Ngày 5-7, tại TP HCM đã diễn ra hội nghị giao thương trực tuyến sản phẩm công nghiệp hỗ trợ (CNHT) Việt Nam – Nhật Bản năm 2022 do Cục Xúc tiến thương mại – Bộ Công Thương, Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản và Trung tâm ASEAN – Nhật Bản (AJC) phối hợp tổ chức.
Hội nghị nhằm hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp (DN) cung ứng những sản phẩm CNHT của Việt Nam tăng cường tìm kiếm đối tác, kết nối cơ hội kinh doanh, liên kết sản xuất và xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản.
Phát biểu tại hội nghị, đại diện AJC cho biết trong tình hình thế giới đầy biến động như hiện nay, việc các quốc gia tham gia chuỗi toàn cầu là vấn đề nan giải, ngành CNHT Việt Nam cũng đang đối diện nhiều thách thức. “Những biến động của thế giới mang lại cơ hội cho chúng ta. Năm 2020, Chính phủ Việt Nam ban hành nghị quyết thúc đẩy phát triển các ngành CNHT Việt Nam đến năm 2025, nâng số lượng công ty sản xuất và lắp ráp tại Việt Nam lên 1.000 công ty. Để hiện thực hóa kế hoạch này, cần có sự hợp tác giữa các DN và nhà nước để phát triển, tăng khả năng cạnh tranh của DN CNHT, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước lẫn quốc tế” – đại diện AJC nói.
Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại, đánh giá những năm qua, DN CNHT của Việt Nam đã phát triển cả về số lượng và chất lượng, cải thiện năng lực sản xuất và tham gia ngày càng sâu vào chuỗi sản xuất toàn cầu. Số lượng DN hoạt động trong ngành CNHT chiếm gần 4,5% tổng số DN ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, tạo việc làm cho hơn 600.000 lao động, chiếm 8% lao động toàn ngành chế biến, chế tạo. Doanh thu sản xuất – kinh doanh đạt hơn 900.000 tỉ đồng, đóng góp gần 11% tổng doanh thu toàn ngành. Nhiều sản phẩm đã đáp ứng được nhu cầu trong nước và được xuất khẩu tới nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Nhật Bản.
Tuy nhiên, năng suất của các DN CNHT tại nhiều địa phương còn khá thấp, thiếu nguồn nhân lực có trình độ kỹ thuật cao, việc cấp vốn để đầu tư trang thiết bị còn khó, thiếu thông tin của các nhà cung cấp nguyên vật liệu chất lượng và giá rẻ ở nước ngoài… Do đó, khi tham gia hội nghị, ngoài việc tìm đối tác hợp tác sản xuất – kinh doanh, các DN còn có điều kiện tiếp cận, học hỏi những xu thế mới của thị trường, các thành tựu đổi mới về kỹ thuật, công nghệ; gặp gỡ trực tiếp những đối tác tiềm năng Nhật Bản để phát triển ngày càng chuyên nghiệp hơn.