Hoạt động sản xuất kinh doanh của hầu hết các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn Ninh Bình chịu ảnh hưởng không nhỏ từ dịch Covid-19. Tái cơ cấu các lĩnh vực sản xuất công nghiệp, đặc biệt chú trọng vào công nghiệp hỗ trợ (CNHT) được coi là giải pháp vượt khó lúc này.
Trong cơn bão dịch bệnh đang hoành hành trên thế giới, lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử chịu tác động lớn vì thiếu hụt nguồn cung linh kiện, phụ kiện nhập khẩu phục vụ sản xuất. Đơn cử, các doanh nghiệp như Công ty TNHH Sanico Việt Nam và Công ty TNHH Goryo Việt Nam gặp khó trong việc nhập linh phụ kiện từ Trung Quốc về. Ngoài ra, hàng xuất đi cũng chậm do các đối tác nước ngoài cũng đang căng mình trước dịch bệnh.
Một ngành khác cũng đang chịu ảnh hưởng từ dịch Covid-19 đó là sản xuất da giày. Lĩnh vực này cũng đang chịu cảnh thiếu nguyên liệu sản xuất vì nguồn cung từ Trung Quốc đang gián đoạn. Rất nhiều công ty da giày đang phải hoạt động cầm chừng như Công ty TNHH Vienergy (Khu công nghiệp Phúc Sơn, thành phố Ninh Bình), Công ty TNHH Great Global International…
Ông Hoàng Trung Kiên, Giám đốc Sở Công Thương Ninh Bình cho biết: “Mặc dù hiện nay một số nước cung cấp nguyên, vật liệu cho sản xuất các lĩnh vực điện tử, may mặc… đã quay trở lại hoạt động sau đỉnh dịch nhưng việc nhập khẩu nguyên, vật liệu vẫn còn gặp nhiều khó khăn”.
Có thể thấy, mục tiêu quan trọng nhất lúc này chính là thúc đẩy tái cơ cấu trong các lĩnh vực sản xuất công nghiệp, trong đó xác định trọng tâm ưu tiên lĩnh vực CNHT. Sở Công Thương tỉnh Ninh Bình cũng đã xác định phải tập trung tái cơ cấu các chuỗi liên kết trong nước để phục vụ cho sản xuất công nghiệp, đặc biệt là một số ngành công nghiệp chế biến, chế tạo như dệt may, da giày, điện tử… theo hướng bền vững, tránh phụ thuộc quá lớn vào một hoặc một số ít đối tác như hiện nay.
Tỉnh cũng đẩy mạnh thu hút đầu tư, nhất là các nhà đầu tư FDI vào phát triển CNHT. Nghiên cứu, ban hành cơ chế đặc thù để hỗ trợ trực tiếp cho các dự án sản xuất sản phẩm CNHT đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp của tỉnh. Đồng thời nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho ngành CNHT, mở rộng liên kết đào tạo trong nước với đào tạo nước ngoài.
Bên cạnh đó, Sở Công Thương đang tiếp tục rà soát, báo cáo UBND tỉnh, Bộ Công Thương về thực trạng, nhu cầu nguyên, vật liệu đầu vào, đề xuất phương án tổ chức sản xuất và các giải pháp để đa dạng hóa, bảo đảm nguyên, vật liệu cho sản xuất, kinh doanh và bảo đảm đủ nguồn cung cho hoạt động sản xuất trong nước. Tăng cường liên kết với các doanh nghiệp trong nước để tìm nguồn nguyên liệu giúp doanh nghiệp chủ động hơn trong sản xuất.
Đồng thời, các ngành, địa phương trong tỉnh cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án công nghiệp trọng điểm của tỉnh nhằm hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế của tỉnh trong năm 2020. Ngoài ra, các doanh nghiệp CNHT trong tỉnh cũng mong muốn có cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích sản xuất linh kiện, sản phẩm trung gian trong nước thay thế nhập khẩu.