Theo dự báo, giai đoạn phổ cập ô tô sẽ diễn ra vào khoảng từ 2020-2025. Đến khi đó, nếu không sản xuất trong nước, Việt Nam sẽ phải nhập khẩu ô tô để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Hiện nay đang có sự dịch chuyển mạnh mẽ cơ sở sản xuất, lắp ráp ô tô từ châu Âu, châu Mỹ sang châu Á làm thay đổi bức tranh công nghiệp ô tô toàn cầu. Phát triển công nghiệp ô tô cần được xem là giải pháp dài hạn góp phần thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đưa Việt Nam tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, có tác động lan tỏa kéo theo sự phát triển của các ngành công nghiệp có liên quan, góp phần giảm thâm hụt cán cân thương mại.
Ngày 28 tháng 10 năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1829/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch hành động phát triển ngành công nghiệp ô tô và phụ tùng ô tô thực hiện Chiến lược Công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam – Nhật Bản hướng đến năm 2020, tầm nhìn 2030 nhằm thực hiện Chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam-Nhật Bản hướng đến năm 2020, tầm nhìn 2030.
Công nghiệp ô tô Việt Nam hiện nay chủ yếu chịu sự chi phối của 19 nhà sản xuất là thành viên của VAMA (gồm 13 doanh nghiệp liên doanh và 6 doanh nghiệp trong nước). Các nhà sản xuất này cùng chia nhau thị trường trên 200.000 xe/năm, với nhiều chủng loại xe khác nhau. Một số thương hiệu ô tô lớn trên thế giới đã có mặt tại Việt Nam như Toyota, GM, Ford, Honda, Mercedes-Benz… Theo Tổng cục Thống kê, tính đến hết năm 2012, ngành sản xuất xe có động cơ, rơ moóc có:
Số lượng doanh nghiệp |
Đóng góp |
Việc làm |
358 (trong đó, có 50 nhà sản xuất lắp ráp trong nước và nước ngoài). |
2,8% cho toàn ngành |
78.906 |
Số liệu thống kê cho thấy so với các ngành công nghiệp khác, công nghiệp ô tô Việt Nam hiện nay chưa thực sự có nhiều đóng góp cho nền kinh tế nói chung và công nghiệp nói riêng.
Ở Việt Nam hiện nay, công nghiệp ô tô vẫn còn được bảo hộ với hàng rào thuế nhập khẩu 15-50%. Năm 2014, cả sản lượng và dung lượng thị trường đều đạt trên 120.000 xe, trong đó xe 5 chỗ chiếm 42,1% sản lượng xe sản xuất trong nước, xe tải chiếm 25,1%, và các dòng xe còn lại mỗi dòng chiếm trên dưới 10%. Tăng trưởng bình quân kim ngạch xuất khẩu giai đoạn 2009-2013 đạt 28,9%/năm. Mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là linh kiện, phụ tùng ô tô, chiếm trên 90%, và thị trường xuất khẩu chủ yếu là Nhật Bản và Hoa Kỳ. Công nghiệp hỗ trợ cho công nghiệp ô tô vẫn còn kém phát triển. Tỉ lệ mua phụ tùng trong nước đạt được ở mức khác nhau tùy theo chủng loại xe và nhà sản xuất (10-30% đối với xe du lịch, >30% đối với xe tải, > 40% đối với xe buýt). Công nghiệp ô tô Việt Nam hiện nay đứng trước một số vấn đề cơ bản sau:
– Thị trường trong nước vẫn còn nhỏ.
– Giá xe của Việt Nam cao hơn so với giá xe của các nước trong khu vực.
– Áp lực cạnh tranh từ các nước trong khu vực ngày càng lớn khi lộ trình cắt giảm thuế CEPT hoàn tất vào năm 2018 với mức thuế suất về 0% đối với mọi loại xe nhập khẩu từ ASEAN.
– Công nghiệp hỗ trợ cho công nghiệp ô tô vẫn chưa phát triển, nguồn nhân lực trong công nghiệp ô tô nói riêng và trong lĩnh vực cơ khí, kỹ thuật nói chung chưa đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô.
– Chính sách phát triển công nghiệp ô tô thời gian qua thiếu đồng bộ và thường mang tính ngắn hạn, gây khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp trong việc lập kế hoạch sản xuất dài hạn.
