Để ngành cơ khí Việt Nam phát triển ngang tầm khu vực và thế giới, tránh bỏ ngỏ thị trường còn nhiều dư địa, nhiều chuyên gia cho rằng, cần tiếp thêm động lực cho doanh nghiệp cơ khí trong nước mở rộng cơ hội giao thương, xúc tiến thương mại và hợp tác về công nghệ, nhân lực, chính sách.
Cơ khí là ngành công nghiệp then chốt, là cơ sở, nền tảng, động lực cho sự phát triển công nghiệp của bất cứ quốc gia nào, đặc biệt với đất nước đang trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá như Việt Nam. Theo Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), với khoảng 25.000 doanh nghiệp cơ khí đang hoạt động, chiếm gần 30% tổng số doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo tại Việt Nam, ngành cơ khí trong nước đã từng bước làm chủ và nâng cao tỷ lệ nội địa hóa; tạo động lực thúc đẩy các ngành công nghiệp và kinh tế khác phát triển, qua đó trực tiếp và gián tiếp tạo việc làm cho hàng triệu lao động. Ngành cơ khí đã hình thành một số doanh nghiệp lớn có tiềm năng phát triển ngang tầm khu vực, cũng như một số doanh nghiệp có nhiều triển vọng trong các lĩnh vực sản xuất, lắp ráp ô tô, cơ khí nông nghiệp. Một số phân ngành cơ khí đã chế tạo được các sản phẩm chất lượng, đạt tiêu chuẩn khu vực, thậm chí có thể đạt tiêu chuẩn của các nước tiên tiến trên thế giới.
Tuy nhiên, ngành cơ khí mới chỉ đáp ứng khoảng hơn 30% nhu cầu sản phẩm cơ khí trong nước. Hiệu quả đầu tư của toàn ngành còn thấp, chưa thể hiện vai trò nền tảng cho phát triển công nghiệp. Trình độ cơ khí chế tạo (trụ cột của sản xuất công nghiệp), đặc biệt là cơ khí chính xác còn lạc hậu so với nhiều nước khoảng 2 – 3 thế hệ. Sản phẩm cơ khí trong nước hầu như chưa xây dựng được thương hiệu, năng lực cạnh tranh của sản phẩm còn hạn chế; chưa hình thành các doanh nghiệp cơ khí lớn mang tầm cỡ khu vực và quốc tế, đóng vai trò dẫn dắt ngành. Trong tương lai xa hơn, ngành cơ khí đòi hỏi sự phát triển về nguyên vật liệu, khuôn mẫu, gia công chế tạo chứ không chỉ gia công cắt gọt đơn thuần.
Cơ hội còn nhiều
Có thể nói, thị trường và cơ hội tiềm năng của ngành cơ khí vẫn còn rất nhiều. Một số lĩnh vực cơ khí trọng điểm, như công nghiệp ô tô, cơ khí nông nghiệp, sản xuất thiết bị điện và ngành công nghiệp hỗ trợ phục vụ ngành cơ khí đều có định hướng, xác định là đang có dung lượng thị trường đủ lớn và cơ hội trong tương lai vẫn còn nhiều. Thị trường cho máy móc thiết bị của Việt Nam rất lớn, dự đoán đến giai đoạn năm 2030 khoảng hơn 300 tỷ USD. Trong đó, giá trị máy móc thiết bị cho các công trình công nghiệp như: nhiệt điện, thủy điện, hóa chất, khai thác, chế biến khoáng sản khoảng 120 tỷ USD; thiết bị và vật tư cho xây dựng hệ thống đường sắt cao tốc khoảng 20 tỷ USD; hệ thống tàu điện ngầm khoảng 10 tỷ USD; công nghiệp ô tô khoảng 130 tỷ USD… Nhưng thực tế, ngành cơ khí Việt Nam hiện nay mới chỉ đáp ứng khoảng gần 1/3 nhu cầu sản phẩm cơ khí trong nước.
Thị trường và cơ hội tiềm năng của ngành cơ khí vẫn còn rất nhiều.
Bên cạnh đó, ngành công nghiệp trong nước đang có xu hướng phục hồi nhanh. Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 9/2022 ước tăng 1,8% so với tháng 8/2022 nhưng tăng tới 13% so với cùng kỳ năm trước. Giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp 9 tháng năm 2022 ước tính tăng 9,63% so với cùng kỳ năm trước (quý I tăng 7,16%; quý II tăng 9,51%; quý III tăng 12,12%), đóng góp 3,25 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 10,69%, (quý I tăng 7,85%; quý II tăng 11,07%; quý III tăng 13,02%), đóng góp 2,74 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.
Cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp thuộc khối ngành sản xuất – chế tạo đang rất cần khai phóng cơ hội giao thương, xúc tiến thương mại và hợp tác cho doanh nghiệp. Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý III/2022 cho thấy: Có 38,6% số doanh nghiệp đánh giá tốt hơn so với quý II/2022; 36,0% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định và 25,4% số doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn.
