VIMEXPO 2022: Cơ hội cho doanh nghiệp chế biến, chế tạo kết nối, mở rộng thị trường

Việt Nam đang ngày càng được biết đến bởi ngành công nghiệp hỗ trợ và chế biến chế tạo. Trong bối cảnh thế giới cần đa dạng hóa chuỗi cung ứng do ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, nhiều tập đoàn, doanh nghiệp quốc tế đã bày tỏ mong muốn được tiếp cận và liên kết với doanh nghiệp công nghiệp nội địa.

Đây là thông tin được nhiều doanh nghiệp chia sẻ tại Triển lãm quốc tế lần thứ 3 về công nghiệp hỗ trợ và chế biến chế tạo Việt Nam – Vimexpo 2022 do Bộ Công Thương, Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Công nghiệp phối hợp với Công ty Quảng cáo và Hội chợ Triển lãm CIS Việt Nam tổ chức ngày 16/11 tại Hà Nội.

Cắt băng khai mạc Triển lãm Quốc tế về công nghiệp hỗ trợ và chế biến chế tạo Việt NamCắt băng khai mạc Triển lãm Quốc tế về công nghiệp hỗ trợ và chế biến chế tạo Việt Nam

Cơ hội tiếp cận đối tác

Theo thông tin từ ban tổ chức, Vimexpo 2022 với chủ đề “kết nối để phát triển” thu hút hơn 200 doanh nghiệp, với gần 300 gian hàng được trưng bày; có thể kể đến như Tập đoàn Thaco, Toyota Việt Nam, Samsung, Toshiba Asia, Hanoi Plastic, Yangmin, Makitech, Tecotec, Kyoyo… đến từ Mỹ, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc…

Theo ông Phạm Tuấn Anh- Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp – Bộ Công Thương, hiện nay, ở nước ta, công nghiệp chế biến chế tạo và công nghiệp hỗ trợ đang nhận được sự quan tâm đặc biệt và chú trọng phát triển của Đảng và Chính phủ. Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 23NQ/TW về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo đó xác định phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo là trung tâm phát triển công nghiệp chế tạo thông minh là bước đột phá” và để ra mục tiêu đến năm 2030 tỷ trọng công nghiệp trong GDP đạt trên 40%; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 30%. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đặt ra mục tiêu đến năm 2025, Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030, là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045, trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Ông Phạm Tuấn Anh- Phó cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) phát biểu khai mạc Triển lãmÔng Phạm Tuấn Anh- Phó cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) phát biểu khai mạc Triển lãm

Tuy nhiên lãnh đạo Cục Công nghiệp cho rằng, bên cạnh các thành tựu đã đạt được, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong giai đoạn tới vẫn còn nhiều thách thức. Đại dịch Covid-19 và các cuộc chiến tranh thương mại xung đột vũ trang thời gian qua đã tạo ra khó khăn cho các doanh nghiệp trên toàn cầu. Đặc biệt là nguy cơ đứt gãy, gián đoạn nguồn cung đã tạo ra nhiều khó khăn cho doanh nghiệp. Do đó, xu hướng tái cấu trúc, định hình và cân bằng lại chuỗi cung ứng ngày càng được đẩy nhanh nhằm tránh tập trung vào một số thị trường truyền thống. Xu thế này có thể mang lại dòng vốn dịch chuyển đầu tư quốc tế lớn vào công nghiệp hỗ trợ trong thời gian tới, tuy nhiên cũng đặt ra nhiều khó khăn, thách thức cho các doanh nghiệp nội địa khi các dự án FDI chưa tạo được mối liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp Việt Nam để cùng tham gia chuỗi giá trị, chưa thúc đẩy được ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước phát triển.

Trong bối cảnh Chính phủ cùng với cộng đồng doanh nghiệp đang nỗ lực thúc đẩy phục hồi kinh tế trên cơ sở thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch COVID-19, triển lãm VIMEXPO 2022 có ý nghĩa quan trọng trong việc phát huy vai trò cầu nối giữa các doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp nước ngoài, các tập đoàn đa quốc gia; tạo cơ hội giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm giữa các cơ quan, tổ chức, các hiệp hội, ngành hàng và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ và chế biến chế tạo, giúp doanh nghiệp quảng bá sản phẩm, công nghệ và cơ hội đầu tư.

Nhiều công nghệ hiện đại được giới thiệu tại Triển lãm VIMEXPONhiều công nghệ hiện đại được giới thiệu tại Triển lãm VIMEXPO

Tăng cường hợp tác phát triển công nghiệp hỗ trợ

Để tăng cường hợp tác phát triển công nghiệp hỗ trợ, ông Matsumoto Izumi – Bí thư, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam khẳng định, Việt Nam đang ngày càng được biết đến bởi ngành công nghiệp hỗ trợ và chế biến chế tạo. Đặc biệt trong bối cảnh thế giới cần đa dạng hóa chuỗi cung ứng do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp liên quan tới ngành chế biến chế tạo trên thế giới bao gồm cả doanh nghiệp Nhật Bản đang tập trung sự chú ý vào Việt Nam.

Tại khảo sát của JETRO và JBIC đối với các doanh nghiệp chế biến chế tạo Nhật Bản cho thấy, Việt Nam là điểm đến thu hút nhất trong khối ASEAN để nghiên cứu đầu tư mới cũng như mở rộng kinh doanh. Có thể nói công nghiệp hóa của Việt Nam đang có bước phát triển vượt bậc.

Điều không thể thiếu cho sản xuất ổn định và tăng trưởng của các ngành công nghiệp này là sự phát triển của ngành công nghiệp hỗ trợ”- ông Matsumoto Izumi đánh giá.

Đồng quan điểm, ông Hiroyuki Ueda – Chủ tịch của Công ty Ô tô Toyota Việt Nam (TMV) cho rằng, VIMEXPO là cầu nối quan trọng giúp các đơn vị sản xuất có thể gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm, giới thiệu sản phẩm và mở rộng mạng lưới nhà cung ứng, bằng chứng là tại triển lãm VIMEXPO 2020-2021, Toyota Việt Nam đã kết nối được với hơn 20 nhà cung ứng tiềm năng, một trong số đó đã trở thành nhà cung cấp chính thức cho TMV từ 2021.

VIMEXPO 2022: Cơ hội cho doanh nghiệp chế biến, chế tạo kết nối, mở rộng thị trường

Đặc biệt, tại triển lãm năm nay, Toyota Việt Nam sẽ cho ra mắt sản phẩm xe ô tô CKD Veloz được lắp ráp tại Việt Nam. Đây là một bước tiến quan trọng đối với TMV, thể hiện sự nỗ lực nâng cao sản phẩm nội địa và “được sản xuất tại Việt Nam” đến với khách hàng trong nước.

Một trong những sản phẩm được giới thiệu tại triển lãm và được nhiều doanh nghiệp quan tâm là công nghệ sản xuất mới, số hóa quy trình sản xuất để nâng cao sự chuyên nghiệp và chất lượng sản phẩm.

Tại các gian hàng của Hiệp hội doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ TP.Hà Nội, ông Vũ Hồng Quân- Giám đốc điều hành Công ty TNHH công nghệ QMS cho hay, chúng tôi cung cấp các giải pháp tích hợp công nghệ, nguồn nhân lực và quản trị doanh nghiệp…

Việc nâng cao công nghệ và tích hợp công nghệ, quản trị trong doanh nghiệp là rất quan trọng, bởi đây là nhân tố quyết định năng lực, tính chuyên nghiệp doanh nghiệp Việt khi muốn tiếp cận các đối tác nước ngoài. Chúng tôi hiện đang làm việc với nhiều đối tác quốc tế từ Singapore, Anh, Australia, Mỹ… trong việc xây dựng các tiêu chuẩn, tích hợp công nghệ cho doanh nghiệp” ông Vũ Hồng Quân thông tin thêm.

Lan Anh

CHIA SẺ TIN