Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam: ‘Đứa trẻ sắp lớn’ từ cú hích Trường Hải?

Việc Trường Hải (THACO) lĩnh xướng vai trò “lá cờ đầu”, đẩy mạnh đầu tư quy mô lớn vào công nghiệp cơ khí, đang mở ra những cơ hội phát triển cho ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam nói chung.

Ngành công nghiệp hỗ trợ dù không phải ngành chính yếu trong cơ cấu công nghiệp, nhưng luôn nắm vai trò nền tảng, trực tiếp góp phần tạo ra giá trị cho các ngành công nghiệp khác. Chính vì vậy, tại nhiều nước công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ luôn được chú trọng hàng đầu.

Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam: ‘Đứa trẻ sắp lớn’ từ cú hích Trường Hải? - ảnh 1Công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam được ví như đứa trẻ “mãi không chịu lớn”

Tuy nhiên, có một thực tế khá đáng buồn tại Việt Nam. Công nghiệp hỗ trợ dù đã được nhìn nhận từ nhiều năm qua, đồng thời khuyến khích phát triển bằng nhiều cơ chế, chính sách; nhưng đến nay vẫn cứ “ì ạch”. Thậm chí được ví như một đứa trẻ “mãi không chịu lớn”.

“Nút thắt” ở đâu?

Cách đây gần 10 năm, mạng xã hội từng có thời điểm “dậy sóng” khi lan truyền câu khẩu hiệu: “Việt Nam đến cái ốc vít còn không làm nổi”.

Câu chuyện “đau lòng” xuất phát từ một sự kiện vào năm 2014. Thời điểm đó, tập đoàn điện tử Samsung đưa ra danh sách 170 linh phụ kiện mà các doanh nghiệp Việt Nam có thể làm, để cung ứng cho việc hoàn thiện sản phẩm Samsung Galaxy S4 và Tab. Tuy nhiên, rốt cuộc các doanh nghiệp trong nước bấy giờ đã không thể đáp ứng, dù chỉ là linh kiện nghe qua rất đơn giản như ốc vít, cáp USB hay sạc pin.

Dĩ nhiên, nếu hiểu đúng tính chất vấn đề, không có chuyện các doanh nghiệp Việt Nam không thể làm nổi những linh phụ kiện đơn giản như kể trên. Chỉ có điều, để làm được các chi tiết theo đúng chuẩn của Samsung, đồng thời đáp ứng tiêu chí về giá trong tương quan với các đơn vị cung ứng khác nước ngoài thì các doanh nghiệp Việt Nam chưa thể làm được. Đó cũng là nan đề “đeo đuổi” các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước.

Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam: ‘Đứa trẻ sắp lớn’ từ cú hích Trường Hải? - ảnh 2Thực tế, công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam đã có những bước tiến trong thời gian qua, tuy nhiên vẫn quá chậm so với tiềm năng và kỳ vọng

Thực tế, ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam những năm gần đây đã được quan tâm và phát triển hơn so với giai đoạn gần 10 năm trước. Bằng chứng là số lượng doanh nghiệp tham gia, sản phẩm đầu ra ngày càng tăng. Theo số liệu thống kê, Việt Nam hiện có khoảng 4.000 doanh nghiệp sản xuất trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, với tổng số 4.205 sản phẩm. Trong đó có 1.567 sản phẩm hoàn chỉnh. Những con số tuy đã cải thiện hơn, nhưng vẫn còn quá “khiêm tốn” so với nhu cầu và tiềm năng hiện có.

Phát biểu tại Diễn đàn Công nghiệp – Bách khoa – Doanh nghiệp mới đây, ông Trương Thanh Hoài – Cục trưởng Cục Công Nghiệp thuộc Bộ Công Thương cho rằng, công nghiệp Việt Nam nói chung và công nghiệp hỗ trợ nói riêng vẫn gặp quá nhiều khó khăn, trở ngại cần được tháo gỡ. Trong đó, bên cạnh khó khăn về việc tiếp cận vốn, còn 3 yếu điểm khác chưa được khắc phục.

Đầu tiên, nội lực của nền công nghiệp trong nước còn yếu, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp công nghiệp chưa cao, giá trị gia tăng tạo ra trong nước còn thấp. Nền công nghiệp chủ yếu phụ thuộc vào các nguồn lực bên ngoài, như vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, phụ tùng linh kiện, nguyên liệu nhập khẩu…

Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam: ‘Đứa trẻ sắp lớn’ từ cú hích Trường Hải? - ảnh 3Các doanh nghiệp Công nghiệp hỗ trợ còn gặp rất nhiều khó khăn

Thứ hai, nguồn nhân lực công nghiệp còn yếu kém, tỉ lệ lao động đã qua đào tạo thấp, thiếu tính liên kết giữa khu vực sản xuất với các cơ sở đào tạo. Và cuối cùng, trình độ công nghệ của doanh nghiệp công nghiệp trong nước còn hạn chế. Khảo sát của Bộ Công Thương về mức độ sẵn sàng của các ngành công nghiệp Việt Nam trước Cách mạng công nghiệp lần thứ tư cho thấy, đa số các doanh nghiệp Việt Nam đang đứng ngoài cuộc Cách mạng Công nghiệp lần 4, tiếp cận ở mức thấp đối với tất cả các trụ cột của một nền sản xuất thông minh.

