Bộ Công thương đánh giá, năng lực yếu kém của các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp hỗ trợ cũng là điều đáng lưu tâm. Các nhà sản xuất khuôn mẫu hoặc có quy mô không lớn hoặc thiếu sự liên kết phối hợp để phát triển. Các doanh nghiệp sản xuất phôi và chi tiết đúc cho ngành chưa nhiều và tỷ lệ sai hỏng còn cao, chưa đáp ứng được yêu cầu của ngành. Do đó, cần có những giải pháp để phát triển công nghiệp hỗ trợ nó chung, ngành công nghiệp ô tô trong nước nói riêng.
Mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định, ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước vẫn chưa đạt được tiêu chí của ngành sản xuất ô tô thực sự (phần lớn mới ở mức độ lắp ráp đơn giản), dây chuyền sản xuất chủ yếu chỉ gồm 4 công đoạn chính là hàn, sơn, lắp ráp, kiểm tra.
Giá bán xe vẫn ở mức cao so với các nước trong khu vực. Mức giá xe tại Việt Nam cao hơn gần 2 lần so với các nước trong khu vực (Thái Lan và Indonesia), và con số này còn lớn hơn nếu so với các nước có ngành công nghiệp ô tô đã phát triển ổn định như Hoa Kỳ và Nhật Bản. Nguyên nhân lớn nhất khiến giá xe tại Việt Nam ở mức cao là do thuế và phí cao, đồng thời sản lượng tích lũy trong nước thấp (các doanh nghiệp đang sản xuất dưới rất xa so với công suất thiết kế).
Bên cạnh đó, chất lượng xe sản xuất, lắp ráp trong nước mặc dù đã được cải thiện nhưng vẫn chưa thực sự bằng xe nhập khẩu cũng như chưa tạo được sự hợp tác – liên kết và chuyên môn hóa giữa các doanh nghiệp trong sản xuất – lắp ráp ô tô và sản xuất phụ tùng linh kiện. Chưa hình thành được hệ thống các nhà cung cấp nguyên vật liệu và sản xuất linh kiện quy mô lớn.
Về tỷ lệ nội địa hóa đối với xe cá nhân đến 9 chỗ ngồi: kết quả đạt được vẫn còn thấp so với mục tiêu đề ra. Các sản phẩm đã được nội địa hóa như: săm, lốp, ghế ngồi, gương, kính, bộ dây điện, ắc quy, sản phẩm nhựa… Có tới 80 – 90% nguyên liệu chính cho sản xuất linh kiện như thép hợp kim, hợp kim nhôm, hạt nhựa, cao su kỹ thuật hiện phải nhập khẩu. Vật liệu làm khuôn mẫu chủ yếu cũng phải nhập khẩu. Hàng năm, các doanh nghiệp phải nhập khẩu khoảng trên 5 tỷ USD các linh kiện, phụ tùng phục vụ cho sản xuất, lắp ráp và sửa chữa xe.
Không áp dụng quy định mức độ rời rạc tối thiểu của linh kiện ô tô nhập khẩu là cần thiết
Theo dự báo của các chuyên gia kinh tế thuộc các tổ chức thế giới, năm 2023, tăng trưởng GDP toàn cầu sẽ rơi vào tình trạng sụt giảm, thấp hơn năm 2022, với mức dự báo tốc độ tăng trung bình khoảng 2%. Theo đánh giá của Bộ Công thương, trong dài hạn, sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam cũng sẽ bị ảnh hưởng đáng kể. Mục tiêu xuất khẩu 90.000 xe ô tô và 10 tỷ USD giá trị xuất khẩu linh kiện phụ tùng vào năm 2035 tại Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam năm 2025, tầm nhìn đến 2035 (được phê duyệt tại Quyết định số 1168/QĐ-TTg ngày 16.7.2014 của Thủ tướng Chính phủ) sẽ không thể đạt được, nếu không có những chính sách thúc đẩy kịp thời trong giai đoạn ngắn hạn 2023, trung hạn 2027 và dài hạn đến năm 2035.
Để hỗ trợ thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp ô tô, tại Văn bản số 1154/BCT-CN ngày 6.3.2023 về việc đánh giá tác động của việc không áp dụng quy định về mức độ rời rạc của linh kiện ô tô nhập khẩu gửi Bộ Tài chính, Bộ Công thương kiến nghị không áp dụng quy định mức độ rời rạc tối thiểu của linh kiện ô tô nhập khẩu để thực hiện Chương trình ưu đãi thuế đối với sản xuất, lắp ráp ô tô và phân loại linh kiện ô tô nhập khẩu từ ngày 1.10.2022 và không quy định nội dung Bộ Công thương trình cấp có thẩm quyền ban hành quy định về phương pháp xác định tỷ lệ giá trị sản xuất trong nước để phân loại bộ linh kiện ô tô nhập khẩu và áp dụng Chương trình ưu đãi thuế.
Bên cạnh đó, Bộ Công thương cũng kiến nghị bổ sung vào Điều 11 dự thảo Nghị định Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan nội dung: “Cục Đăng kiểm Việt Nam trực thuộc Bộ Giao thông Vận tải kiểm tra, giám sát việc doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô bảo đảm điều kiện quy định tại Điểm d Khoản 3 Điều 8 Nghị định này” và một số kiến nghị khác.
Bộ Công thương đánh giá việc không áp dụng quy định mức độ rời rạc tối thiểu của linh kiện ô tô nhập khẩu để thực hiện Chương trình ưu đãi thuế đối với sản xuất, lắp ráp ô tô và phân loại bộ linh kiện ô tô nhập khẩu từ ngày 1.10.2022 sẽ tạo thuận lợi trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô; nâng cao khả năng cạnh tranh với ô tô nhập khẩu; thúc đẩy và phát triển công nghiệp hỗ trợ ô tô trong nước.
Đồng thời, chính sách này cũng tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước có cơ hội hợp tác với các hãng ô tô lớn trên thế giới trong việc lựa chọn chủng loại phụ tùng, linh kiện mà Việt Nam có lợi thế trong sản xuất để đảm nhận vai trò mắt xích trong chuỗi sản xuất – cung ứng toàn cầu.
Trên cơ sở đó, các doanh nghiệp sẽ tiếp tục đầu tư công nghệ tiên tiến, sản xuất phục vụ xuất khẩu, tạo thêm việc làm cho người lao động và gia tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước theo định hướng tại Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035, góp phần duy trì và đưa ngành công nghiệp ô tô Việt Nam phát triển bền vững, hoàn thành mục tiêu công nghiệp hoá, hiện đại hóa theo Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22.3.2018 của Bộ Chính trị về xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17.11.2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
“Việc bãi bỏ quy định về mức độ rời rạc của linh kiện ô tô nhập khẩu đối với các dòng xe có ứng dụng công nghệ mới, hiện đại là cần thiết để bảo đảm quyền lợi của doanh nghiệp, thúc đẩy ứng dụng, đổi mới công nghệ và thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp sản xuất ô tô trong nước, góp phần thu hút thêm các dự án đầu tư mới trong lĩnh vực sản xuất, lắp ráp ô tô”, Bộ Công thương nêu.