Công nghiệp hỗ trợ kém phát triển, ô tô Việt Nam bế tắc

Quy mô ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam nhỏ bé còn được cho là do thuế phí quá cao, trong khi thu nhập của người dân còn thấp.

Ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đã bắt đầu được hình thành và chú trọng phát triển cách đây hơn 20 năm, muộn hơn so các nước trong khu vực khoảng 30 năm. Năm 1991 ngành công nghiệp ô tô Việt Nam mới ra đời, bởi vậy, khi Việt Nam mới đặt những viên gạch đầu tiên để xây dựng ngành thì công nghiệp ô tô tại các nước khác đã rất phát triển, tạo ra áp lực cạnh tranh lớn, đe dọa nền sản xuất trong nước.

{keywords}Sản xuất ô tô tại VN (ảnh: Thu Ngân)

{keywords}Việt Nam sản xuất được khung xe (ảnh: Thu Ngân)

Các nước như Thái Lan, Indonesia hay Trung Quốc lợi thế là những nước đi trước, công nghệ và lao động phát triển ở trình độ cao hơn, tận dụng được lợi thế kinh tế nhờ quy mô khiến chi phí sản xuất thấp hơn đã có ưu thế chiếm lĩnh thị trường xe hơi trong nước nhiều năm. Với quyết tâm phát triển, trước cơ hội và thách thức trong điều kiện thương mại tự do, Việt Nam đã có những giải pháp chiến lược dài hạn cho công nghiệp ô tô thông qua các quy hoạch và chiến lược phát triển công nghiệp ô tô Việt Nam.

Năm 2017, ngày 17 tháng 10 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 116/2017/NĐ-CP quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô với quan điểm: Công nghiệp ô tô là ngành tạo động lực quan trọng thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa, cần được khuyến khích phát triển bằng những chính sách ổn định, nhất quán và dài hạn; Phát triển ngành công nghiệp ôtô trên cơ sở phát huy tiềm năng của doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế nhằm đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu; Phát triển công nghiệp ôtô trên cơ sở bình đẳng giữa sản xuất trong nước và các doanh nghiệp nhập khẩu ôtô; Đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng và an toàn môi trường; Phù hợp với các cam kết của Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế.

Ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đã phát triển khá nhanh trong 3 năm trở lại đây. Theo số liệu của Cục Đăng kiểm Việt Nam, sản lượng ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước từ 2018 đến 2020 như sau: Năm 2018, số lượng xe sản xuất lắp ráp trong nước đạt 287.586 xe; Năm 2019, số lượng xe sản xuất lắp ráp trong nước là 339.151 và Năm 2020, số lượng xe sản xuất lắp ráp trong nước là 323.892. (Bao gồm: loại hình xe được sản xuất, lắp ráp từ linh kiện rời và loại hình xe được sản xuất, lắp ráp từ xe sát xi cơ sở hoặc xe mới khác đã được chứng nhận).

Các doanh nghiệp sản xuất lắp ráp trong nước đã bước đầu khẳng định vai trò, vị trị đối với thị trường ô tô trong nước và đã có bước phát triển mạnh mẽ cả về lượng và chất. Tính đến hết năm 2020, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam có khoảng trên 40 doanh nghiệp hoạt động sản xuất, lắp ráp xe ô tô bao gồm ô tô con, ô tải, ô tô khách, ô tô chuyên dùng và ô tô sát xi. Một số doanh nghiệp nội địa đã tham gia tích cực vào chuỗi sản xuất ô tô toàn cầu. Tổng công suất lắp ráp theo thiết kế khoảng 755 nghìn xe/năm, trong đó khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chiếm khoảng 35%, doanh nghiệp trong nước chiếm khoảng 65%.

Tổng công suất lắp ráp theo thiết kế đối với xe dưới 9 chỗ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước. Trong 3 năm trở lại đây, sản lượng sản xuất, lắp ráp xe dưới 9 chỗ trên thực tế đã đáp ứng khoảng 70% nhu cầu trong nước.

