“Miền đất hứa” công nghiệp điện tử Việt Nam

Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) của Mỹ mới đây đã đưa ra nhận định Việt Nam đang trở thành cường quốc kỹ thuật số mới ở Đông Nam Á. Theo CSIS, các chính sách của Việt Nam đang định vị để đưa quốc gia này trở thành một trung tâm khu vực về sản xuất công nghệ và chất bán dẫn…

Tọa đàm “Đầu tư công nghiệp điện tử” do Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (VAFIE), Invest Global tổ chức.

Tại buổi tọa đàm với chủ đề “Đầu tư công nghiệp điện tử” doTạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (VAFIE), Invest Global tổ chức mới đây, nói về tiềm năng ngành công nghiệp điện tử Việt Nam, Nhà báo Đào Quang Bính, Tổng Giám đốc – Tổng Thư ký tòa soạn, Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy, đã nhấn mạnh tới mục tiêu chiến lược của Việt Nam là xây dựng ngành điện tử trở thành ngành công nghiệp chủ lực và tạo cơ sở hỗ trợ cho các ngành khác phát triển.

Theo quy hoạch công nghiệp điện tử của Việt Nam giai đoạn 2016 – 2020, tăng trưởng của ngành trong giai đoạn này là 23,8%/năm; tầm nhìn đến năm 2030 đạt 19-21%/năm…

MỘT THỊ TRƯỜNG ĐẦY HỨA HẸN

Theo quy hoạch trên, trong giai đoạn 2016 – 2020, ngành điện tử Việt Nam tập trung phát triển linh kiện điện – điện tử cơ bản, các loại bản mạch in điện tử, mạch vi điện tử cho điện thoại di động, thiết bị điện tử gia dụng, thiết bị văn phòng, máy vi tính, thiết bị ngoại vi, linh kiện, phụ tùng cho công nghiệp ôtô (thiết bị điện, chiếu sáng, điều khiển…).

Trong giai đoạn năm 2020 – 2025 sẽ ưu tiên phát triển các sản phẩm trong lĩnh vực như thiết bị tự động hóa, máy tính, điện thoại. Sau năm 2025, ưu tiên phát triển phần mềm, nội dung số, dịch vụ công nghệ thông tin và điện tử y tế…

Nhà báo Đào Quang Bính, Tổng Giám đốc, Tổng Thư ký tòa soạn, Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy .

 “Việt Nam đang trở thành công xưởng của thế giới, điều đó đúng, nhưng có lẽ cần thêm một hoặc mấy chữ, là chúng ta phải thành công xưởng công nghệ cao của thế giới. Nếu chỉ dừng lại công xưởng về may mặc, giá trị gia tăng thấp, thâm dụng lao động cao, ảnh hưởng đến môi trường thì cũng không có nhiều giá trị và không đưa đất nước phát triển nhanh được”.

Nhà báo Đào Quang Bính, Tổng Giám đốc, Tổng Thư ký tòa soạn, Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy

Ngành công nghiệp điện tử Việt Nam hiện đang chiếm tỷ trọng 17,8% toàn ngành công nghiệp, chủ yếu sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và linh kiện… Tại Việt Nam, hiện đã có mặt hầu hết các tên tuổi lớn hàng đầu thế giới về điện tử và công nghệ như: Samsung, Intel, LG, Foxconn, Canon, Panasonic, Electronics, Nokia, Meiko, Apple, Microsoft, Qualcomm…

Trong số này, đặc biệt phải kể đến Samsung của Hàn Quốc, tính đến cuối năm 2021 số vốn mà tập đoàn này đầu tư vào Việt Nam đạt gần 18 tỷ USD. Một tập đoàn lớn khác cũng của Hàn Quốc là LG đến nay cũng đã đầu tư gần 5 tỷ USD vào Việt Nam. Intel của Mỹ cũng đầu tư khoảng 1,6 tỷ USD; hay Amkor Technology cũng của Mỹ mới đây cũng chọn Bắc Ninh để mở rộng nhà máy với khoản đầu tư lên tới 1,6 tỷ USD từ nay đến năm 2035…

Với hàng loạt các tên tuổi trong lĩnh vực chế tạo, công nghệ hàng đầu của thế giới như trên cho thấy Việt Nam đang nổi lên với vai trò như một trung tâm sản xuất mới trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Ông Đào Quang Bính cho biết thêm, CSIS nhận định Việt Nam còn là một trung tâm của khu vực về nghiên cứu và phát triển gia công phần mềm cho Cisco, Alcatel-Lucent, Toshiba Hitachi, và Jupiter Networks cùng nhiều công ty khác.

“Theo CSIS, Việt Nam hiện đang áp dụng nhiều chính sách gồm cả các ưu đãi về thuế, tạo môi trường thuận lợi hơn cho đầu tư công nghệ. Là nền kinh tế đang phát triển, thị trường kỹ thuật số của Việt Nam có tiềm năng to lớn và đầy hứa hẹn”, ông Đào Quang Bính cho biết và khẳng định điều này cho thấy tiềm năng của ngành công nghiệp điện tử Việt Nam như “miền đất hứa” với các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam trong lĩnh vực điện tử và công nghệ cao.

