Một số chính sách cần thiết nhằm phát triển ngành Công nghiệp hỗ trợ

1. Đặt vấn đề

Thuật ngữ “công nghiệp phụ trợ” được sử dụng mới chỉ bắt đầu khoảng gần 10 năm trước và gần đây được thay thế dần bằng cụm từ “công nghiệp hỗ trợ” trong các văn bản chính thức. CNHT là khái niệm chỉ toàn bộ những sản phẩm công nghiệp có vai trò phụ trợ cho việc sản xuất các thành phần chính. Cụ thể, những linh kiện, phụ liệu, phụ tùng, sản phẩm bao bì, nguyên liệu để sơn, nhuộm… và cũng có thể bao gồm cả những sản phẩm trung gian, những nguyên liệu sơ chế. Sản phẩm CNHT thường được sản xuất với quy mô nhỏ, thực hiện bởi các doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa. Theo GS. Kenichi Ohno – Viện Nghiên cứu Chính sách Quốc gia Nhật Bản có thể phân chia lĩnh vực CNHT thành 3 nhóm lớn như sau:

Nhóm thứ nhất, CNHT cung cấp máy móc công cụ và trang thiết bị cho nhiều ngành công nghiệp, bao gồm công nghiệp lắp ráp, chế biến và CNHT khác.

Nhóm thứ hai, CNHT cho công nghiệp chế biến cung cấp nguyên, phụ liệu cho công nghiệp chế biến như dệt may, da giày… Các ngành CNHT này trước kia không đòi hỏi nhân lực có kỹ năng cao, tuy nhiên trong thời kỳ cách mạng 4.0, khi quy mô sản xuất, các thiết bị máy móc có sự thay đổi thì yêu cầu nhân lực sẽ ở tầm cao hơn.

Nhóm thứ ba, CNHT cho ngành công nghiệp lắp ráp cung cấp linh kiện, phụ tùng cho công nghiệp lắp ráp như ô tô, xe máy, điện tử…. Các ngành CNHT này đòi hỏi lao động có kỹ năng cao hơn, sản phẩm chủ yếu là các linh kiện kim loại, nhựa cao su, yêu cầu đáp ứng với các tiêu chuẩn chung và có ảnh hưởng lớn đến chất lượng sản phẩm (Kennichi Ohno, 2007).

Như vậy, CNHT là ngành tạo ra sản phẩm sử dụng chung cho nhiều ngành sản xuất khác nhau, bao hàm trong đó nhiều lĩnh vực, nhiều loại kỹ thuật – công nghệ, gồm: Ngành Sản xuất linh kiện nhựa; ngành Sản xuất linh kiện thủy tinh; ngành Sản xuất linh kiện kim loại màu; ngành Sản xuất hóa chất; các ngành sản xuất nguyên liệu thô.

Nhằm thúc đẩy ngành CNHT phát triển, ngày 3 tháng 11 năm 2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 111/2015/NĐ-CP về phát triển CNHT. Ban hành kèm theo Nghị định là Danh mục sản phẩm CNHT ưu tiên phát triển, bao gồm 7 loại sản phẩm của ngành Dệt may; 7 loại sản phẩm của ngành Da giày; 9 loại sản phẩm của ngành Điện tử; 16 loại sản phẩm của ngành Sản xuất lắp ráp ô tô; 8 loại sản phẩm của ngành Ccơ khí chế tạo; 8 loại sản phẩm CNHT cho Công nghiệp công nghệ cao. Cùng một số chính sách hỗ trợ phát triển CNHT, cụ thể: Nghiên cứu và phát triển; Ứng dụng và chuyển giao; Phát triển nguồn nhân lực, Hỗ trợ và phát triển thị trường.

Bộ Công Thương cũng thành lập Trung tâm phát triển CNHT trên cơ sở sắp xếp lại các đơn vị hiện có của Bộ Công Thương để thực hiện các hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ, hỗ trợ chế tạo thử nghiệm sản phẩm CNHT thuộc Danh mục sản phẩm CNHT ưu tiên phát triển; hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng hệ thống quản trị sản xuất phù hợp tiêu chuẩn quốc tế; đào tạo nâng cao nhân lực quản lý kỹ thuật phục vụ sản xuất sản phẩm CNHT; xúc tiến thương mại; tổ chức hội chợ, triển lãm; xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước để thúc đẩy hoạt động CNHT.

2. Thực trạng một số ngành công nghiệp hiện nay

Với thị trường xe máy hiện nay, mỗi năm tiêu thụ nội địa hơn 3 triệu chiếc.. Khi thực hiện nội địa hóa, không khó phát triển chuỗi cung ứng với sự chuyên môn hóa và chuyên nghiệp ở mỗi khâu. Chuỗi cung ứng hình thành do nhu cầu và thuận lợi của thị trường mang lại, không đòi hỏi phải có một chính sách nào gọi là phát triển CNHT.

