Là một quốc gia đang phát triển, nông nghiệp vẫn giữ vai trò quan trọng và là trụ đỡ cho nền kinh tế nước ta. Bài viết tập trung phân tích những đặc trưng của nông nghiệp dựa trên sự phát triển công nghệ cao, những thời cơ, thách thức đối với nông nghiệp Việt Nam, qua đó đề xuất giải pháp phát triển nông nghiệp Việt Nam trong bối cảnh mới.
Ảnh: Canh tác nông nghiệp công nghệ cao
1. Nông nghiệp dưới tác động của Cách mạng công nghiệp 4.0
Yếu tố cốt lõi của nông nghiệp trong cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) – nông nghiệp 4.0 là ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số và trí tuệ nhân tạo. Các hoạt động sản xuất, kinh doanh từ nông trại đến chế biến, marketing và tiêu dùng được số hóa thông qua hệ thống kết nối internet vạn vật, kết hợp các hệ thống điều hành và tác nghiệp tập trung, tự động hóa và thông minh, bảo đảm cho chu trình diễn ra liên tục, hiệu quả và bền vững. Vì thế, nông nghiệp 4.0 còn được gọi là nông nghiệp thông minh hay nông nghiệp số. Nhờ đó, ngành nông nghiệp đứng trước những thời cơ lớn, với sự chuyển đổi của toàn bộ hệ thống sản xuất, quản trị và quản lý, cụ thể là:
Một là, ứng dụng cảm biến, thiết bị thông minh được kết nối và điều khiển tự động trong suốt quá trình sản xuất, giúp ứng phó với biến đổi khí hậu, cải thiện điều kiện vi khí hậu trong nhà kính.
Hai là, việc canh tác trong nhà kính, nhà lưới, sử dụng công nghệ thủy canh, khí canh, công nghệ đèn LED, tế bào quang điện… giúp sản xuất nông nghiệp giảm bớt sự phụ thuộc vào tự nhiên, tối ưu hóa quá trình sinh trưởng của cây trồng, vật nuôi, sử dụng hiệu quả không gian, giảm chi phí năng lượng.
Ba là, sử dụng người máy, các thiết bị bay không người lái và vệ tinh để khảo sát thực trạng, thu thập dữ liệu của các trang trại, từ đó phân tích, đưa ra khuyến nghị nhằm quản lý sản xuất nông nghiệp hiệu quả, chính xác.
Bốn là, áp dụng công nghệ tài chính phục vụ trong tất cả các hoạt động của trang trại, nhằm đưa ra công thức quản trị có hiệu quả cao nhất.
Ứng dụng công nghệ hiện đại sẽ giải quyết các vấn đề tồn tại ở cả đầu vào và đầu ra của nông nghiệp theo phương thức truyền thống; qua đó giám sát môi trường tăng trưởng cây trồng bao gồm: tình trạng phát triển cây trồng, thông tin khí hậu, thông tin môi trường và thông tin tăng trưởng; áp dụng phương pháp canh tác biến đổi theo vùng bằng máy móc, thiết bị thông minh; phân tích dữ liệu, đưa ra quyết định… Như vậy, tiến bộ khoa học – công nghệ cùng các phương thức quản lý, kinh doanh mới áp dụng vào nông nghiệp góp phần nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, cắt giảm chi phí, hạ giá thành sản phẩm và cải thiện chất lượng môi trường là những cơ hội lớn do CMCN 4.0 tạo ra mà Việt Nam có thể tận dụng để thúc đẩy nông nghiệp phát triển bắt kịp với thế giới.
2. Cơ hội và thách thức đối với nông nghiệp Việt Nam
Qua 35 năm đổi mới, nông nghiệp Việt Nam đã đạt được những kết quả to lớn. Tốc độ tăng trưởng GDP ngành nông nghiệp bình quân giai đoạn 1986 – 2010 đạt 5,5%/ năm; giai đoạn 2011 – 2015 đạt trung bình 3,1%, giai đoạn 2016 – 2020 đạt 2,7%(1). Giá trị gia tăng cao và ổn định hơn các nước khác trong khu vực, tăng từ 55,7% năm 2010 lên 61,1% năm 2019(2).