Nhiều doanh nhân trong ngành cho rằng, áp dụng công nghệ chế tạo sẽ góp phần tạo nên khởi đầu mới cho một kỷ nguyên vàng về tăng trưởng công nghiệp Việt Nam. Năm 2022 được đánh giá là thời điểm các ngành công nghiệp được sắp xếp lại, đầu tư và triển khai về chiến lược sản xuất dài hạn trên toàn cầu. Những thách thức trước mắt về nguồn nhân lực cũng thúc đẩy quy trình tự động hóa tại nhà máy nhiều hơn.
“Không ngừng sáng tạo, đổi mới, trao đổi, lĩnh hội, kết nối và tiếp cận các giải pháp, ứng dụng triển khai trong thực tế sẽ nâng cao hiệu quả trong sản xuất, tạo đà cho ngành cơ khí phát triển” là nhìn nhận chung của cộng đồng doanh nghiệp cơ khí.
Cần thêm lực đẩy
Cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay tiến rất nhanh, nếu không chủ động bắt kịp công nghệ mới, tiên tiến của các nước, Việt Nam sẽ rất khó khăn. Nhiều chuyên gia, nhà quản lý cho rằng, áp dụng sản xuất thông minh vào dây chuyền sản xuất, kiến tạo trong doanh nghiệp cơ khí chế tạo tại Việt Nam sẽ giúp nâng cao năng lực một cách rõ rệt… Đặc biệt, nó có thể giúp doanh nghiệp đạt được tính bền vững với phương pháp sản xuất phụ trợ: Giảm hàng tồn kho, giảm mức tiêu thụ năng lượng và giảm bớt các yêu cầu vận chuyển.
Thực tế cho thấy, thế hệ máy công cụ dùng gia công sản xuất ở các xí nghiệp cơ khí nội địa Việt Nam có mức độ thua kém so với các nước trong khu vực. Việc đổi mới trang thiết bị công nghệ không phải một sớm một chiều, phải có tiền, công nghệ, chính sách… Vậy nên, đã đến lúc những người làm chính sách, quy hoạch, Nhà nước phải có quy hoạch, lộ trình rõ ràng để phát triển ngành công nghiệp cơ khí. Con đường hình thành các trung tâm kinh tế, sản xuất công nghiệp nói chung, cơ khí nói riêng là rất cần thiết.
Hiệp hội Doanh nghiệp Cơ khí Việt Nam (VAMI) cho rằng, nhiều năm qua, hàng loạt hạn chế, yếu kém đến từ cơ chế, chính sách quản lý cũng như từ phía bản thân doanh nghiệp đã khiến ngành công nghiệp cơ khí phát triển khá mờ nhạt, chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Ngay tại thị trường trong nước, ngành cơ khí cũng không có được nhiều thị phần, phải tự vận động, phát triển mà chưa nhận được sự hỗ trợ hữu hiệu từ hệ thống chính sách của Nhà nước để có nhiều đơn hàng từ đầu tư công như các nước khác. Dẫn đến các doanh nghiệp cơ khí vốn đã thiếu đơn hàng lại còn bị thua thiệt ngay trên sân nhà.
Theo TS. Trương Thị Chí Bình – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI), ngành cơ khí đang gần như không có một ưu đãi gì. Nếu nói về công nghiệp hỗ trợ thì có ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp. Nhưng ưu đãi chỉ khi doanh nghiệp có thu nhập song thường các doanh nghiệp sản suất chế tạo 3-5 năm đầu gần như không có lãi. Do đó quan trọng là phải hỗ trợ đầu vào để các doanh nghiệp đầu tư sản xuất.
“Cộng đồng doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ nói chung, ngành cơ khí nói riêng rất cần Đảng, Nhà nước và các ban, ngành hữu quan tiếp tục quan tâm về mặt chính sách, hỗ trợ giải quyết một số vấn đề vướng mắc để phát triển. Trong đó, điểm nhấn là vốn, kết nối các doanh nghiệp, tập đoàn lớn quốc tế là hết sức quan trọng, nhằm thúc đẩy và “tạo lực kéo”, trực tiếp ứng dụng công nghệ vào sản xuất sản phẩm để ngành cơ khí tham gia vào chuỗi” là khẳng định của ông Nguyễn Vân – Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ TP. Hà Nội.
Theo PGS.TS Lê Thu Quý, để phát triển ngành cơ khí Việt Nam cần xác định nhu cầu thị trường, chỉ rõ những khoảng trống để phát triển những lĩnh vực mà ngành có thể cạnh tranh được. Ngoài việc tạo thị trường cho doanh nghiệp, các cơ chế, chính sách phải linh hoạt để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, mở rộng sản xuất, tăng tỷ lệ nội địa hóa. Đặc biệt phải chú trọng phát triển ngành cơ khí luyện kim, công nghiệp hỗ trợ…
Cơ khí là ngành có công nghệ rất khó, vốn đầu tư lớn mà thu hồi vốn lại chậm, đòi hỏi trình độ khoa học công nghệ cao, người lao động có tri thức, tay nghề, kỷ luật lao động; sản phẩm của ngành không phải dễ dàng phân phối, tiêu thụ như sản phẩm của nhiều ngành công nghiệp khác. Do đó, việc hỗ trợ các doanh nghiệp cơ khí Việt Nam kết nối vào chuỗi cung ứng toàn cầu, nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh là rất cần thiết.