Việt Nam đang đứng trước cơ hội có thể gọi là “trăm năm có một” để có thể phát triển và tham gia sâu vào chuỗi giá trị và chuỗi cung ứng toàn cầu của các ngành công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử-viễn thông.
Với quy mô dân số hơn 90 triệu dân, thu nhập đầu người không ngừng được cải thiện tạo ra một thị trường nội địa có quy mô đủ lớn và hấp dẫn để Việt Nam có thể linh hoạt lựa chọn chiến lược phát triển công nghiệp phù hợp. (Ảnh minh họa: Hoàng Mẫn/dangconsan.vn) |
Sau hơn 35 năm thực hiện chính sách đổi mới đã đưa nước ta trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình. Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế không bền vững, có xu hướng giảm dần theo chu kỳ 10 năm và có nguy cơ tụt hậu, rơi vào bẫy thu nhập trung bình. Nội lực nền kinh tế còn yếu, năng suất lao động thấp, chậm được cải thiện; năng lực độc lập, tự chủ thấp, phụ thuộc nhiều vào khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Công nghiệp phát triển thiếu bền vững, giá trị gia tăng thấp; cơ cấu các ngành công nghiệp chuyển đổi chậm, chủ yếu vẫn tập trung vào các ngành khai khoáng, gia công, lắp ráp giản đơn có thâm dụng lao động cao; chưa phát triển được các ngành công nghiệp nền tảng đóng vai trò dẫn dắt, có khả năng cạnh tranh và tham gia sâu vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.
Việt Nam cần nhanh chóng xây dựng và ban hành Luật phát triển công nghiệp (do Bộ Công thương chủ trì soạn thảo), Luật phát triển công nghiệp công nghệ số (do Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì soạn thảo), đồng thời xây dựng và ban hành các quy hoạch không gian phát triển và chiến lược, kế hoạch phát triển các ngành công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử-viễn thông. Quy hoạch không gian phát triển các ngành nền tảng này phải phù hợp với thế mạnh, đặc thù của từng địa phương, từng vùng.