Tỷ lệ cơ giới hóa một số khâu trong nông nghiệp đạt mức khá cao: khâu làm đất lúa đạt 95%; khâu chăm sóc, bảo vệ thực vật lúa và các cây trồng khác đạt khoảng 70%; khâu thu hoạch lúa đạt 70%(3). Nhờ đó, năng suất và giá trị gia tăng của sản phẩm nông nghiệp tăng lên, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo tiền đề quan trọng để xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, ứng dụng công nghệ cao.
Từ một nước thiếu lương thực, Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu đứng thứ hai ở Đông Nam Á và thứ 15 trên thế giới về xuất khẩu nông sản. Đến năm 2020, kim ngạch xuất khẩu đạt 41,25 tỷ USD, gấp 85 lần so với năm 1986. Đặc biệt, một số mặt hàng đạt giá trị kim ngạch xuất khẩu trên 2 tỷ USD, như: cà phê, gạo, hạt điều, rau quả, tôm, gỗ và sản phẩm gỗ… Nông sản Việt Nam đã xuất khẩu đến 196 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có những thị trường khó tính như Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU…(4) Những kết quả đạt được của ngành nông nghiệp sau 35 năm đổi mới đã chứng minh vai trò quan trọng của nông nghiệp trong phát triển kinh tế – xã hội đất nước.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, ngành nông nghiệp nước ta hiện đang đối mặt với khoảng cách khá xa trong tiếp cận nông nghiệp 4.0. Năng suất yếu tố tổng hợp (TFP) dù tăng trong hai thập kỷ qua, nhưng đã giảm tốc vài năm gần đây(5). Tốc độ tăng TFP của Việt Nam không theo kịp các nước trong khu vực kể từ giữa những năm 2000. Trong giai đoạn 2001-2010, TFP chiếm 57% mức tăng trưởng nông nghiệp Việt Nam, trong khi con số tương ứng tại các nước Thái Lan, Trung Quốc, Malaixia lần lượt là 83%, 86% và 92%(6).
Tốc độ tăng năng suất lao động (NSLĐ) nông nghiệp bình quân giai đoạn 2011-2018 đạt 5,2%/năm, cao hơn tốc độ tăng bình quân của khu vực công nghiệp và xây dựng (3%/năm) và khu vực dịch vụ (3,1%/năm). Tuy nhiên, NSLĐ trong nông nghiệp có giá trị thấp nhất trong các khu vực kinh tế; năm 2018, theo giá hiện hành, đạt 39,8 triệu đồng/lao động, chỉ bằng 38,9% NSLĐ của toàn nền kinh tế, bằng 30,4% NSLĐ của khu vực công nghiệp và xây dựng, bằng 33,7% khu vực dịch vụ(7) và thấp hơn so với các nước trong khu vực.
Nguyên nhân chủ yếu khiến năng suất lao động của ngành nông nghiệp Việt Nam thấp là do quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún. Số liệu tổng điều tra về nông thôn, nông nghiệp và thủy sản, tháng 7- 2016, cho thấy cả nước có 8,5 triệu hộ nông nghiệp; số hộ có quy mô ruộng đất canh tác dưới 1 ha/hộ là 88,3%, quy mô dưới 0,2 ha/hộ (diện tích rất nhỏ) chiếm tới gần 40%(8).