Với định hướng phát triển công nghiệp ô tô và phụ tùng ô tô Việt Nam trở thành ngành công nghiệp quan trọng của nền kinh tế, đáp ứng được phần lớn nhu cầu trong nước, và tham gia sâu vào mạng lưới sản xuất ô tô thế giới, Kế hoạch hành động phát triển ngành công nghiệp ô tô và phụ tùng ô tô xác định từ năm 2015, thực hiện:
1. Điều chỉnh các loại thuế, phí và lệ phí liên quan đến ô tôChính sách thuế, phí và lệ phí sẽ được duy trì ổn định lâu dài các chính sách thuế, phí và lệ phí liên quan đến ô tô (SCT/OT/VAT; phí duy tu, bảo dưỡng đường bộ, phí môi trường…) với lộ trình thuế, phí nội địa ổn định trong vòng 10 năm. Từ năm 2015, điều chỉnh lại giá trị tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe sản xuất trong nước và xe nhập khẩu cho hợp lý
2. Hỗ trợ sản xuất trong nước và nâng cao giá trị tạo ra trong nước
Bổ sung công nghiệp ô tô và phụ tùng vào danh mục các lĩnh vực ưu đãi đầu tư trong Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư mới. Đơn giản hóa thủ tục xuất nhập khẩu và vận chuyển linh kiện, phụ tùng từ các nhà cung cấp chế xuất để phục vụ thị trường nội địa. Giảm thuế nhập khẩu đối với các phụ tùng, linh kiện ô tô chưa sản xuất được ở trong nước, và định kỳ rà soát, điều chỉnh danh mục phụ tùng, linh kiện ô tô được giảm thuế nhập khẩu. Nghiên cứu, thực thi giải pháp, chính sách phù hợp nhằm giải quyết vấn đề chi phí sản xuất cao của ngành công nghiệp ô tô trong nước.
3. Phát triển công nghiệp hỗ trợ: Ban hành Nghị định về phát triển công nghiệp hỗ trợ. Xây dựng danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển theo hướng tập trung, có chọn lọc hơn. Bổ sung công nghiệp ô tô và phụ tùng ô tô vào danh mục các sản phẩm cơ khí trọng điểm khuyến khích phát triển. Bổ sung một số linh kiện, phụ tùng ô tô vào danh mục các sản phẩm công nghệ cao.
Bố trí nguồn vốn nhất định từ Quỹ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ để cho các doanh nghiệp vay đầu tư trang thiết bị sản xuất trong lĩnh vực CNHT phục vụ CN ô tô với lãi suất, thời hạn vay ưu đãi và nới lỏng điều kiện thế chấp. Xây dựng và cập nhật thường xuyên cơ sở dữ liệu về công nghiệp hỗ trợ và cơ khí. Nghiên cứu, đề xuất phát triển các cụm liên kết (cluster) công nghiệp ô tô nhằm tận dụng sự tập trung công nghiệp hiện có của các doanh nghiệp hoạt động trong công nghiệp ô tô, và định hướng rõ ràng cho những dự án, nhà đầu tư mới. Xây dựng các khu công nghiệp dành cho các SME Nhật Bản với đầy đủ dịch vụ hỗ trợ đi kèm.
4. Phát triển nguồn nhân lực: Nắm bắt thực trạng nguồn nhân lực công nghiệp, tăng cường kết nối giữa doanh nghiệp và nhà trường. Thực thi việc cấp giấy chứng nhận tay nghề trong ngành công nghiệp ô tô (đặc biệt trong sản xuất phụ tùng, linh kiện). Xây dựng chương trình phát triển nguồn nhân lực công nghiệp ô tô với sự hợp tác, hỗ trợ của doanh nghiệp và tổ chức nước ngoài. Nghiên cứu, đề xuất ưu đãi, chính sách hỗ trợ thúc đẩy công tác đào tạo liên tục và tiếp nhận thực tập sinh tại các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam.
Đẩy mạnh hoạt động của các chuyên gia Nhật Bản, shindanshi sang Việt Nam để hỗ trợ các doanh nghiệp SME của VN.
5. An toàn, môi trường và cơ sở hạ tầng: Tổ chức diễn đàn trao đổi giữa các bên liên quan (chính phủ, doanh nghiệp, chuyên gia, tổ chức phi lợi nhuận…) để thảo luận về các vấn đề liên quan đến an toàn, môi trường, và cơ sở hạ tầng trong công nghiệp ô tô. Thực hiện các nghiên cứu về các vấn đề an toàn, môi trường, và cơ sở hạ tầng trong công nghiệp ô tô.
Sửa đổi Quyết định 1483/QD-TTg ngày 26/8/2011 ban hành Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển, Quyết định 10/2009/QĐ-TTg ngày 16/1/2009 về cơ chế hỗ trợ phát triển cơ khí trọng điểm và Danh mục dự án đầu tư sản xuất sản phẩm cơ khí trọng điểm giai đoạn từ năm 2009 đến năm 2015, Quyết định 49/2010/QĐ-TTg ngày 19/7/2010 phê duyệt Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển và Danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành (Mỹ Anh).