Thêm “trợ lực” để ngành công nghiệp ô tô bứt phá

Để phát triển được ngành công nghiệp ô tô phải tăng tỉ lệ nội địa hoá, bên cạnh đó, cần cấp thiết xây dựng chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô.

Chưa phát triển như kỳ vọng

Theo Bộ Công Thương, ngành công nghiệp ô tô là một trong những ngành công nghiệp tích hợp nhiều phân ngành như cơ khí, điện tử, điều khiển học, công nghệ vật liệu, hóa chất…, đòi hỏi rất nhiều yếu tố để hình thành và phát triển như: Quy mô thị trường, vốn tư bản, trình độ công nghệ, trình độ nguồn nhân lực, kỹ năng quản trị sản xuất… Trong bối cảnh xuất phát điểm của công nghiệp Việt Nam còn thấp, ngành ô tô cần rất nhiều thời gian để có những biến chuyển tích cực.

Trong khi đó, chính sách phát triển công nghiệp ô tô thời gian qua chưa đồng bộ, chưa phù hợp với quy luật của thị trường nên chưa thực sự tạo cơ sở vững chắc để thu hút các tập đoàn đa quốc gia đầu tư sản xuất với quy mô lớn. Trong khi đó, các nước ASEAN như: Thái Lan, Indonesia… nhiều năm qua đã có các chính sách hấp dẫn để thu hút đầu tư quy mô lớn, hiệu quả từ các tập đoàn ô tô.

Tuy đã có chính sách thu hút vốn FDI để phát triển công nghiệp ô tô nhưng không có các cơ chế ràng buộc chặt chẽ để các hãng ô tô nước ngoài nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, nên họ chỉ chú trọng hoạt động theo phương thức lắp ráp.

Bộ Công Thương cũng cho biết, tỷ lệ nội địa hoá đối với xe cá nhân đến 9 chỗ ngồi còn thấp, mục tiêu đề ra là 30 – 40% vào năm 2020, 40 – 45% vào năm 2025 và 50 – 55% vào năm 2030 nhưng con số thực tế hiện nay mới đạt bình quân khoảng 7-10%. Cụ thể, theo thông tin được cung cấp từ doanh nghiệp, hiện có Thaco đạt khoảng 15-18%, Toyota Việt Nam đạt 37% đối với riêng dòng xe Innova. Con số này thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu đề ra và so với các quốc gia trong khu vực như: Thái Lan, Indonesia và Malaysia.

Bên cạnh tỷ lệ nội địa hóa thấp, ô tô trong nước còn chịu chi phí sản xuất lắp ráp cao hơn các nước trong khu vực. Cụ thể, Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho biết, nguyên nhân do linh kiện sản xuất trong nước còn ít khiến cho chi phí sản xuất lắp ráp xe tại Việt Nam cao hơn từ 10 – 20%, đẩy giá bán xe lắp ráp trong nước cao hơn khoảng 20% so với các nước trong khu vực.

CHIA SẺ TIN