Công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí: Nhiều cơ hội để phát triển

Viễn cảnh trở thành một “Trung tâm chế tạo mới của thế giới” đối với Việt Nam không dễ thực hiện, song nếu có sự thay đổi từ tư duy quản lý đến ý thức tự vươn lên của doanh nghiệp (DN) cơ khí nội địa… thì thị trường công nghiệp hỗ trợ (CNHT) trong nước sẽ được mở rộng, tạo tiền đề để DN cơ khí trong nước trở thành nhà cung cấp, tham gia vào chuỗi cung ứng sản xuất, lắp ráp sản phẩm cuối cùng…
Còn nhiều hạn chế
Việt Nam đã có những đơn vị nhiều kinh nghiệm làm tổng thầu EPC (nhà thầu thực hiện toàn bộ các công việc kỹ thuật, cung ứng vật tư, thiết bị đến thi công xây dựng công trình, hạng mục và chạy thử nghiệm bàn giao cho chủ đầu tư) như Tổng công ty lắp máy Việt Nam (LILAMA); không ít DN cơ khí làm chủ một số công nghệ, tỷ lệ tự động hóa ngày càng nâng cao… nhưng tại sao việc tham gia được vào khâu thiết kế, chế tạo, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng, lắp ráp sản phẩm cuối cùng của DN lại quá hạn chế, thậm chí là không thể?
Doanh nghiệp cơ khí đang đứng trước không ít cơ hội
Lý giải của nhiều chuyên gia: Chất lượng sản phẩm cơ khí của DN trong nước hiện vẫn còn thấp, giá thành sản xuất lại cao nên thiếu sức cạnh tranh. Bên cạnh đó, còn thiếu nhiều DN cơ khí lớn, mang tầm quốc tế, đóng vai trò dẫn dắt. Đáng nói, trước những tác động mạnh mẽ của Cách mạng công nghiệp 4.0 nhưng trình độ cơ khí chế tạo, nhất là cơ khí chính xác – trụ cột của sản xuất công nghiệp vẫn lạc hậu so với nhiều nước. DN gặp không ít thách thức trong cải tiến công nghệ, bắt kịp xu hướng, nâng cao trình độ lao động, chất lượng hạ tầng… để có thể tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu và những áp lực cạnh tranh lớn đến từ các nước trong khu vực cũng như trên thế giới.
Sự hạn chế trong phát triển của lĩnh vực này còn có nguyên nhân từ bất cập của cơ chế. Theo ông Đào Phan Long, Chủ tịch Hiệp hội DN cơ khí Việt Nam: Luật Đấu thầu 2005 quy định DN Việt Nam tham gia đấu thầu phải có kinh nghiệm, đã từng làm qua những dự án thành công… Trên thực tế, “đấu thầu” chỉ tập trung “đấu giá”, nên DN nước ngoài đã thắng thầu hầu hết các dự án đầu tư. Điều này dẫn tới mỗi năm Việt Nam vẫn nhập siêu hàng tỷ USD máy móc, thiết bị về xây dựng, phát triển các ngành công nghiệp, nông nghiệp, hàng tiêu dung… trong khi ngành cơ khí lại có mặt ở hầu hết các lĩnh vực kinh tế.
Cơ hội không nhỏ
Thời gian tới, Việt Nam sẽ triển khai nhiều dự án quan trọng, có tổng mức đầu tư lớn như: Quy hoạch điện giai đoạn 2021 – 2030 khoảng 133 tỷ USD, đường sắt tốc độ cao 50 – 60 tỷ USD, các tuyến đường sắt nội đô, các công trình giao thông, thủy lợi, dầu khí, kinh tế biển, đóng tàu, ô tô, xe máy…. Đây là cơ hội lớn cho ngành cơ khí tận dụng những lợi thế, kết hợp ứng dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất.
Song để phát huy được vai trò của DN trong nước vào những đại dự án, các chuyên gia cho rằng, cần có quy định chặt chẽ tỷ lệ hợp lý trong khối lượng và giá trị dự án, để bảo đảm dành cho DN cơ khí nội địa tham gia như thông lệ quốc tế, không nên cái gì cũng đi mua của nước ngoài mà khuyến khích nhận chuyển giao công nghệ để tự làm.
Bà Trương Thị Chí Bình – Phó chủ tịch Hiệp hội CNHT Việt Nam – cũng nhận định: DN cơ khí, CNHT đang đứng trước cơ hội lớn khi Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do. Các hiệp định này có hiệu lực sẽ giúp DN trong nước ưu thế hơn khi xuất khẩu, đồng thời thu hút đầu tư nước ngoài vào.
Tuy nhiên, trước thực trạng về trình độ, năng lực của đội ngũ kỹ sư thiết kế DN ngành cơ khí còn hạn chế thì cần thiết phải có chương trình hỗ trợ đầu ra bằng cách kết nối với người mua tiềm năng của mỗi ngành; ưu đãi cho công ty CNHT cỡ vừa hiện nay đầu tư mở rộng sản xuất, đào tạo nguồn nhân lực, hỗ trợ về tài chính… giúp DN thêm điều kiện tiếp cận công nghệ mới. Cần xem xét việc bình đẳng các ưu đãi đầu tư giữa DN cơ khí trong nước và DN FDI. Ngoài ra, nhà nước cũng nên tạo nhiều đơn hàng cho DN cơ khí Việt Nam, nhất là các dự án đầu tư công.
Dù không tươi sáng, nhưng bức tranh ngành công nghiệp cơ khí, chế tạo của Việt Nam không hoàn toàn màu xám, cộng với tài năng của con người Việt Nam, nếu được đầu tư và khuyến khích thúc đẩy, thì việc vực dậy mạnh ngành công nghiệp quan trọng trong nền kinh tế quốc dân không phải là không làm được.

CHIA SẺ TIN