CÔNG NGHIỆP Ô TÔ TẠI VIỆT NAM – CẦN CÔNG NGHỆ, NHÀ XƯỞNG HIỆN ĐẠI

Theo Bộ Công thương, đến hết năm 2022, cả nước có hơn 40 doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô (OEM) và 259 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ô tô. Tổng công suất lắp ráp theo thiết kế khoảng 755.000 xe/năm, trong đó khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chiếm khoảng 35%, doanh nghiệp trong nước chiếm khoảng 65%. Mặc dù quy mô “đông đúc” như thế và mục tiêu của Chính phủ là phải nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, nhưng theo chuyên gia ô tô Huỳnh Tấn Công, nguyên Tổng Thư ký Hiệp hội các nhà sản xuất Ô tô Việt Nam (VAMA), thực tế tỷ lệ nội địa hóa ô tô du lịch tại Việt Nam mới chỉ đạt khoảng 8-10%. Thậm chí mới đây, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI) Phan Đăng Tuất cho rằng, Việt Nam “vừa có, vừa chưa có ngành công nghiệp ô tô đúng nghĩa”, “Việt Nam chỉ làm được ốc vít cho biển số xe ô tô”.

Ngành công nghiệp ô tô và sức hút thị trường  ảnh 3
Nhà máy ô tô Vinfast tọa lạc tại khu vực sát biển ở Hải Phòng đã sử dụng tôn COLORBOND®
ứng dụng công nghệ mạ ma trận 4 lớp Activate™ cho độ bền nhà xưởng lâu dài

Hiện nay, hạn chế của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam là phần lớn chỉ ở mức độ lắp ráp, chưa hình thành nền móng sản xuất thực sự, dây chuyền sản xuất chủ yếu chỉ ở 4 công đoạn chính: hàn, sơn, lắp ráp, kiểm tra. Nhà xưởng, công nghệ chưa hiện đại, chưa đáp ứng tiêu chí xanh hóa và thân thiện với môi trường, giảm phát thải… trong khi đây là xu thế chuyển dịch tất yếu theo cam kết với quốc tế.

Theo đại diện Công ty TNHH Sản xuất và kinh doanh VinFast, đáp ứng đủ yêu cầu đối với nhà máy lắp ráp ô tô là điều kiện mà mỗi doanh nghiệp phải thực hiện trước khi tiến hành xây dựng, sản xuất. Nhà máy lắp ráp ô tô VinFast được xây dựng với quy mô lớn tại Việt Nam, quy trình sản xuất linh kiện, lắp ráp được đồng bộ và khép kín. Nhà máy này có 6 xưởng bao gồm: xưởng dập, xưởng sơn, xưởng hàn thân vỏ, xưởng động cơ cho đến lắp ráp và xưởng phụ trợ, ứng dụng công nghệ hiện đại châu Âu, công suất có thể đạt 500.000 xe/năm.

Còn theo VAMA, nhà xưởng sản xuất – lắp ráp ô tô cũng phải có đủ thiết bị đảm bảo vệ sinh công nghiệp, an toàn lao động, giảm độc hại (tiếng ồn, nóng bức, bụi); phòng chống cháy nổ và bảo đảm cảnh quan, môi trường, văn minh công nghiệp. Theo nhận định của BlueScope – nhà cung cấp vật liệu, sản phẩm, hệ thống và công nghệ thép đổi mới – tiềm năng và sức hút của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam là rất lớn và đã hình thành làn sóng chuyển dịch, thu hút đầu tư cũng như cuộc đua mở rộng quy mô sản xuất ô tô trong những năm tới. Đó là một trong những lý do doanh nghiệp tôn mạ từ Australia này tập trung vào việc cung cấp các công nghệ tôn mạ hiện đại cho tòa nhà, công xưởng…, trong đó có ngành công nghiệp sản xuất ô tô.

Từ năm 2004, Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công thương) đã ban hành Quyết định số 115/2004/QĐ-BCN, về tiêu chuẩn doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô. Trong đó quy định nhà máy, khu vực sản xuất và nhà xưởng phải có diện tích mặt bằng đủ rộng để bố trí và thực hiện quy trình sản xuất, lắp ráp, kiểm tra và các khu vực cần thiết khác đáp ứng tốt quá trình vận hành và xử lý sau kiểm thử. Khu vực sản xuất và lắp ráp ô tô bao gồm xưởng sơn, hàn, kiểm thử… phải được trang bị máy móc theo quy trình công nghệ phù hợp.

Ông Trương Thanh Hoài, Cục trưởng Cục Công nghiệp, cho biết Nghị định số 116/2017/NĐ-CP của Chính phủ về điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô cũng có quy định doanh nghiệp phải có quyền sử dụng hợp pháp đối với nhà xưởng, dây chuyền công nghệ lắp ráp, hàn, sơn, kiểm tra chất lượng sản phẩm và đường thử ô tô đáp ứng các yêu cầu tối thiểu. Đây là điều kiện để Bộ Công thương cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, lắp ráp ô tô tại Việt Nam.

CHIA SẺ TIN