Cú hích từ “ngọn cờ đầu” Trường Hải

Theo nhiều chuyên gia, bên cạnh những khó khăn vừa nêu, yếu tố “tinh thần” cũng là thứ còn thiếu với công nghiệp hỗ trợ nước nhà. Nhất là trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập và phát triển sâu rộng vào “sân chơi” khu vực và toàn cầu, cơ hội tiếp cận gần hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu với các doanh nghiệp là rất lớn. Tuy nhiên, trước hết phải có những doanh nghiệp tiên phong, đóng vai trò dẫn dắt, đưa cả ngành đi lên.

 

“Công nghiệp hỗ trợ là công nghiệp hỗ trợ cho các ngành chính, nhưng thiếu công nghiệp này thì các ngành khác không thể tồn tại”.

Ông Trần Bá Dương – Chủ Tịch HĐQT Tập đoàn THACO

Trong bối cảnh hiện tại, Trường Hải (THACO) đang được xem như “đầu tàu”. Từ xuất phát điểm là một doanh nghiệp sản xuất linh kiện, lắp ráp ô tô, sau hơn 20 năm phát triển, THACO đã vươn lên trở thành một trong những tập đoàn đa ngành hàng đầu Việt Nam.

Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam: ‘Đứa trẻ sắp lớn’ từ cú hích Trường Hải? - ảnh 4Trường Hải (THACO) đang nổi lên như một “đầu tàu” của Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam

Bên cạnh những ngành đã khẳng định vị thế như ô tô, nông nghiệp, Logistics, đầu tư – xây dựng và thương mại – dịch vụ, thời gian gần đây, THACO đã mở rộng chiến lược phát triển sang ngành công nghiệp hỗ trợ với quy mô lớn. Bằng chứng là sau khi xây dựng khu công nghiệp sản xuất linh kiện – phụ tùng lớn nhất Việt Nam tại Quảng Nam, tập đoàn này vừa thành lập Tổng Công ty cơ khí và công nghiệp hỗ trợ (THACO Industries) với tổng vốn đầu tư lên đến 4.600 tỉ đồng, gồm 20 nhà máy và gần 4.200 nhân sự. Sản xuất kinh doanh thông qua các hình thức hợp tác liên kết, liên doanh với các đối tác trong và ngoài nước để sản xuất kinh doanh các sản phẩm cơ khí, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trong và ngoài ngành ô tô và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.

Đặc biệt, trong tầm nhìn sắp tới, THACO đầu tư chiều sâu về công nghiệp hỗ trợ, nâng cao hàm lượng kỹ thuật công nghệ và tỷ lệ nội địa hóa qua các dự án đầu tư nhà máy mới để nâng cao năng lực sản xuất và đẩy mạnh kinh doanh ra bên ngoài, gồm các dự án đầu tư tại Chu Lai và 2 khu vực phía Nam, phía Bắc. Bên cạnh đó, tập đoàn này cũng đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu và phát triển sản phẩm khi thành lập Trung tâm R&D với đội ngũ các chuyên gia và hơn 300 kỹ sư – kỹ sư R&D; đồng thời mở rộng liên kết – kết nối với các trường đại học, viện nghiên cứu để thực hiện nghiên cứu khoa học và đào tạo.

Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam: ‘Đứa trẻ sắp lớn’ từ cú hích Trường Hải? - ảnh 5Nhiều chuyên gia kỳ vọng, Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam sẽ khởi sắc sau “cú hích” từ THACO

Có thể nói, việc THACO đẩy mạnh phát triển Công nghiệp cơ khí và Công nghiệp hỗ trợ là nước đi rất đúng đắn và phù hợp trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, cần nhìn nhận thực tế rằng mùa xuân không thể đến từ cánh én đơn chiếc; muốn Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam có thể bứt phá, rõ ràng cần phải có một “hệ sinh thái các doanh nghiệp công nghiệp cùng liên kết sản xuất”, mà THACO trước mắt sẽ là “ngọn cờ đầu”, là cú hích để các doanh nghiệp khác mạnh dạn đầu tư, liên kết cùng phát triển.

CHIA SẺ TIN