Các chủng loại xe tải nhẹ dưới 7 tấn, xe khách từ 25 chỗ ngồi trở lên, xe chuyên dụng sản xuất trong nước đã đạt tỷ lệ nội địa hóa cao (khoảng 50% đối với xe tải nhẹ và trên 60% đối với xe khách), đạt mục tiêu đề ra, đáp ứng cơ bản nhu cầu thị trường nội địa. Trong đó, một số loại sản phẩm (xe khách, xe con do Thaco sản xuất, lắp ráp) đã xuất khẩu sang thị trường Thái Lan, Philippines…

Các doanh nghiệp sản xuất và lắp ráp xe trong nước đã đóng góp cho ngân sách nhà nước hàng tỷ USD/năm và giải quyết công ăn việc làm cho hàng trăm ngàn lao động trực tiếp.

Theo đánh giá, thời gian qua, chất lượng xe sản xuất, lắp ráp trong nước và xe nhập khẩu đã được kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng.

Theo số liệu của Bộ Công Thương, với dòng xe cá nhân, hiện có 10 nhà sản xuất gốc (OEM) tham gia thị trường gồm: Toyota, Honda, Suzuki, Mitsubishi, Ford, Mecerdes Benz, Thaco, TC Motor, VinFast. Các nhà sản xuất OEM thực hiện lắp ráp dạng CKD trên dây chuyền sản xuất gồm 4 công đoạn chính là: hàn, sơn, lắp ráp và kiểm định. Một số hãng có thêm công đoạn dập thân vỏ xe như Toyota, VinFast, Thaco…

Trong chuỗi cung ứng, chỉ có 18 nhà cung cấp phụ tùng ô tô cấp 1 và 58 nhà cung cấp cấp 2, cấp 3. Một số nhà cung cấp sản xuất cả phụ tùng xe máy lẫn ô tô. Nhà cung cấp cấp 2 và 3 cần phải tuân thủ chặt chẽ yêu cầu sản xuất như chất lượng/chi phí/giao hàng (QCD),  trong khi nhà cung cấp cấp 1 cần thỏa mãn thêm yêu cầu về năng lực nghiên cứu và phát triển (R&D).

Với các nhà cung cấp Việt Nam hiện nay, năng lực QCD vẫn còn là vấn đề lớn do một bộ phận lớn các nhà cung cấp không đáp ứng được các tiêu chuẩn để gia nhập chuỗi cung ứng, các linh kiện ô tô yêu cầu tiêu chuẩn rất cao về chất lượng, độ an toàn và các yếu tố môi trường, trong khi các nhà cung cấp Việt Nam hầu hết chưa đạt đủ trình độ để xin cấp phép, nhượng quyền, chuyển giao công nghệ với các nhà cung cấp chính hãng cũng như vận hành các dây truyền sản xuất hiện đại. Những linh kiện nội địa hóa được, chủ yếu là các chi tiết cồng kềnh, giản đơn, sử dụng nhiều nhân công, giá rẻ như: ghế, ắc quy, nhựa cỡ lớn… Phần lớn linh kiện và cụm linh kiện phải nhập khẩu. Chưa kể, những linh kiện sản xuất ở Việt Nam đều có giá thành gấp 2-3 lần so với Thái Lan và Indonesia.

Nguyên nhân chính khiến ngành công nghiệp hỗ trợ ô tô thời gian qua không phát triển được là do quy mô thị trường ô tô Việt Nam rất nhỏ bé. Các doanh nghiệp ô tô tại Việt Nam sản xuất thấp xa so với công suất thiết kế. Công suất của 10 nhà sản xuất đạt trên 500.000 xe/năm, nhưng sản lượng thực tế chỉ đạt khoảng một nửa. Do sản lượng thấp nên chi phí khấu hao thiết bị trên một đơn vị sản xuất lớn. Vì vậy, giá linh kiện nhà sản xuất trong nước thường cao hơn các sản phẩm cùng loại nhập từ nước ngoài.

Quy mô ngành công nghiệp ô tô nhỏ bé còn được cho là do thuế phí quá cao, trong khi thu nhập của người dân còn thấp. Hiện mẫu xe lắp ráp trong nước có sản lượng lớn nhất là Toyota Vios chỉ đạt 27.000 chiếc/năm, bằng 1/8 sản lượng xe cùng loại tại Thái Lan. Bất lợi về sản lượng khiến công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn.

CHIA SẺ TIN