Diện tích bình quân đất nông nghiệp trên người dân của Việt Nam ở mức thấp và tiếp tục giảm, gây tác động trực tiếp đến việc ứng dụng khoa học – công nghệ vào sản xuất, triển khai ứng dụng các mô hình nông nghiệp tiên tiến. Sản xuất chia cắt theo hộ gia đình nhỏ lẻ, manh mún, không theo chuỗi, do đó gặp nhiều khó khăn trong ứng dụng đồng bộ công nghệ, cũng như kiểm soát chất lượng và truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Có tới 63% doanh nghiệp gặp khó khăn trong tiếp cận đất đai, đặc biệt là vướng mắc trong cơ chế thỏa thuận(9). Do ruộng đất manh mún, khung giá đất chưa phù hợp với thị trường, số hộ canh tác quy mô nhỏ chiếm tỷ lệ lớn, nên để thực hiện được dự án đầu tư, doanh nghiệp phải thỏa thuận với rất nhiều hộ. Đây là trở ngại lớn đối với doanh nghiệp thực hiện tập trung ruộng đất cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao, quy mô lớn.
Lực lượng lao động trong lĩnh vực nông nghiệp đông nhưng thiếu hụt lao động có trình độ và kỹ năng chuyên môn – hạt nhân thúc đẩy sự phát triển của nông nghiệp trong điều kiện CMCN 4.0. Đặc biệt, việc tăng cường tự động hóa và ứng dụng số hóa trong quá trình sản xuất đòi hỏi lao động phải có kỹ năng và trình độ chuyên môn.
Tính đến quý IV năm 2020, lực lượng lao động nước ta ước tính có 48,3 triệu người, lao động trong độ tuổi ở khu vực nông thôn là 31,8 triệu người, chiếm 65,1%. Trong đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo ở khu vực nông thôn là 16,6%, thấp hơn 2,5 lần khu vực thành thị (40,8%)(10).
Sản xuất nông nghiệp nước ta còn phụ thuộc khá nhiều vào khí hậu, thời tiết. Trong khi, Việt Nam được dự báo là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu(11). Với đường bờ biển dài 3.260 km, hiện tượng nước biển dâng gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng đối với Việt Nam. Theo khuyến cáo của Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC), khi mực nước biển dâng lên 100 cm, trên 10% diện tích vùng đồng bằng sông Hồng và tỉnh Quảng Ninh, trên 2,5% diện tích thuộc các tỉnh ven biển miền Trung và trên 20% diện tích Thành phố Hồ Chí Minh có nguy cơ bị ngập; đặc biệt, khu vực đồng bằng sông Cửu Long sẽ có khoảng 39% diện tích bị ngập(12), không còn khả năng canh tác. Mặt khác, biến động thời tiết ngày càng cực đoan, bất thường, khó kiểm soát, các tỉnh Tây Nguyên và miền Trung sẽ bị hạn hán nhiều hơn; số đợt không khí lạnh, rét đậm, rét hại sẽ xuất hiện nhiều hơn ở các tỉnh phía Bắc và Bắc Trung Bộ, bão lũ sẽ gây ảnh hưởng ngày thêm nặng nề trên quy mô cả nước. Biến đổi khí hậu tạo ra thách thức vô cùng to lớn đối với việc sử dụng tài nguyên nước và đất. Những ảnh hưởng trên khiến cho việc phát triển nông nghiệp gặp bất lợi lớn, do đó cần có các chính sách phù hợp để thúc đẩy phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Mặc dù duy trì được tốc độ tăng trưởng và tăng năng suất, song về cơ bản, nông nghiệp Việt Nam vẫn là nền sản xuất thô, tiêu tốn nhiều nguồn lực, việc ứng dụng khoa học – công nghệ và cơ giới hóa trong nông nghiệp còn khiêm tốn, năng suất lao động thấp, sức cạnh tranh chưa cao. Do đó, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong bối cảnh CMCN 4.0 là chìa khóa giải quyết những vấn đề còn tồn tại của nông nghiệp Việt Nam.
3. Giải pháp phát triển nông nghiệp công nghệ cao
Xác định tầm quan trọng của nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đưa nền nông nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển trong bối cảnh CMCN 4.0, Hội nghị lần thứ 4 khóa XII ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TW, nhấn mạnh những định hướng về phát triển nông nghiệp hiện đại, chuyển mạnh sang phát triển nông nghiệp theo chiều sâu, sản xuất lớn, dựa vào khoa học – công nghệ, có năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh và giá trị gia tăng cao. Đại hội XIII xác định: “Chú trọng phát triển nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn, ứng dụng công nghệ cao; phát huy tiềm năng, lợi thế của từng vùng, từng địa phương… nâng cao giá trị nông sản trong các chuỗi giá trị”(13).