Trong khi đó, đối với ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam, điều kiện phát triển lại hoàn toàn khác. Dù dung lượng toàn thị trường gần đây đạt tới 2 trăm ngàn xe/năm, với hàng chục loại xe được lắp ráp tại Việt Nam, sản xuất linh kiện mỗi loại cũng chỉ có thể đạt sản lượng 10 – 20 ngàn/năm. Sẽ rất khó để đầu tư sản xuất khi sản lượng quá nhỏ. Không thể có ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, về giảm tiền thuê đất hay các chính sách thu hút và hỗ trợ nào khác có thể bù đắp chi phí đầu tư về thiết bị, về nhân lực và hệ thống quản lý đòi hỏi cao hơn nhiều so với sản xuất các loại linh kiện xe 2 bánh.

Lĩnh vực điện tử cũng đang thu hút được đầu tư FDI với vốn hàng tỉ USD, đóng góp tỉ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu quốc gia. Mặc dù sản lượng rất lớn, nhưng khi có chính sách ưu đãi về đất đai, hạ tầng, thuế thu nhập ở khâu lắp ráp, cộng với việc đáp ứng nhân công rẻ, nhập linh kiện không bị giới hạn về hàng rào thuế quan cũng như năng lực cung ứng từ bên ngoài, thì nhu cầu phát triển sản xuất linh kiện tại chỗ (thường phải mất nhiều thời gian) chưa quá bức thiết.

Phát triển công nghiệp thép là kỳ vọng có từ rất sớm của các nhà hoạch định chính sách công nghiệp nặng. Kết quả của nhiều năm phát triển ngành thép là dư thừa sản xuất thép xây dựng, nhưng chưa có sản phẩm thép chế tạo.

3. Điều kiện phát triển chuỗi cung ứng

Điểm qua một số ngành công nghiệp để thấy, quy mô của một ngành công nghiệp và khả năng kéo theo việc phát triển chuỗi cung ứng phụ thuộc đầu tiên vào thị trường. Việc thu hút đầu tư một ngành nào đó để đáp ứng thị trường trong nước là chính, nhưng lại có những chính sách khác hạn chế thị trường bằng thuế, phí, đăng kí như ngành ô tô, thì sẽ không có nhiều cơ hội đầu tư phát triển sản xuất ở các khâu cung cấp.

Đối với các ngành công nghiệp khác có quy mô thị trường trong nước và có thể xuất khẩu, khả năng phát triển chuỗi cung ứng lại phụ thuộc vào hạn chế của những năng lực cung cấp từ bên ngoài và khả năng vươn lên của doanh nghiệp trong nước qua các yếu tố cạnh tranh, cộng với các ràng buộc khi ưu đãi đầu tư dành cho các nhà sản xuất sản phẩm cuối cùng.

4. Các chính sách cần thiết nhằm phát triển ngành Công nghiệp hỗ trợ

4.1. Cạnh tranh không phải là chia nhỏ thị trường

Mặc dù thị trường là tự do, nhưng không thể thiếu định hướng. Bản thân chính sách thu hút đầu tư đã là một định hướng. Nguồn lực của doanh nghiệp cũng chính là nguồn lực chung của đất nước. Một ngành công nghiệp đã có sẵn một số nhà đầu tư, nhưng có thể chưa đáp ứng kì vọng phát triển của hoạch định công nghiệp quốc gia. Vấn đề có thể ở chính quy mô của thị trường, chứ không hẳn ở năng lực của các nhà đầu tư.

Việc tiếp tục mời gọi, thu hút đầu tư với những ưu đãi đặc biệt có thể giúp doanh nghiệp mới đầu tư có những ưu thế cạnh tranh tốt hơn các doanh nghiệp hiện tại, nhưng chưa hẳn đã giải quyết được kì vọng phát triển khác. Ngành thép là một ví dụ, trong khi năng lực sản xuất thép xây dựng dư thừa, thì việc mời gọi đầu tư thêm nhà máy thép với quy mô rất lớn không hẳn đã tạo ra được một ngành sản xuất thép chế tạo.

Bài học thu hút đầu tư phát triển ngành công nghiệp ô tô trong 30 năm qua cũng là một minh chứng điển hình liên quan đến quy mô thị trường. Mặc dù đã có sự góp mặt của các nhà sản xuất ô tô hàng đầu thế giới, nhưng việc đầu tư nội địa hóa các linh kiện ô tô không thể nằm ngoài quy luật chung của thị trường.

4.2. Bình đẳng cho doanh nghiệp trong nước

Tham gia được vào chuỗi cung ứng của một sản phẩm nào đó, cơ hội thường được mở ra chung cho tất cả. Khi phải cạnh tranh với các nhà đầu tư nước ngoài tại ngay thị trường Việt Nam, các doanh nghiệp trong nước thường bị hạn chế ở năng lực công nghệ và quản lý. Trừ một số công nghệ mà doanh nghiệp trong nước không thể tự phát triển, không thể nhận được chuyển giao, đối với các trường hợp còn lại, sự hạn chế của khả năng đáp ứng về nguồn nhân lực và quản trị đã làm mất đi nhiều cơ hội ban đầu.

