Trong bối cảnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp, việc ứng dụng khoa học – công nghệ hiện đại được xem là yêu cầu vô cùng cấp thiết, giúp nông dân chuyển sang hình thức tổ chức sản xuất hiện đại, hiệu quả kinh tế cao.
Mô hình trồng rau thủy canh công nghệ cao ở huyện Sóc Sơn cho hiệu quả kinh tế cao.
Thân thiện với môi trường
Thực tế thời gian qua, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, đạt hiệu quả kinh tế khá. Theo ông Lê Văn Tám – Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Sông Hồng (huyện Đông Anh), với diện tích 1.500m², hợp tác xã phát triển 6 mô hình nhà phủ màng công nghệ cao của Israel, chuyên sản xuất rau, củ, quả sạch theo hướng hữu cơ, chủ động nguồn cung nguyên liệu từ rau, củ, quả để tạo ra loại ống hút thân thiện với môi trường, cung cấp cho các cửa hàng kinh doanh đồ uống, quán cà phê và một số siêu thị của Hàn Quốc, Đức…, doanh thu đạt 2-3 tỷ đồng/năm.
Cũng về vấn đề này, ông Hoàng Quốc Chiến (xã Phú Cường, huyện Sóc Sơn) cho biết, năm 2017, trang trại đầu tư hơn 2 tỷ đồng xây dựng 2.000m² nhà lưới trồng rau thủy canh ứng dụng công nghệ cao. Rau trồng theo hướng thủy canh phát triển tốt, thích hợp với khí hậu, giá cả tương đối ổn định, khoảng 35.000-40.000 đồng/kg, cao hơn 10% so với các loại rau bán ngoài chợ. Trung bình mỗi tháng, trang trại xuất bán khoảng 3 tấn rau, thu nhập hơn 1 tỷ đồng/năm.
Đánh giá về hiệu quả của ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội Nguyễn Thị Thu Hằng cho biết, hiện nay, trên địa bàn thành phố có 160 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Nhìn chung, các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của Hà Nội mặc dù quy mô nhỏ nhưng cho năng suất cao hơn phương thức sản xuất truyền thống 10-12%, giá trị kinh tế gia tăng 25-30%… Hơn nữa, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao không chỉ tạo ra nguồn hàng hóa bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm mà còn tạo điều kiện cho các ngành chức năng trong truy xuất nguồn gốc sản phẩm, từng bước hình thành vùng sản xuất nông nghiệp quy mô lớn.
Còn theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, Việt Nam đã và đang hướng đến nền nông nghiệp minh bạch, trách nhiệm, bền vững và tăng trưởng xanh, phát triển mô hình tăng trưởng tích hợp đa giá trị theo hướng công nghệ cao, đa dạng, bền vững. Do đó, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, đổi mới khoa học – công nghệ được coi là một trong những giải pháp then chốt, trọng tâm trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Thực tế thời gian qua đã xuất hiện rất nhiều doanh nghiệp lớn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao như: Dabaco, TH, Ba Huân… Đến nay, cả nước có 12 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, được các địa phương công nhận; có 51 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận. Mặt khác, Bộ cũng đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Các tiến bộ về khoa học – công nghệ đã đóng góp trên 30% giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp, 38% trong sản xuất giống cây trồng, vật nuôi. Mức độ tổn thất của nông sản giảm đáng kể, trong đó tổn thất của lúa gạo đã giảm xuống dưới 10%…
Trồng dưa lưới công nghệ cao cho giá trị cao ở huyện Chương Mỹ.
Tạo điều kiện thu hút doanh nghiệp
Hiệu quả của việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp đã rõ, nhưng để mở rộng diện tích và phát triển nhiều ở các địa phương còn khó khăn như: Thiếu đất quy mô lớn để đầu tư ứng dụng khoa học – công nghệ theo vùng sản xuất tập trung; thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao còn hạn chế, chưa ổn định; các doanh nghiệp, hợp tác xã thiếu vốn để mở rộng quy mô sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao…
Để các mô hình ứng dụng công nghệ cao tiếp tục phát huy hiệu quả, theo ông Nguyễn Hữu Cường (xã Đại Đồng, huyện Thạch Thất), các ngành chức năng cần tạo điều kiện cho các đơn vị làm nông nghiệp công nghệ cao về thủ tục thuê, chuyển nhượng đất đai khi có phương án sản xuất khả thi. Cùng với đó, tăng cường hơn nữa nguồn vốn tín dụng nông nghiệp, đặc biệt là tín dụng cho vay theo chuỗi giá trị nông sản… nhằm khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chu Phú Mỹ cho biết, Hà Nội phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt trên 70%. Để xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, bền vững, Hà Nội cũng sẽ đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng khoa học – công nghệ vào sản xuất, chế biến, kinh doanh nông nghiệp; xây dựng trung tâm nông nghiệp công nghệ cao ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới trong nước và quốc tế, thành phố tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, tăng cường chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp về tín dụng, xúc tiến thương mại để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nhấn mạnh, để sản xuất nông nghiệp hiệu quả trong mọi tình huống, nông nghiệp Việt Nam cần chuyển từ nền nông nghiệp “sản lượng cao” sang “nền nông nghiệp công nghệ cao, sinh thái, trách nhiệm, bền vững” – đây là chìa khóa cho ngành nông nghiệp phát triển bền vững.
Thời gian tới, Bộ tiếp tục triển khai các chiến lược phát triển ngành hàng theo hướng tích hợp đa giá trị, tăng hàm lượng khoa học – công nghệ trong nông nghiệp. Mặt khác, nâng cao trình độ nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học – công nghệ, tập trung vào sản phẩm chủ lực xuất khẩu, sản xuất giống có năng suất, chất lượng cao, có khả năng chống bệnh, thích ứng với biến đổi khí hậu; công nghệ chế biến, bảo quản sau thu hoạch.
Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục phát triển thị trường khoa học – công nghệ, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; triển khai thực hiện Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao giai đoạn 2021-2030 thúc đẩy phát triển các khu, vùng nông nghiệp công nghệ cao, tạo ra nhiều sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chất lượng tốt, bảo đảm an toàn thực phẩm, đáp ứng thị trường tiêu thụ trong nước và mở rộng xuất khẩu.