NHIỀU CHÍNH SÁCH ƯU ĐÃI VÀ LĨNH VỰC ƯU TIÊN

Tại tọa đàm, nhiều chuyên gia nhìn nhận ngành công nghiệp điện tử tại Việt Nam có nhiều thuận lợi để phát triển khi Việt Nam có vị trí địa lý nằm trong khu vực có nền công nghiệp phát triển nhanh và năng động. Thêm vào đó là thị trường nội địa gần 100 triệu dân và khả năng tiếp cận trực tiếp với thị trường 600 triệu dân của ASEAN, thị trường xuất khẩu quốc tế rộng lớn nhờ tham gia vào các hiệp định thương mại tự do (FTAs).

Ngoài ra, Việt Nam còn sở hữu nguồn lao động dồi dào và được đánh giá là học hỏi nhanh trong khai thác, sử dụng và lắp ráp các thiết bị điện tử, kể cả các thiết bị điện tử hiện đại. Chi phí nhân công lao động tương đối thấp tạo lợi thế cạnh tranh cho các doanh nghiệp so với các doanh nghiệp trong khu vực…

Việt Nam cũng là quốc gia có nguồn tài nguyên khoáng sản quan trọng cần thiết để phát triển công nghiệp vật liệu điện tử như: quặng sắt, đất hiếm, titan, rutin, barit, ilmenit… Nhưng điểm đặc biệt phải kể đến, đó là Việt Nam là quốc gia có an ninh chính trị ổn định. Đây là yếu tố quan trọng bậc nhất với bất kỳ doanh nghiệp nào đi đầu tư nước ngoài. Điều này đã và đang tạo lòng tin cho các nhà đầu tư về một môi trường đầu tư an toàn.

Ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch, Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE).

“Các tập đoàn/công ty trong lĩnh vực công nghiệp điện tử về công nghệ của Ấn Độ nói riêng và trên thế giới nói chung chắc chắn sẽ có nhiều cơ hội và thành công khi đầu tư tại Việt Nam. Việc đầu tư có thể thực hiện theo hình thức liên doanh, mua lại cổ phần của các doanh nghiệp Việt Nam hay đầu tư 100% vốn nước ngoài và không có bất cứ quy định hạn chế hay điều kiện đầu tư với lĩnh vực công nghiệp điện tử (các điều kiện đầu tư chủ yếu liên quan đến dự án dịch vụ)”.

Ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch, Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE).

Theo ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch VAFIE, đối với lĩnh vực công nghiệp điện tử, khi đầu tư sản xuất tại Việt Nam, doanh nghiệp được hưởng ưu đãi thuế suất xuất khẩu (hầu hết ở mức 0%) khi xuất khẩu sản phẩm sang thị trường của nước tham gia ký kết FTA với Việt Nam, đặc biệt là thị trường EU, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, ASEAN… Với các linh kiện, bộ phận mua của các nước tham gia FTA với Việt Nam cũng được hưởng thuế suất nhập khẩu 0%, và xem là sản phẩm được sản xuất tại Việt Nam khi xác định nguồn gốc xuất xứ để hưởng ưu đãi thuế xuất khẩu.

Mặt khác, theo ông Toàn, phát triển công nghiệp phụ trợ, đặc biệt trong lĩnh vực điện tử tại Việt Nam vẫn còn thiếu và yếu. Do vậy đây cũng được xem là mảnh đất tiềm năng cho các nhà đầu tư nước ngoài liên kết với các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất thay thế hàng nhập khẩu, tiến tới xuất khẩu ra khu vực và thế giới. Đây cũng là lĩnh vực Chính phủ Việt Nam ưu tiên phát triển. Các dự án nghiên cứu phát triển (R&D) đang được ưu đãi đặc biệt và có nhiều tiềm năng phát triển tại Việt Nam khi Việt Nam có đủ khả năng cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho lĩnh vực này. Thành công của Trung tâm R&D của Samsung Việt Nam là một ví dụ cho nhận định này.

Hiện nay, Chính phủ Việt Nam đang tạo rất nhiều ưu đãi cho đầu tư vào công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao. Cụ thể, ưu đãi thuế suất thu nhập doanh nghiệp là 10% trong thời hạn 15 năm, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 4 năm và giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp trong 9 năm tiếp theo cùng nhiều chính sách ưu đãi khác. Việt Nam cũng đặc biệt ưu tiên cho các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.

Ông Nguyễn Lương Phương, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Đầu tư công nghệ Smarttech Việt Nam – doanh nghiệp đã ký kết thỏa thuận hợp tác (MOU) với Tập đoàn công nghệ INDIC của Ấn Độ ngay tại tọa đàm, cho biết hiện nền tảng của Smarttech có thể sản xuất được các thiết bị bo mạch hoặc phối hợp với các đơn vị làm layout (thiết kế) nếu các doanh nghiệp có nhu cầu. Smarttech đã làm việc với INDIC về mặt chủ trương, định hướng, góp vốn và sẵn sàng góp vốn 50-50 nếu INDIC có kế hoạch phát triển ở thị trường Việt Nam cũng như một số doanh nghiệp cùng định hướng góp vốn đầu tư chung.

“Chúng tôi mong muốn hợp tác với INDIC để phát triển nhà máy có quy mô với những sản phẩm đang được các công ty khoa học công nghệ, sản xuất dịch vụ, sản xuất về thiết bị viễn thông, thiết bị mạng… quan tâm và sử dụng”, Chủ tịch Smarttech Nguyễn Lương Phương tiết lộ.

CHIA SẺ TIN