Để thực hiện chủ trương của Đảng, trong bối cảnh CMCN 4.0, Nhà nước cần tạo lập các điều kiện tiền đề cần thiết để ứng dụng các thành tựu khoa học – công nghệ vào lĩnh vực nông nghiệp. Một mặt, Nhà nước gia tăng nguồn lực đầu tư để tạo lập các điều kiện mà thị trường chưa thể tạo lập hoặc tạo lập chưa đầy đủ. Mặt khác, Nhà nước sử dụng các nguyên tắc thị trường trong việc phân bổ nguồn lực công theo nguyên tắc cạnh tranh và tạo lập đầy đủ các loại thị trường, nhằm huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư vào nông nghiệp. Hai phương thức này tương hỗ nhau, giúp hoàn thiện vai trò của Nhà nước đối với phát triển nông nghiệp trong bối cảnh CMCN 4.0, đó là:
Thứ nhất, hoàn thiện quy hoạch tổng thể đối với nông nghiệp
Rà soát, điều chỉnh lại chiến lược quy hoạch, hoàn thiện quy hoạch phát triển nông nghiệp trong trung hạn và dài hạn; xây dựng kế hoạch ngành, các lĩnh vực, các sản phẩm nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế của quốc gia, vùng và địa phương. Trên cơ sở đó, xây dựng khung pháp lý, tạo môi trường thuận lợi cho hình thành chuỗi giá trị nông sản dựa trên lợi thế so sánh của từng vùng, từng địa phương; hình thành vùng sản xuất tập trung, tạo thuận lợi cho việc ứng dụng khoa học – công nghệ sản xuất và chế biến nông sản.
Thứ hai, tiếp tục hoàn thiện pháp luật về đất đai, thúc đẩy tích tụ, tập trung ruộng đất cho phát triển nông nghiệp tập trung và chuỗi giá trị sản xuất
Nhằm thực hiện tích tụ, tập trung ruộng đất, cần sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật về đất đai, tạo điều kiện thuận lợi cho tích tụ và tập trung ruộng đất sản xuất nông nghiệp quy mô lớn theo hướng nới rộng “hạn điền” cho các chủ thể trực tiếp quản lý, sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, phù hợp với điều kiện của từng vùng, từng lĩnh vực. Trước hết là, rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch sử dụng đất hợp lý khi thực hiện tích tụ và tập trung ruộng đất, tránh tình trạng đầu cơ; sửa đổi chính sách thu hồi đất sản xuất nông nghiệp (tại Nghị định số 47/2014/NĐ-CP) theo hướng chặt chẽ nhằm hạn chế việc chuyển đất nông nghiệp sang các mục đích khác, bảo đảm giữ ổn định diện tích đất sản xuất nông nghiệp.
Xây dựng khung pháp lý trong thực hiện tích tụ, tập trung ruộng đất, cần có các quy định và giám sát chặt chẽ trong việc lập, điều chỉnh, thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, việc thu hồi đất đai và chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp. Chế định rõ, công khai cơ sở pháp lý về các quyền của người sử dụng đất, minh bạch thông tin về quy hoạch sử dụng đất để doanh nghiệp yên tâm đầu tư. Công tác quy hoạch phải bảo đảm hạn chế việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, đáp ứng yêu cầu của sản xuất lớn và hình thành chuỗi giá trị sản xuất, xem xét tăng thời gian cho kỳ kế hoạch sử dụng đất nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư, giải quyết vấn đề sản xuất quy mô nhỏ hiện nay.
