“Chính phủ cần phải coi cơ khí là một ngành công nghiệp nền tảng, có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc phát triển kinh tế – xã hội. Theo đó, cần xây dựng ngành cơ khí đủ sức cạnh tranh, vươn lên trong cơ chế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt, cần ban hành các chính sách phù hợp hơn nhằm khuyến khích, tập trung vào các nhóm sản phẩm có lợi thế và phù hợp lộ trình hội nhập quốc tế toàn cầu” – ông Đỗ Phước Tống – Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Cơ khí – Điện TP. Hồ Chí Minh (HAMEE) chia sẻ trong cuộc trao đổi với phóng viên Kinh tế Việt Nam.
Có quan điểm cho rằng, ngành cơ khí chế tạo trong nước có sức cạnh tranh yếu hơn các nước trong khu vực và trên thế giới. Trong những năm qua, chỉ có một vài doanh nghiệp đầu tư vào máy móc, thiết bị hiện đại để tạo ra các sản phẩm chất lượng cao để thay thế hàng hóa nhập khẩu. Ông nhận định như thế nào về vấn đề này?
Thực tế, thời gian qua, đầu tư của ngành cơ khí còn phân tán, chưa đồng bộ. Việc hỗ trợ, phối hợp, liên kết ngành và liên kết giữa các doanh nghiệp chưa thực hiện tốt được do thiếu những chuyên ngành cơ khí cần thiết như các dự án sản xuất phôi thép rèn, đúc chất lượng cao áp dụng công nghệ tiên tiến, thiếu các cơ sở có máy móc gia công, chế tạo lớn, hiện đại; thiếu cả những nhà máy sản xuất thép chuyên dùng cho chế tạo các sản phẩm cơ khí…
Ông Đỗ Phước Tống – Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Cơ khí – Điện TP. Hồ Chí Minh (Ảnh: Quỳnh Nga) |
Mặc dù đã có một số doanh nghiệp có điều kiện đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại, có khả năng chế tạo được các sản phẩm chất lượng cao để xuất khẩu và thay thế hàng nhập khẩu, nhưng số doanh nghiệp này còn quá ít ỏi và cũng đang gặp nhiều khó khăn để tồn tại và phát triển bền vững. Theo đó, mỗi năm, nước ta phải tốn vài chục tỷ USD nhập máy móc, thiết bị về để xây dựng các công trình, phát triển các ngành công nghiệp trong nước, trong khi ngành cơ khí chế tạo Việt Nam chỉ đáp ứng được một phần nhỏ.
Nguyên nhân dẫn đến thực trạng nêu trên là do các cấp, các ngành chưa thật sự nhận thức đúng về vị trí, vai trò cần thiết xây dựng và phát triển công nghiệp cơ khí; các cơ chế, chính sách của Nhà nước chưa đủ tạo điều kiện để khuyến khích, phát triển ngành cơ khí. Trong khi thế giới đang tiến đến kỷ nguyên công nghiệp 4.0, nhưng trình độ sản xuất của ngành cơ khí Việt Nam mới đang ở giai đoạn đầu của 3.0 do thiếu nguồn lực đầu tư công nghệ mới, hạ tầng kỹ thuật, kĩ năng còn yếu.
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là cơ khí Việt Nam không có khả năng bắt kịp được xu thế này, nếu khắc phục được các hạn chế như tăng cường đẩy mạnh hợp tác giữa doanh nghiệp sản xuất cơ khí trong nước, tìm đầu ra ổn định để doanh nghiệp có thể mạnh dạn đầu tư; thay đổi chính sách thuế, nhằm tạo điều kiện để các doanh nghiệp chế tạo máy nhập các linh kiện phụ tùng với thuế suất ưu đãi hơn. Bên cạnh đó, các hội doanh nghiệp ngành nghề tại các địa phương đóng vai trò vô cùng quan trọng, là cầu nối gắn kết các doanh nghiệp cơ khí cũng như các doanh nghiệp trong các lĩnh vực liên quan tạo thành khối doanh nghiệp chuyên ngành mang tính cạnh tranh cao có thể tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.
Như ông vừa chia sẻ, để ngành công nghiệp cơ khí phát triển rất cần “bàn tay” hỗ trợ của Nhà nước. Ông có đề xuất gì cụ thể hơn về mặt cơ chế chính sách để ngành cơ khí Việt Nam có thể tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu?
Theo tôi, Chính phủ và doanh nghiệp phải thành một khối trên góc độ tổng thể, để thảo luận các biện pháp cần thiết hoặc các hoạt động cần triển khai và thực thi một cách thích đáng. Để thúc đẩy sự phát triển của ngành cơ khí, cần nhiều giải pháp mạnh và đồng bộ, gồm: Thứ nhất, phát triển nguồn nguyên liệu cho sản xuất. Chính phủ cần có chính sách thuế phù hợp trong việc nhập khẩu nguyên vật liệu vật tư cho sản xuất ngành cơ khí; kêu gọi đầu tư FDI tham gia lĩnh vực sản xuất nguyên vật liêu cho ngành cơ khí; đầu tư hỗ trợ cho doanh nghiệp Việt Nam trở thành nhà sản xuất nguyên vật liệu của ngành cơ khí.
