Vượt qua năm 2020 và 2021 với nhiều khó khăn trong tìm kiếm nguồn cung nguyên liệu sản xuất, xuất khẩu hàng hóa, ngành cơ khí được xem là có nhiều triển vọng phát triển trong năm 2022 nhờ việc kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19 cùng việc tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do.
Chiếm khoảng 30% tổng số doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo, ngành cơ khí Việt Nam đang từng bước làm chủ và nâng cao tỷ lệ nội địa hóa; tạo động lực thúc đẩy các ngành công nghiệp và kinh tế khác phát triển.
Thời gian qua, nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ và ưu đãi được ban hành nhằm thúc đẩy phát triển ngành cơ khí, trong đó có chính sách thuế – hải quan; các chương trình ưu đãi thuế để sản xuất, lắp ráp xe ô tô trong nước; gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt… đã giúp doanh nghiệp có thêm nguồn lực tài chính để xoay vòng vốn đầu tư, duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh trong thời gian bị ảnh hưởng của dịch Covid-19…
Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số sản xuất sản phẩm ngành cơ khí của Việt Nam trong năm 2021 chỉ tăng nhẹ 0,4% so với năm 2020. Sang quý 1 năm 2022, chỉ số sản xuất của ngành phục hồi tăng khá 16,2% so với quý 1 năm 2021. Trong đó, các sản phẩm đạt sản lượng cao trong quý đầu năm nay là: Động cơ điện một chiều khác và máy phát điện một chiều; Động cơ điện một chiều có công suất ≤ 37.5 W; Máy và thiết bị cơ khí khác có chức năng riêng biệt chưa được phân vào đâu… được sản xuất chủ yếu tại các tỉnh thành: Đồng Nai, TP. Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, TP. Hà Nội…
Đáng chú ý, sản lượng một số sản phẩm ngành cơ khí chế tạo tăng cao so với cùng kỳ năm trước là: Tổ máy phát điện tăng cao đột biến 21.025%; máy biến đổi điện quay tăng 984%; máy biến thế điện khác có công suất > 16 kVA nhưng ≤ 500 kVA tăng 33,13%. Ngược lại, một số sản phẩm có sản lượng giảm là: Máy biến thế điện sử dụng điện môi lỏng công suất sử dụng không quá 650 KVA giảm 28,78%; máy và thiết bị cơ khí khác có chức năng riêng biệt chưa được phân vào đâu giảm 27,15%; động cơ điện một chiều có công suất ≤ 37.5 W giảm 17,27%; động cơ điện một chiều khác và máy phát điện một chiều giảm 15,17%.
Bảng 1: Tình hình sản xuất một số sản phẩm ngành cơ khí chế tạo của Việt Nam trong năm 2021 và quý 1 năm 2022
Nguồn: Tổng hợp số liệu từ các Cục Thống kê
Cho đến nay, nhiều doanh nghiệp sản xuất cơ khí chế tạo trong nước đã có những bước phát triển mang tính đột phá. Năng lực sản xuất cơ khí được tăng cường với một số doanh nghiệp tiên phong như: Công ty cổ phần Ô tô Trường Hải Thaco, Công ty TNHH sản xuất và kinh doanh Vinfast, Công Ty TNHH Cơ Khí Và TM Thành Công, Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam…
Đơn cử là Công ty Cổ phần Ô tô Trường Hải (Thaco) với sự thích ứng linh hoạt, xây dựng chiến lược phát triển phù hợp, nhiều mặt hàng linh kiện phụ tùng và cơ khí xuất khẩu tăng về lượng lẫn giá trị. Ban đầu, chiến lược của Công ty là thông qua ô tô để phát triển cơ khí, công nghiệp phụ trợ, nhưng đến nay đã vận hành Tổ hợp Cơ khí tại Chu Lai như một trung tâm cơ khí với đầy đủ thiết bị, lực lượng kỹ sư, công nhân trình độ cao.
Trong năm 2021, Thaco đã thành lập Tổng công ty Cơ khí và Công nghiệp hỗ trợ (Thaco Industries) gồm 19 nhà máy, tổng vốn đầu tư 12.000 tỷ đồng và 5.500 nhân sự, với mục tiêu trở thành doanh nghiệp sản xuất cơ khí hàng đầu Việt Nam. Nhằm đáp ứng yêu cầu sản xuất ngày càng tăng cao, năm 2022, Thaco sẽ tiếp tục đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng để nâng cấp công nghệ, xây dựng các nhà máy mới, đồng thời thành lập các chi nhánh tại TP. Hà Nội, TP. HCM để mở rộng sản xuất kinh doanh. Doanh thu xuất khẩu của Công ty trong năm nay dự kiến đạt 265 triệu USD.
Trong giai đoạn mới, Thaco sẽ hình thành hệ sinh thái thông qua liên kết với đối tác trong và ngoài nước để sản xuất kinh doanh sản phẩm cơ khí, công nghiệp hỗ trợ, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu; hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi sản xuất. Đây là thay đổi tất yếu và cũng chính là cơ hội cho Thaco và các doanh nghiệp cơ khí.
Theo Hiệp hội cơ khí Việt Nam (VAMI), tiềm năng ngành cơ khí rất lớn, dự báo đến năm 2030, quy mô thị trường đạt khoảng 310 tỷ USD. Trong đó, giá trị máy móc thiết bị cho các công trình công nghiệp (nhiệt điện, thủy điện, hóa chất, khai thác, chế biến khoáng sản) đạt khoảng 120 tỷ USD; thiết bị và vật tư cho xây dựng hệ thống đường sắt cao tốc đạt khoảng 20 tỷ USD; hệ thống tàu điện ngầm đạt khoảng 10 tỷ USD; công nghiệp ô tô đạt khoảng 130 tỷ USD…
Việt Nam hiện ký kết nhiều hiệp định thương mại và các công ty đa quốc gia mở rộng tìm đối tác liên doanh, liên kết, đặt nhà máy sản xuất tại Việt Nam và xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu giai đoạn hậu Covid-19 là cơ hội lớn cho nhiều doanh nghiệp cơ khí.
Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng như hiện nay, các doanh nghiệp cơ khí trong nước sẽ phải cạnh tranh quyết liệt với các tập đoàn đa quốc gia có tiềm lực mạnh về sản phẩm cơ khí. Theo đó, để thúc đẩy ngành cơ khí chế tạo phát triển, cần tạo thị trường phát triển cho các lĩnh vực cơ khí trọng điểm; ưu đãi thuế cho doanh nghiệp sử dụng máy móc trong nước sản xuất, tăng thuế nhập khẩu máy móc nước ngoài… Về phía doanh nghiệp cần phải đổi mới thiết bị, công nghệ, trình độ khoa học công nghệ để có thể chế tạo các sản phẩm phụ tùng, linh kiện, chi tiết máy theo đơn đặt hàng của đối tác nước ngoài với chủng loại đa dạng. Ngành cơ khí trong tương lai đòi hỏi sự phát triển về nguyên vật liệu, khuôn mẫu, chế tạo, không chỉ gia công cắt gọt đơn thuần, nên các doanh nghiệp buộc phải liên kết, đi sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.