Công nghiệp điện tử giữ vị trí quan trọng trong sản xuất công nghiệp

Công nghiệp điện tử là ngành sản xuất, có vị trí then chốt trong nền kinh tế và tác động lan tỏa mạnh đến các ngành công nghiệp khác. Ngành công nghiệp điện tử Việt Nam hiện chiếm tỷ trọng 17,8% toàn ngành công nghiệp, chủ yếu sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học. Để thúc đẩy ngành công nghiệp điện tử phát triển nhanh, bền vững, cần xác định rõ chiến lược phát triển của ngành; trong đó, chú trọng tới việc xác định sản phẩm cốt lõi, có sức đột phá.

Tăng trưởng khả quan trong bối cảnh đại dịch

Mặc dù bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 nhưng ngành sản xuất điện tử vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng khả quan, cho thấy tiềm năng phục hồi và phát triển rất lớn. Trong 9 tháng đầu năm 2021, chỉ số sản xuất của ngành điện tử sản xuất máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 7,7% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó, tăng mạnh là sản xuất linh kiện điện thoại (tăng 43,6%), sản xuất thiết bị điện tử (tăng 3,3% so với cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên, sản xuất ti vi các loại trong 9 tháng đầu năm 2021 giảm 8,7% so với cùng kỳ năm 2020. 9 tháng năm 2021, trong số 31 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, điện tử, máy tính và linh kiện đạt 36,4 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm 2020, chiếm tỷ trọng 15,1% trong tổng kim ngạch xuất khẩu, tiếp tục giữ vững vị trí số 2 trong nhóm các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam (sau điện thoại và linh kiện). Bên cạnh đó, với những sáng kiến của Chính phủ Việt Nam nhằm hỗ trợ ngành linh kiện điện tử, các doanh nghiệp trong nước được kỳ vọng sẽ có nhiều tiến bộ trong sản xuất thời gian tới.

Theo Tổng cục Thống kê, trong giai đoạn 2016 – 2020, nhóm hàng điện tử, máy tính và linh kiện tăng trưởng bình quân 23,8%. Kết quả này đã đưa Việt Nam từ trí vị 47 năm 2001 lên vị trí 12 trên thế giới và đứng thứ 3 trong khu vực ASEAN về xuất khẩu điện tử với kim ngạch 44,6 tỷ USD trong năm 2020, tăng 24,1% (tương đương 8,7 tỷ USD) so với 2019. Đáng chú ý là, xuất khẩu điện thoại các loại và linh kiện đã được xếp hạng thứ hai thế giới, với giá trị là 51,18 tỷ USD trong năm 2020, giảm 0,4% so với năm 2019 do ảnh hưởng dịch bệnh. Xét theo chuỗi giá trị toàn cầu, thị trường được chia thành ba phần, gồm các hoạt động thượng nguồn, trung nguồn và hạ nguồn. Việt Nam chủ yếu hội nhập ở phần trung nguồn với giá trị gia tăng thấp hơn, bao gồm các cụm lắp ráp nhỏ như màn hình và các bộ phận đặc biệt, các sản phẩm hoàn chỉnh như điện tử tiêu dùng, truyền thông và máy tính.

Cơ cấu xuất khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện trong giai đoạn 2016 – 2020 có sự thay đổi lớn. Năm 2016 tỷ trọng xuất khẩu sản phẩm linh kiện và bán thành phẩm chiếm tỷ trọng lớn như xuất khẩu linh kiện điện tử chiếm 65,7%, đến năm 2020 tỷ trọng giảm còn 59,9% tổng kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện. Trong khi năm 2020, xuất khẩu sản phẩm nguyên chiếc, thành phầm chiếm tỷ trọng lớn; đáng chú ý là, kim ngạch xuất khẩu máy tính và linh kiện chiếm 27,9%, tăng 4,8 điểm phần trăm so với năm 2016, tương tự các nhóm hàng khác như thiết bị máy văn phòng tăng từ 6,7% năm 2016 lên 7,3% trong năm 2020. Nhóm thiết bị nghe nhìn và linh kiện tăng từ 4,4% trong năm 2016 lên 4,9% trong năm 2020.