Thứ hai, hỗ trợ đổi mới công nghệ chế tạo, đầu tư vào thiết bị máy móc, xây dựng nhà xưởng sản xuất. Theo đó, cần hỗ trợ vay vốn để doanh nghiệp đầu tư vào thiết bị máy móc, nhà xưởng sản xuất (vay vốn trung và dài hạn); cần quy hoạch, tạo điều kiện và có chế độ ưu đãi cho các doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ và cơ khí chế tạo được vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp với chi phí hợp lý để các doanh nghiệp ngành cơ khí có thể phát triển.
Bên cạnh đó, xây dựng hệ thống tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm theo chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn ngành và tiêu chuẩn cơ sở làm căn cứ cho việc định hướng phát triển; xây dựng các chương trình hỗ trợ đổi mới công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, nâng cao năng suất, chất lượng cho các doanh nghiệp; đẩy mạnh việc tiếp thu, ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến nhằm tạo thêm nhiều sản phẩm cơ khí có hàm lượng công nghệ và khả năng cạnh tranh cao; xây dựng cơ chế để thúc đẩy chuyển giao công nghệ và kỹ thuật từ doanh nghiệp FDI sang doanh nghiệp Việt Nam.
Đẩy mạnh việc tiếp thu, ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến nhằm tạo thêm nhiều sản phẩm cơ khí có hàm lượng công nghệ và khả năng cạnh tranh cao (Ảnh: Cấn Dũng) |
Thứ ba, phát triển nguồn lực công nhân kỹ thuật. Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia phát triển nhân lực công nghiệp cơ khí; hỗ trợ kinh phí chi đào tạo nâng cao trình độ kỹ thuật kỹ sư, kỹ thuật viên các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ; thu hút sự hỗ trợ của chính phủ các nước phát triển như Nhật Bản, Mỹ, EU… để đào tạo nguồn nhân lực cho ngành cơ khí; tạo điều kiện đầu tư trang thiết bị cho các cơ sở nghiên cứu, kể cả các cơ sở nghiên cứu tư nhân, để đào tạo đội ngũ cán bộ chuyên ngành, cũng như hợp tác nghiên cứu với các đối tác nước ngoài trong một số chương trình đào tạo để phát triển nguồn nhân lực.
Thứ tư, hỗ trợ phát triển thị trường gồm: Hỗ trợ doanh nghiệp tham gia vào Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia; hỗ trợ kinh phí để doanh nghiệp có thể tăng cường tham gia triển lãm hội chợ trong nước và ngoài nước; kinh phí tiếp cận thông tin thị trường; tổ chức và hỗ trợ thành lập các trung tâm tiếp thị tìm kiếm thị trường tiêu thụ, làm cầu nối giữa các doanh nghiệp cung và cầu…
Bên cạnh những nỗ lực của Nhà nước thì điều quyết định chính là bản thân doanh nghiệp cũng phải thực sự thay đổi. Ông có lời khuyên gì cho các doanh nghiệp cơ khí để nâng cao sức cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập sâu rộng như hiện nay?
Các doanh nghiệp cơ khí cần phải nhận thức đầy đủ nhu cầu từ thị trường toàn cầu, hiểu rõ nhu cầu khách hàng. Số lượng bao nhiêu, sản phẩm thế nào, giá trị dịch vụ cộng thêm là gì, sự cải tiến được mong đợi. Từ đó các doanh nghiệp thấy được vị trí của mình cũng như những hạn chế nào còn tồn tại cần khắc phục để có thể đáp ứng những yêu cầu của chuỗi cung ứng toàn cầu như những quy trình nào cần phải được đặt ra, những chứng chỉ nào cần phải được cung cấp, những kỹ năng nào cần phải được phát triển.
Dựa trên đó, bản thân các doanh nghiệp cơ khí cần phải chủ động cơ cấu lại sản xuất, tìm hướng đi thích hợp cho doanh nghiệp, tích cực đổi mới, nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp, tìm mọi cách giảm chi phí đầu vào, nâng cao năng suất, chất lượng; mở rộng thị trường, chủ động tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, liên kết quá trình sản xuất của các tập đoàn lớn trên thế giới để mở rộng thị trường xuất khẩu và tranh thủ tiếp thu công nghệ mới. Chúng ta với nguồn lực yếu, khó cạnh tranh với các công ty lớn, tập đoàn đa quốc gia nên phải tìm giải pháp liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp này để phát triển.
Xin cảm ơn ông!