Chiến lược phát triển ngành điện tử, vi mạch

Các chuyên gia chia sẻ góc nhìn, định hướng phát triển, nghiên cứu phát triển các thiết bị điện tử và viễn thông tích hợp công nghệ thông minh, ngày 5/7.

Ngành Điện tử – Viễn thông và Công nghệ thông tin ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp cũng như đời sống. Việc các doanh nghiệp trong nước “bắt tay” nhau là tiền giúp lĩnh vực này phát triển đúng hướng và bền vững.

Trước bối cảnh này, Điện Quang và Xelex hợp tác tổ chức hội thảo “Chiến lược phát triển ngành điện tử và vi mạch Việt Nam” vào ngày 5/7. Trong chương trình, nhiều chuyên gia có kinh nghiệm cùng gặp gỡ, chia sẻ góc nhìn, định hướng phát triển, hợp tác vượt qua các khó khăn để nghiên cứu phát triển các thiết bị Điện tử và Viễn thông tích hợp công nghệ thông minh, thích hợp với thị trường Việt Nam và quốc tế. Các giải pháp này góp phần tạo nên những giá trị thiết thực cho kinh tế, xã hội.

Theo các chuyên gia, Việt Nam là quốc gia xuất khẩu điện tử lớn thứ 12 thế giới, thứ 3 trong khối ASEAN, nhưng đến 95% giá trị thuộc khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Các sản phẩm điện tử trên thị trường Việt Nam đa số là hàng nhập khẩu nguyên chiếc hoặc nhập khẩu linh kiện và lắp ráp trong nước.

Năm 2020, Covid-19 gây nhiều khó khăn cho lĩnh vực sản xuất điện tử, nhu cầu của khách hàng tại các thị trường lớn giảm, nguồn cung bị gián đoạn và hàng hóa, vật tư không thể lưu thông. Việc phụ thuộc vào nguồn cung ngoài nước đã khiến ngành điện tử dễ “tổn thương” trước các tác động bên ngoài như chiến tranh thương mại, chi phí vận chuyển, mất cân bằng container, giá nguyên vật liệu bất ổn…

Nhà máy sản xuất chip LED Điện Quang. Ảnh: Điện Quang

Ngành Điện – Điện tử có tiềm năng phát triển khi các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ngày càng tăng. Nhiều hãng điện tử lớn trên thế giới đã đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất sản phẩm điện tử công nghệ cao ở Việt Nam như Samsung, LG, Foxconn. Nhu cầu sử dụng thiết bị điện tử của người dân trong nước cũng tăng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến xu hướng làm việc tại nhà dần trở nên phổ biến.

Ứng dụng công nghệ để chiếm lợi thế trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, tự chủ nguyên vật liệu là xu hướng trong mọi lĩnh vực đặc biệt là lĩnh vực Điện – Điện Tử. Để phát triển, vươn ra thị trường quốc tế, Việt Nam cần kiểm soát được cả công nghệ phần cứng và phần mềm, nhằm giảm phụ thuộc nước ngoài để đảm bảo tính bảo mật. Vi mạch và thiết bị điện tử công nghệ cao sản xuất trong nước là hướng giải quyết mà các chuyên gia đưa ra.

Ông Nguyễn Ái Hữu – Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Công nghệ Xelex chia sẻ về thực trạng nền công nghiệp điện tử Việt Nam. Ảnh: Xelex

Ông Nguyễn Ái Hữu – Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Công nghệ Xelex cho biết, công nghiệp điện tử là một ngành công nghệ cao rất đặc biệt. Sự thành công của nó đòi hỏi các nguồn kinh phí đầu tư khổng lồ và đội ngũ nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là các chuyên gia, kỹ sư có trình độ chuyên môn vững vàng.

“Với tình hình của nền công nghiệp điện tử Việt Nam hiện nay, sự đồng lòng, chung tay góp sức của các chuyên gia từ thung lũng Silicon – cái nôi công nghệ của nước Mỹ và thế giới – đóng vai trò hết sức quan trọng, quyết định sự thành công của ngành trong giai đoạn tới”, ông Hữu nhấn mạnh.

Các chuyên gia tại hội thảo.

Cũng trong hội thảo, Điện Quang và Xelex thực hiện ký kết hợp tác cùng sản xuất các sản phẩm hàm lượng công nghệ cao. Theo đó, hai đơn vị sẽ phát huy thế mạnh dây chuyền SMT công nghệ cao với năng suất sản xuất chip công suất lớn lên đến 140 triệu sản phẩm một năm của Điện Quang và năng lực nghiên cứu phát triển tự thiết kế máy tính bảng, laptop cũng như các thiết bị điện tử bảo mật cao của Xelex.

Sự ký kết này được kỳ vọng hỗ trợ doanh nghiệp Điện – Điện tử Việt Nam cùng phát triển lâu dài nhằm hạn chế sự phụ thuộc với doanh nghiệp nước ngoài, tạo ra các sản phẩm mới mang tính đột phá về công nghệ và bảo mật. Thông qua đó, lợi ích về kinh tế, xã hội nâng cao hơn.

Điện Quang và Xelex ký kết hợp tác ngày 5/7.

(Nguồn: Điện Quang)

CHIA SẺ TIN