Doanh nghiệp Việt cần làm gì để nâng tầm ngành công nghiệp hỗ trợ?

Trước yêu cầu ngày càng cao đối với các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, đại diện Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh đang phối hợp với nhiều cơ quan hỗ trợ về đào tạo, kết nối tiêu thụ, nâng cao năng suất, chất lượng cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ với mục đích tạo ra một “hệ sinh thái” để nâng tầm ngành sản xuất công nghiệp hỗ trợ.

Cơ hội lớn nhưng thách thức không nhỏ

Tại hội thảo “Cơ hội thị trường cho ngành sản xuất công nghiệp hỗ trợ do Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh tổ chức mới đây, các chuyên gia cho rằng, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ đang đứng trước cơ hội rất lớn về thị trường, tuy nhiên để có thể khai thác được doanh nghiệp cần phải nỗ lực nhiều hơn để vượt qua thách thức.

Trong thời gian qua, Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng vào kinh tế toàn cầu. Đến nay, Việt Nam đã kí kết 16 FTA đã và đang ký kết trong đó có 12 FTA có hiệu lực. Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ.

Đại diện Ngân hàng thế giới (World Bank), bà Liên Anh cho biết, tuy việc vận hành thiết bị hiệu quả, trình độ máy móc công nghệ của doanh nghiệp Việt Nam không thua so với các nước trong khu vực nhưng khâu vận hành thì chưa hiệu quả, chưa tận dụng hết công suất máy. Một số khác chưa có đủ đơn hàng để vận hành hết công suất công nghệ. Doanh nghiệp cũng còn rất lúng túng trong việc phối hợp, triển khai giữa các bộ phận để triển khai đơn hàng mới. Doanh nghiệp Việt cũng có rất nhiều chứng chỉ Iso nhưng áp dụng hiệu quả chứng chỉ trên cũng rất hạn chế. Thậm chí, các doanh nghiệp không duy trì thường xuyên những quy trình chứng nhận mà chỉ mang tính chất đối phó. Do đó, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp cũng bị hạn chế.

Trong thời gian qua, World Bank đã lựa chọn được 25 doanh nghiệp để hỗ trợ cải thiện năng lực sản xuất.

“Cơ hội thị trường của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ là rất lớn, tuy nhiên các doanh nghiệp phải cần có có nỗ lực lớn hơn mới có thể tận dụng được các cơ hội mà thị trường mang lại”, bà Lê Nguyễn Duy Anh, Phó giám đốc Trung tâm Phát triển công nghiệp hỗ trợ thành phố Hồ Chí Minh nhận định.

Hệ sinh thái cho ngành công nghiệp hỗ trợ

Trước yêu cầu ngày càng cao về thị trường đối với các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, ông Đông cho biết, Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh đang phối hợp với nhiều cơ quan, ban ngành của thành phố trong các hoạt động hỗ trợ về đào tạo, kết nối tiêu thụ, nâng cao năng suất, chất lượng cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ với mục đích tạo ra một “hệ sinh thái” để nâng tầm ngành sản xuất công nghiệp hỗ trợ vì việc phát triển công nghiệp hỗ trợ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần tăng sức cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp hoàn chỉnh, giảm giá thành, tạo ra giá trị gia tăng để công nghiệp của thành phố phát triển mạnh hơn.

Nhận định về sự phát triển của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, ông Nguyễn Phương Đông, Phó giám đốc Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, để doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ phát triển phải giải quyết từng lát cắt. Điển hình như doanh nghiệp phải biết nguồn gốc xuất xứ nguyên liệu của mình và đang xuất khẩu, cung ứng cho các thị trường nào vì mỗi thị trường có xuất xứ khác nhau, do đó doanh nghiệp phải nắm được để đáp ứng yêu cầu xuất xứ của từng quốc gia, từng lãnh thổ. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng phải nắm được yêu cầu của các nhà thu mua đối với các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ.

Qua đó có nhiều cái doanh nghiệp phải tiếp tục cải tiến, đổi mới nâng cao quản trị doanh nghiệp, đáp ứng được điều kiện yêu cầu thì mới trở thành nhà cung ứng được cho các nhà thu mua. Vì các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ không chỉ cung ứng tại việt Nam mà còn có thể đi ra chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp tại quốc gia vùng lãnh thổ khác. Ngoài ra, các doanh nghiệp còn phải đáp ứng được các yêu cầu về năng suất, chất lượng. Việc đào tạo cán bộ, giám sát viên tuyến đầu để theo dõi giám sát cán bộ công nhân kỹ thuật nhằm đảm bảo làm ra sản phẩm đồng đều về chất lượng và đảm bảo tiến độ giao hàng cũng rất quan trọng.

MI VÂN

CHIA SẺ TIN