Năm 2021, doanh nghiệp (DN) sản xuất ôtô trong nước kỳ vọng bài toán nội địa hóa nói chung và nội địa hóa linh kiện nói riêng sẽ sớm được giải quyết. Từ đó, giảm giá thành sản xuất, lắp ráp, giúp ôtô Việt Nam có thể cạnh tranh sòng phẳng với ôtô nhập khẩu từ ASEAN cũng như các nước khác.
Khó cạnh tranh ngay trên “sân nhà”
Theo Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), có 2 mục tiêu lớn nhất đối với ngành công nghiệp ôtô mà nhiều năm trước vẫn chỉ là kỳ vọng, trong năm 2020 đã làm được. Một là, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, xuất khẩu ôtô đi nhiều nước. Hai là, VinFast và Thaco đã có thương hiệu riêng bên cạnh những dòng xe lắp ráp.
Tuy vậy, Cục Công nghiệp thừa nhận, quy mô thị trường ôtô Việt Nam còn quá nhỏ, thấp nhất trong 5 nước có ngành công nghiệp ôtô tại ASEAN, bằng 1/3 quy mô thị trường ôtô của Thái Lan, 1/4 của Indonesia… Điều đó dẫn đến, ngành công nghiệp này khó có thể tăng cường tỷ lệ nội địa hóa để cắt giảm chi phí sản xuất, giảm giá thành sản phẩm.
Ông Lương Đức Toàn – Phó trưởng Phòng Công nghiệp chế biến, chế tạo (Cục Công nghiệp)- chỉ ra, có 3 nguyên nhân chính khiến thị trường sản xuất ôtô của Việt còn khiêm tốn. Thứ nhất, hết năm 2019, mới bán được 400 nghìn xe (các nước trong khu vực như Thái Lan tiêu thụ trên 1 triệu xe); trong khi đó, theo tính toán của DN, để tăng tỷ lệ nội địa hóa, mỗi năm, một DN phải bán được 500 – 600 nghìn xe. Thứ hai, vật liệu cơ bản sản xuất cho linh kiện như thép chế tạo, hạt nhựa… phải nhập khẩu làm đội giá thành sản phẩm, khó cạnh tranh với sản phẩm ngoại khiến DN không mặn mà. Thứ ba, năng lực của ngành công nghiệp hỗ trợ còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu DN sản xuất lắp ráp ôtô; đặc biệt chưa có DN đầu tàu dẫn dắt chuỗi cung ứng.
Đại diện Tập đoàn Thành Công – TC Motor cũng cho hay, DN ôtô trong nước mới chỉ cung cấp được các linh kiện hàm lượng công nghệ thấp như cần gạt mưa, ắc quy, lốp, dây điện… Ngoài ra, các linh kiện khác vẫn phải nhập khẩu.
Nâng cao tỷ lệ nội địa hóa thúc đẩy ngành công nghiệp ôtô phát triển
Gỡ điểm “nghẽn” nội địa hóa linh kiện
Để khuyến khích nội địa hóa linh kiện phục vụ ngành công nghiệp ôtô, đại diện Hiệp hội DN Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI) cho rằng, chính sách thuế rất quan trọng và phải có tính ổn định lâu dài nhằm khuyến khích DN xây dựng chiến lược đầu tư bài bản, nếu không các nhà sản xuất linh kiện trong nước chỉ dám đầu tư theo kiểu “ăn xổi”. Bên cạnh đó, chính sách thuế cũng phải khuyến khích DN lựa chọn để sản xuất, xuất khẩu phụ tùng, linh kiện và dần trở thành nhà cung cấp trong chuỗi giá trị của ngành ôtô khu vực và thế giới.
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, ngành công nghiệp ôtô Việt trong năm 2021 có thể nhìn thấy “cửa sáng” từ triển vọng sản xuất và cung ứng linh kiện, thiết bị gốc (OEM) cho các đối tác lớn trên toàn cầu. Đơn cử, Công ty CP Ôtô Trường Hải (Thaco) đã sản xuất, xuất khẩu linh kiện phụ tùng ôtô theo chuỗi cung ứng OEM cho các đối tác lớn – phương thức để Thaco tham gia sâu vào chuỗi giá trị của thế giới. Điều này giúp công ty nắm rõ yêu cầu, quy trình sản xuất và kiểm soát chất lượng linh kiện OEM theo tiêu chuẩn toàn cầu, trên cơ sở đó xây dựng lộ trình nội địa hóa linh kiện chất lượng phù hợp với tiêu chuẩn của các hãng xe.
Theo VASI, trong số 350 DN sản xuất liên quan đến ôtô ở Việt Nam hiện nay, có tới 214 DN sản xuất linh kiện, phụ tùng ôtô… Tuy nhiên, để các DN này trở thành nhà cung ứng OEM, không đơn giản. Nếu muốn ngành công nghiệp ôtô Việt Nam có thêm những nhà cung ứng OEM cho các đối tác lớn trên toàn cầu, giới chuyên gia cho rằng, các DN của khối nội cần tiếp tục tái cấu trúc mạng lưới sản xuất và nâng cao chuỗi giá trị. Điều này đòi hỏi việc xây dựng năng lực và sự sẵn sàng của các DN về tư duy, công nghệ, nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng…
Bên cạnh đó, với một chiếc ôtô, cần từ 30.000 – 40.000 chi tiết, linh kiện khác nhau. Vì vậy, ngành công nghiệp ôtô Việt phải có sự hợp tác chặt chẽ của rất nhiều ngành công nghiệp khác như: Cơ khí chế tạo, điện tử, công nghiệp hóa chất… nhằm mang lại hiệu quả cao hơn so với hiện tại. Ngoài ra, các DN sản xuất linh kiện, phụ tùng cần chú trọng hơn nữa xu hướng sử dụng công nghệ 4.0 để cải tiến quy trình hiện có, nhằm nâng cao chất lượng, nội địa hóa linh kiện, phụ tùng…, thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp ôtô trong thời gian tới.
Các DN ôtô kiến nghị xem xét bổ sung sản phẩm ôtô vào Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển và Danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển, khuyến khích sản xuất, giúp DN đẩy mạnh đầu tư, mở rộng sản xuất, tăng tỷ lệ nội hóa, phát triển sản phẩm ôtô Việt Nam. |
Nguồn: Báo Công Thương