Công nghiệp xe máy có tỉ lệ nội địa hóa cao. Trong số hàng trăm nhà chế tạo linh kiện, các nhà cung ứng có vốn đầu tư nước ngoài chiếm tỉ lệ áp đảo. Nếu chỉ xét ở khía cạnh tỉ lệ sản xuất trong nước, không có sự phân biệt giữa các nhà đầu tư trong nước hay nước ngoài. Tuy nhiên, ở góc độ công bằng, các doanh nghiệp trong nước không có nhiều cơ hội ban đầu như khi quá trình công nghiệp hóa ở một số quốc gia xung quanh. Các chính sách thu hút đầu tư nước ngoài đã làm ngăn cách thêm khả năng tiếp cận của doanh nghiệp trong nước.

4.3. Hỗ trợ qua lại của ưu đãi đầu tư

Trừ các khu chế xuất, mục tiêu quan trọng của thu hút đầu tư nhằm vào thị trường trong nước chính là thúc đẩy phát triển nội địa hóa. Khi thị trường trong nước còn quá nhỏ, không thể có áp đặt phi thị trường để phát triển cung ứng nội địa. Tuy nhiên, những chính sách ưu đãi bằng hàng rào thuế quan đủ để các nhà đầu tư có được lợi nhuận lớn và trong một thời gian dài cũng cần phải được đáp lại bằng việc hỗ trợ phát triển chuỗi cung ứng trong nước.

Không có sự hỗ trợ của các nhà đầu tư có chuỗi cung ứng toàn cầu, các nhà sản xuất trong nước khó có cơ hội tiếp cận, dù chỉ là vai trò của các nhà cung ứng thứ cấp, bởi sự hạn chế về tài chính, công nghệ, quản trị. Khi không có sự hỗ trợ qua lại, các nhà sản xuất trong nước nếu trông chờ thị trường trong nước, cần phải chờ thị trường đủ lớn và chấp nhận cạnh tranh với các nhà cung ứng từ bên ngoài đến đầu tư. Các doanh nghiệp trong nước nếu năng động tìm kiếm cơ hội ở thị trường nước ngoài, phần lớn phải dựa vào các đối tác là các nhà cung ứng nước ngoài đang tìm kiếm khả năng cung ứng thứ cấp cạnh tranh hơn từ Việt Nam.

5. Kết luận

Khái niệm “công nghiệp hỗ trợ” chỉ có tính chất quá độ và không phải để chỉ một ngành Công nghiệp. Phát triển khả năng cung ứng cần gắn với mục tiêu của một ngành cụ thể (ví dụ, sản xuất sợi, dệt, hóa chất cho ngành May mặc chẳng hạn). Khó có thể có một chính sách chung gọi là “phát triển CNHT “.

Các doanh nghiệp cung ứng thường có số lượng lớn, đa dạng, quy mô cũng rất khác nhau, chuỗi cung ứng ở một số lĩnh vực công nghiệp lại qua rất nhiều tầng nấc. Bất kì chính sách ưu đãi nào cũng phải bắt đầu từ mặt bằng chính sách chung. Khả năng hỗ trợ thuận lợi cho doanh nghiệp phải bắt đầu từ việc thành lập doanh nghiệp, tiếp cận nguồn vốn vay, mặt bằng sản xuất, tuyển dụng lao động (tương tự như hỗ trợ chung cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ). Một số chính sách từ phía Nhà nước có thể tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong ngành chế tạo máy là các hỗ trợ về chuyển giao công nghệ, hỗ trợ xây dựng các hệ thống quản lý, đào tạo nguồn nhân lực.

Ưu đãi cho bất kì ngành sản xuất nào cũng đều có tác động đến các ngành khác. Ưu đãi cho một doanh nghiệp cũng có thể dẫn đến chèn ép một hoặc một số doanh nghiệp khác. Việc ưu đãi dẫn đến giảm thu ngân sách đối với một doanh nghiệp đều có thể dẫn đến sức ép phải tăng thuế phí ở các doanh nghiệp khác và người tiêu dùng.

Những giải pháp nói trên nếu thật sự được triển khai hiệu quả, chắc chắn sẽ tạo bước đột phá cho ngành CNHT trong thời gian tới, góp phần đạt mục tiêu Nghị quyết số 115/NQ-CP đề ra là đến năm 2030, sản phẩm CNHT đáp ứng 70% nhu cầu cho sản xuất, tiêu dùng nội địa; chiếm khoảng 14% giá trị sản xuất công nghiệp.

CHIA SẺ TIN