ sợi chuối. Tờ tiền làm từ loại vật liệu này có độ bền hàng trăm năm. Thật thú vị khi có mối liên hệ giữa thứ bình dị nhất – thân cây chuối, với thứ quý giá hơn – tờ tiền.
Còn ở Philippines, sợi chuối (hay còn gọi là sợi abaca) đang được dùng để sản xuất khẩu trang để chống dịch COVID-19. Lại có sự liên kết thú vị nữa giữa chiếc khẩu trang chống dịch với thân cây chuối thân thuộc. Và ở Việt Nam, lần đầu tiên thân cây chuối cũng đã tạo nên những điều bất ngờ…
Loài cây chung thuỷ…
Đi dọc đê sông Hồng, qua các xã Khai Thái, Hồng Thái của huyện Phú Xuyên (Hà Nội), cả một vùng chuối 150 ha xanh bạt ngàn phủ kín vùng đất bãi. Bao đời nay, những vườn chuối vẫn bình lặng đón nắng gió ngoài bãi sông, chung thuỷ với đất và người ở mảnh đất này. Chuối dễ trồng lại không kén đất, chịu kham khổ hơn hẳn các loại cây khác. Chuối cho hoa, cho quả ăn, cho lá gói bánh, đều hữu dụng cho cuộc sống con người. Mỗi cây chuối chỉ ra buồng một lần, sau khi thu hoạch quả thì chặt bỏ cây, nhường chỗ cho những cây chuối con vươn lên mạnh mẽ.
Chúng tôi hỏi đường đến Hợp tác xã Thương mại và Dịch vụ nông nghiệp Khai Thái ở thôn Lập Phương, xã Khai Thái, người dân đều hào hứng chỉ đường. Bởi mô hình sản xuất sợi từ thân chuối đã thành niềm tự hào của người dân nơi đây. Có tận mắt chứng kiến các công đoạn chế biến từ thân chuối ra sợi thô mới thấy sự kì công cũng như tiềm năng kinh tế của mặt hàng này.Trước đây, người dân thường lấy thân chuối làm thức ăn cho chăn nuôi, nhưng giờ thì không còn phổ biến. Cũng bởi thế mà những đống thân chuối chặt bỏ ngoài bãi trở thành rác thải nông nghiệp khó xử lý, bao lâu nay nhọc lòng người trồng chuối. Nhưng nay đã khác, thân chuối được tận dụng triệt để thành nguyên liệu thô đưa vào chế biến cho sợi chuối mang lại nhiều giá trị kinh tế. Qua máy móc và bàn tay của những người thợ khéo léo và chăm chỉ, thân chuối biến thành một trong các loại sợi tự nhiên bền nhất, dùng để làm đồ thủ công mỹ nghệ đồ gia dụng thân thiện môi trường.
Anh Nguyễn Đức Tuấn – Giám đốc Hợp tác xã cho chúng tôi biết đây là hợp tác xã đầu tiên ở Việt Nam chuyên sản xuất, chế biến thân cây chuối thành sợi để phục vụ sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ, đồ gia dụng. Từng biết đến mô hình sản xuất sợi chuối hiệu quả ở Nhật Bản, anh Tuấn đã học hỏi, đầu tư trang thiết bị máy móc và chọn vùng trồng chuối Khai Thái để khởi nghiệp. Từ tháng 9-2019, chuỗi chế biến thân chuối bắt đầu hoạt động ở quy mô nhỏ. Đến tháng 6-2020, Hợp tác xã Thương mại và Dịch vụ nông nghiệp Khai Thái được thành lập. Đến thời điểm này, quy mô của hợp tác xã đã mở rộng với 3 cơ sở sản xuất ở các thôn Lập Phương và Vĩnh Trung, tạo công ăn việc làm cho gần 50 người lao động.
Thân cây chuối chở từ ngoài bãi về, bổ làm bốn, tách bẹ và đưa vào máy ép sợi. Sợi chuối được phân loại và đưa lên giàn, phơi khô, sau đó bó lại và đưa vào máy quay sợi. Phần lõi trong cùng thân chuối là phần có thể thu được sợi mềm và dẻo nhất, lớp vỏ ngoài cùng lại cho sợi cứng và dày nhất. Người trồng chuối ở Khai Thái không nghĩ có ngày những thân chuối vứt bỏ kia lại được tận dụng để làm ra nhiều sản phẩm có giá trị đến vậy, vừa giảm ô nhiễm môi trường, vừa tạo động lực làm việc cho bà con.
Ngôi nhà to rộng của cô Nguyễn Thị Thanh ở thôn Vĩnh Trung giờ đây trở thành một cơ sở gia công sợi chuối. Từ trong nhà ra ngoài sân chất kín những sản phẩm từ sợi chuối. Các bà các chị đang thoăn thoắt đôi tay tuốt những bó sợi chuối thô cho óng ả, mượt mà hơn. Sợi chuối khô sau khi tuốt sạch sẽ được bện tết lại thành những sợi thừng lớn nhỏ và nhuộm đủ màu.
Từ những sợi thừng đó đan thành túi, giỏ, sọt, làn, khay, thảm với nhiều kiểu dáng độc đáo. Những đôi dép bện từ tơ chuối được khách quốc tế ưa chuộng vì độ êm mềm và thoáng mát. Cả những bộ tảo sái xinh xắn để bao sái ban thờ cũng được gia công kĩ lưỡng. Các bà các cô vừa làm vừa học thêm nhiều kĩ thuật đan lát mới để tạo ra những sản phẩm khéo léo, tinh xảo.
Trên thềm nhà, cô Thanh đang chăm chú làm bóng đèn tròn từ sợi chuối, bên trong gắn những bóng điện nhỏ xíu. Cô hồ hởi khoe rằng Tết này những dàn đèn sợi chuối sẽ được chăng ở nhiều con phố Hà Nội, sẽ khiến thủ đô lung linh hơn. Những người phụ nữ ở đây bảo với chúng tôi, phải phong cho cây chuối là cây hữu dụng nhất ở vùng đất này. Những mảnh sợi vụn cũng vẫn được tận dụng ép thành giấy, làm đèn lồng, thậm chí là giấy vẽ tranh rất ấn tượng.
Rồi họ giới thiệu cho chúng tôi những thùng lớn thùng bé ở góc sân. Đó chính là nước thân chuối sau khi được ép lấy sợi cũng đem ngâm ủ với quả chuối với các enzyme sinh học khoảng 3 tháng để làm chế phẩm sinh học hữu cơ, rất thích hợp cho việc tưới phong lan, cây cảnh và rau củ. Nước dưỡng chất từ thân chuối này được sang chiết, đóng gói thành chai, có nhãn mác, địa chỉ rõ ràng cũng là một mặt hàng mới của bà con nơi đây.
Tiềm năng từ chuối
Anh Nguyễn Đức Tuấn – Giám đốc Hợp tác xã là người nặng lòng với cây chuối quê nhà. Anh bảo, cây chuối bao đời nay thân thuộc với người Việt Nam, nhưng những tiềm năng từ chuối thì chúng ta chưa thể thấy hết được.
Nhìn ra thế giới, từ thời xa xưa, ở Nhật và Nepan, sợi chuối đã được sử dụng phổ biến để làm miếng lót bàn, thảm trải sàn và mái che. Người Nhật từ thế kỷ XIII đã biết trồng chuối lấy sợi để dệt vải may quần áo và làm đồ gia dụng. Đến thế kỉ XIX, sợi chuối (sợi abaca) đã được sử dụng làm dây thừng trên các con tàu biển. Ngày nay, ít ai biết rằng để sản xuất được chiếc ôtô Mercedes Benz người ra cũng cần đến loại sợi này.
Hiện tại, Ấn Độ và Trung Quốc là những nước có diện tích trồng chuối lớn nhất thế giới. Thị trường sợi chuối đã hình thành và phát triển khoảng 15 – 20 năm nay và ngày càng sôi động với sự góp mặt của những ông lớn xuất khẩu sợi chuối thô hàng đầu thế giới như Philippines, Ấn Độ, Trung Quốc, mỗi năm thu hàng tỷ USD.
Sợi chuối đang nhanh chóng có mặt ngày một phổ biến trong các hoạt động sống của con người. Không những dẻo dai, thấm hút tốt, chống cháy, sợi chuối còn kháng nấm mốc, thoáng khí, rất nhẹ, cách âm, cách điện. Với những đặc tính ưu việt đó, bất cứ thứ gì làm từ sợi bông, sợi gai, sợi len, tre hay gỗ, cũng đều đang được thử nghiệm làm từ sợi chuối. Sợi chuối hiện đã có mặt trong hàng vạn sản phẩm, vật phẩm tiêu dùng như tiền giấy, giấy in, giấy gói, giấy túi lọc, chỉ may, vải, lốp xe hơi, ván ép cao cấp dùng trong du thuyền…
Loại sợi này có thể được sử dụng để thay thế bất cứ thứ gì thường được làm từ nhựa như bát, cốc, ống hút, khẩu trang, đồ bảo hộ y tế dùng một lần. Quay lại chuyện làm khẩu trang từ sợi chuối của Philippines. Khi mà đại dịch COVID-19 vẫn đang nóng bỏng, theo một bài báo của Liên Hiệp Quốc, số lượng khẩu trang dùng một lần tăng gấp 200 lần trong năm 2020. Điều đó cũng có nghĩa là chúng ta đang phải đối mặt với một nỗi lo lớn: lượng khẩu trang và đồ bảo hộ y tế dùng một lần tạo ra một lượng lớn rác thải y tế đe doạ môi trường sống. Sợi chuối với đặc tính chỉ mất 2 tháng để tự phân huỷ đang trở thành sự lựa chọn ưu việt để sản xuất khẩu trang nhằm bảo vệ môi trường và vẫn chống dịch hiệu quả.
Vẫn chuyện bảo vệ môi trường, ngành công nghiệp giấy sẽ có thêm một nguyên liệu dồi dào là sợi chuối mà không phải tận thu gỗ rừng. Từ giấy in, giấy mỹ thuật, giấy lọc, giấy báo, giấy các tông, giấy gói quà, giấy bao bì, giấy thủ công, giấy đầu lọc thuốc lá đều có thể làm từ sợi chuối. Ngành vật liệu xây dựng cũng cần đến sợi chuối để sản xuất ván sợi, vật liệu cách nhiệt, bê tông độn sợi chuối.
Đặc biệt, cùng với bông và tơ tằm, sợi chuối là những nguồn sợi tự nhiên tuyệt vời và đang dần trở nên phổ biến hơn, thân thiện với môi trường trong ngành công nghiệp dệt may. Sợi chuối nhẹ hơn so với sợi từ tre, nứa và có tính chịu nước cao nên có tuổi thọ cao. Dựa vào đặc tính này mà nhiều nhà sản xuất vải đã kết hợp giữa tơ chuối và sợi bông để tạo ra những loại vải siêu bền. Vải sợi chuối không mùi, dễ nhuộm, không co lại và bạc màu sau khi giặt. Chính độ cứng của vải, ngay cả khi không có hồ vải, đã khiến loại vải này được ưa chuộng. Bởi vậy, ở nhiều nước, ngành dệt may đã chọn sợi chuối là nguyên liệu phổ biến để sản xuất dây thừng, chão, chỉ may, vải bao bì, vải không dệt, vải dệt.
Anh Tuấn hào hứng nhắc đến những tiềm năng từ sợi chuối mà nhiều nước đã khai thác. Và ở Việt Nam, những tiềm năng đó hoàn toàn có thể tận dụng được trong tương lai. Hiện tại nước ta có khoảng 150.000 ha đất trồng chuối lấy quả, với nhiều vùng chuyên canh chuối có diện tích lớn, quy mô trang trại, nông trại.
Nếu tính cả diện tích trồng chuối nhỏ lẻ của các hộ gia đình, các giống chuối không lấy quả như chuối lá, chuối hột, chuối rừng thì diện tích cây chuối của nước ta có thể lên tới hơn 200.000 ha. Diện tích chuối đó sẽ sản xuất ra được khoảng 200.000 tấn sợi mỗi năm để làm đồ thủ công mỹ nghệ xuất khẩu có tiềm năng xuất khẩu lớn. Và chắc chắn, sẽ không chỉ ở Khai Thái, mà sẽ có nhiều vùng trồng chuối khác sẽ bắt tay vào khơi lên những tiềm năng từ cây chuối.
Nguồn: cand.com.vn