Thứ ba, tăng cường hỗ trợ vốn và đổi mới cơ chế quản lý của Nhà nước về khoa học – công nghệ cho phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
Mặc dù đã có chủ trương về ưu đãi, thu hút đầu tư cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao, tuy nhiên số vốn đầu tư vào lĩnh vực này còn khiêm tốn. Do đó, cần có những ưu đãi cụ thể nhằm đa dạng hóa nguồn vốn, đồng thời xem xét nới rộng điều kiện cho vay, thời hạn vay và món vay cho các dự án đầu tư. Đặc biệt, cần phát huy vai trò của Nhà nước thông qua nguồn vốn hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng, trang thiết bị cho các tổ chức khoa học – công nghệ, các doanh nghiệp, các khu nông nghiệp và vùng nông nghiệp công nghệ cao, hình thành một số mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao điển hình.
Đổi mới cơ chế quản lý của Nhà nước về khoa học – công nghệ, từng bước hình thành thị trường khoa học công nghệ, tạo động lực cho nghiên cứu và ứng dụng thành tựu khoa học – công nghệ trong nông nghiệp. Bên cạnh đó, Nhà nước cần ban hành các chính sách tín dụng ưu đãi thông qua việc thành lập các loại quỹ, cụ thể hóa các cơ chế, chính sách khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu, đổi mới công nghệ, giúp các doanh nghiệp nông nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng và năng lực cạnh tranh.
Thứ tư, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực cho nông nghiệp
Nguồn nhân lực chất lượng cao là yếu tố quan trọng cho sự phát triển của nông nghiệp công nghệ cao trong bối cảnh CMCN 4.0. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong nông nghiệp đòi hỏi sự tham gia của cả Nhà nước, doanh nghiệp, cơ sở đào tạo và người dân.
Công tác đào tạo nguồn nhân lực cần có sự chuyển biến mạnh mẽ ở cả nội dung, mô hình, chương trình và phương thức đào tạo. Nội dung đào tạo cần trang bị cho người học những kỹ năng và kiến thức cơ bản để người lao động có tư duy sáng tạo mang tính liên ngành, thích nghi với sự thay đổi của thị trường lao động, đáp ứng yêu cầu công việc, tránh nguy cơ mất việc làm khi thị trường có sự tham gia của lực lượng lao động tự do dịch chuyển trong khối ASEAN và xu hướng tự động hóa trong ứng dụng thành tựu khoa học – công nghệ vào sản xuất nông nghiệp. Nhà nước cần có những chương trình hỗ trợ việc làm, định hướng nghề nghiệp cho thanh niên nông thôn, đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp hoạch định chiến lược tuyển dụng, sử dụng nhân lực trung hạn, dài hạn trong khu vực nông thôn.
Thứ năm, tăng cường hỗ trợ thông tin thị trường và mở rộng thị trường, xây dựng thương hiệu nông sản
Trong thời gian qua, Nhà nước đã có những nỗ lực lớn trong công tác tổ chức và phát triển thị trường nông sản ở cả trong và ngoài nước. Nhu cầu của xã hội ngày càng cao, đòi hỏi những sản phẩm nông nghiệp có chất lượng tốt, giá thành hợp lý, từ đó tạo ra động lực cho sự phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Đối với thị trường ngoài nước, Việt Nam đã và đang tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do, cho thấy sự tích cực của Nhà nước trong việc tìm kiếm, mở rộng thị trường cho nông sản Việt Nam.
Cần đẩy mạnh xây dựng cơ sở dữ liệu về công nghệ cao trong nông nghiệp; tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân tiếp cận, sử dụng, trao đổi thông tin về ứng dụng công nghệ trong nông nghiệp; tổ chức và tham gia các hội chợ, triển lãm nông nghiệp công nghệ cao quy mô quốc gia, quốc tế.
Tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giới thiệu trên các phương tiện thông tin đại chúng và internet để cho người dân tiếp cận được thông tin về thành tựu ứng dụng công nghệ cao, các mô hình phát triển công nghệ cao và các sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao.