Sẵn sàng đi trước, làm mẫu trong phát triển công nghiệp hỗ trợ

Là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá của cả nước, Thủ đô Hà Nội có rất nhiều lợi thế trong phát triển lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ (CNHT). Trong năm 2022, Hà Nội sẵn sàng đi trước, làm mẫu, làm điểm để rút ra những bài học thành công và chưa thành công áp dụng cho các địa phương khác.

Sẵn sàng đi trước, làm mẫu trong phát triển công nghiệp hỗ trợ - Ảnh 1.Tăng cường thu hút đầu tư, nâng cao năng lực của các ngành sản xuất CNHT trên địa bàn Hà Nội. Ảnh: VGP/Diệu Anh

Mới đây, tại buổi làm việc với Bộ Công Thương về cơ chế, chính sách phát triển công nghiệp, CNHT tại Hà Nội, Ông Đàm Tiến Thắng, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, đối với CNHT, Hà Nội đã phê duyệt Chương trình phát triển CNHT giai đoạn 2020-2025 với mục tiêu là tăng cường thu hút đầu tư, nâng cao năng lực của các ngành sản xuất CNHT trên địa bàn Hà Nội.

Đồng thời, tạo dựng và nâng cao năng lực hệ thống doanh nghiệp, góp phần hình thành hệ thống mạng lưới sản xuất, thúc đẩy quan hệ hợp tác liên kết của các doanh nghiệp được hỗ trợ với hệ thống các ngành công nghiệp, các doanh nghiệp lắp ráp, các tập đoàn đa quốc gia, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn Hà Nội, khu vực phía Bắc và cả nước cũng như từng bước xuất khẩu.

Bên cạnh việc phối hợp với Cục Công nghiệp xây dựng Đề án “Tổ chức Chương trình đào tạo tư vấn, hỗ trợ quy trình 5S3D cho các doanh nghiệp CNHT ngành cơ khí, điện – điện tử”, Sở Công Thương Hà Nội đã phối hợp với Tập đoàn NC Network (Nhật Bản), ReedTradex (Thái Lan) hỗ trợ các doanh nghiệp cơ khí CNHT trên địa bàn Thành phố tham gia Hội chợ chuyên ngành về CNHT, chế tạo tại Hà Nội 2017, 2018; Triển lãm Vietnam Manufacturing Expo 2019 tại Hà Nội; Hội chợ CNHT Hà Nội năm 2020…

Cũng theo ông Đàm Tiến Thắng, năm 2022, UBND thành phố Hà Nội đặt mục tiêu có khoảng 920 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực CNHT tại Hà Nội. Trong đó có khoảng 300 doanh nghiệp có hệ thống sản xuất và sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, đủ năng lực cung ứng tham gia vào mạng lưới sản xuất toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam. Giá trị sản xuất công nghiệp của CNHT chiếm khoảng 16% giá trị sản xuất công nghiệp ngành công nghiệp chế biến chế tạo Hà Nội; chỉ số phát triển công nghiệp lĩnh vực CNHT hằng năm tăng trên 11%.

Đáng chú ý, Hà Nội sẽ tiếp tục triển khai các chương trình phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực và CNHT một cách hiệu quả. Đặc biệt, đẩy mạnh tổ chức tuyên truyền, quảng bá và tổ chức giao thương, hội thảo bên lề các hội chợ trong nước và nước ngoài, bên cạnh hội chợ CNHT của Thành phố được tổ chức thường niên.

Tăng cường số hóa các cụm công nghiệp và hoạt động của doanh nghiệp trên địa bàn. Xây dựng cổng thông tin điện tử (website) về CNHT để cập nhật thông tin chuyên ngành, thông tin về cơ chế, chính sách cũng như tạo sân chơi kết nối các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn Thành phố.

“Với lợi thế về công nghệ và con người, trong năm 2022, Hà Nội sẵn sàng đi trước, làm mẫu, làm điểm để rút ra những bài học thành công và chưa thành công áp dụng cho các địa phương khác”, ông Đàm Tiến Thắng nhấn mạnh.

Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp cải tiến quy trình sản xuất, chuyển đổi số

Tuy nhiên, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho rằng, một số cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển công nghiệp, CNHT tại địa phương chưa được hoàn thiện, nhất là các chính sách tín dụng, quy chế thực hiện Chương trình,… đặc biệt là thiếu nhân lực quản lý nhà nước về công nghiệp.

Công tác tổ chức, quản lý, điều hành việc triển khai thực hiện quy hoạch và chính sách phát triển CNHT cho ngành công nghiệp ô tô còn thiếu; quy mô các doanh nghiệp còn nhỏ, công nghệ chưa tiên tiến, khả năng nghiên cứu thiết kế phát triển sản phẩm còn hạn chế,…

Ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho rằng, Hà Nội cần có các giải pháp toàn diện để giải quyết bài toán gốc là nâng cao năng lực nội tại của doanh nghiệp về khoa học công nghệ và tài chính, tăng cường hỗ trợ kết nối các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội trở thành nhà cung cấp trong chuỗi cung ứng đa quốc gia.

“Đồng thời, mong muốn Sở Công Thương Hà Nội tiếp tục tham mưu chính quyền Thành phố xây dựng các chương trình, kế hoạch dài hạn và bài bản hơn; mặt khác chỉ đạo các đơn vị chức năng trực thuộc phối hợp với Cục Công nghiệp triển khai hiệu quả những hoạt động phát triển ngành công nghiệp”, ông Phạm Tuấn Anh nêu cụ thể.

Lãnh đạo Cục Công nghiệp cũng đề nghị, thành phố Hà Nội, cụ thể là Sở Công Thương cần tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn cải tiến quy trình quản trị sản xuất, chuyển đổi số; tập trung xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu các doanh nghiệp trong lĩnh vực CNHT và công nghiệp chế biến chế tạo.

Ngoài ra, vai trò của các cơ quan quản lý Nhà nước như Sở Công Thương trong việc tăng cường kết nối doanh nghiệp CNHT với các doanh nghiệp sản xuất hoàn chỉnh cũng như các chính sách hỗ trợ về tín dụng từ nguồn ngân sách địa phương là rất quan trọng.

Trong thời gian tới, hai cơ quan là Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) và Sở Công Thương Hà Nội sẽ liên tục phối hợp chặt chẽ để triển khai Chương trình Phát triển CNHT TP. Hà Nội giai đoạn 2020-2025 một cách hiệu quả, thiết thực nhất.

Diệu Anh

CHIA SẺ TIN