Cơ cấu xuất khẩu sản phẩm điện tử có sự chuyển biến tích cực, tăng tỷ trọng của nhóm hàng nguyên chiếc và bán thành phẩm. Trong năm 2020, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm nguyên chiếc và bán thành phẩm, chiếm tới 52% tổng kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện và 70% đối với nhóm điện thoại các loại. Trong đó, tỷ trọng các sản phẩm máy tính bảng, linh kiện máy tính, ti vi, thiết bị máy văn phòng, điện thoại nguyên chiếc… ngày càng tăng. Nhiều mặt hàng công nghệ như ti vi, máy tính bảng, điện thoại các loại… có vị trí xếp hạng xuất khẩu cao so với khu vực và thế giới. Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, xuất khẩu gặp nhiều khó khăn, đặc biệt ở các thị trường truyền thống của Việt Nam nhưng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này vẫn có mức tăng trưởng cao.

Nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện của Việt Nam đã khai thác tốt các thị trường truyền thống và tìm kiếm, phát triển các thị trường mới. Việt Nam xuất khẩu sản phẩm máy tính, linh kiện điện tử đến trên 100 thị trường trên thế giới. Xuất khẩu nhóm hàng sản phẩm máy tính, linh kiện điện tử chủ yếu sang các thị trường Trung Quốc, Hoa Kỳ (EU), ASEAN, Nhật Bản và Hàn Quốc và đang xuất khẩu mạnh sang thị trường Liên minh châu Âu (Hà Lan, Đức, Cộng hòa Séc, Ba Lan, Phần Lan…). Đặc biệt, tập trung và tạo bước đột phá mở rộng thị trường xuất khẩu mới, có tiềm năng tại các khu vực châu Phi, Mỹ La-tinh, Trung Đông và Ấn Độ… Mức độ phân bố xuất khẩu tương đối tốt, với 9 thị trường xuất khẩu lớn gồm: Trung Quốc, Hoa Kỳ, EU, ASEAN, Nhật Bản và Hàn Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Ấn Độ chiếm 86,7% kim ngạch xuất khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện năm 2016. Năm 2020 chiếm 88,6%, giảm 0,4 điểm phần trăm so với năm 2019 do tác động của dịch Covid-19.

Triển vọng tăng trưởng

Theo Bộ Công Thương, năm 2021, ngành điện tử tiếp tục sẽ tăng trưởng mạnh mẽ do nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng phục vụ thông tin liên lạc cũng như phương tiện làm việc trong điều kiện giãn cách xã hội vì ảnh hưởng của dịch Covid-19. Ngoài ra, dịch bệnh cũng làm cho các công ty sản xuất máy tính, điện tử trên thế giới phải đóng cửa. Do đó, xuất khẩu máy vi tính, linh kiện và sản phẩm điện tử cả năm 2021 có thể đạt khoảng 50 tỷ USD, tăng 13,5% so với năm 2020.

M:.10.jpg

Trong quy hoạch công nghiệp Việt Nam giai đoạn 2016 – 2020 tầm nhìn 2030, tăng trưởng của ngành điện tử giai đoạn 2016 – 2020 đạt 17 – 18%/năm; giai đoạn đến năm 2030 đạt 19 – 21%/năm. Mục tiêu là xây dựng ngành điện tử trở thành ngành công nghiệp chủ lực và tạo cơ sở hỗ trợ cho các ngành khác phát triển. Trong giai đoạn này, ngành điện tử Việt Nam tập trung phát triển ở lĩnh vực linh kiện điện – điện tử cơ bản, các loại bản mạch in điện tử, mạch vi điện tử cho các điện thoại di động, thiết bị điện tử gia dụng, thiết bị văn phòng, máy vi tính, thiết bị ngoại vi, linh kiện, phụ tùng cho công nghiệp ô tô (thiết bị điện, chiếu sáng, điều khiển…). Giai đoạn sau năm 2020, các lĩnh vực như thiết bị tự động hóa, thiết bị y tế sẽ có nhu cầu cao về các linh kiện phụ tùng điện – điện tử sản xuất trong nước.

Các chuyên gia nhận định, làn sóng đầu tư của các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong lĩnh vực công nghệ vào Việt Nam tăng mạnh sau khi dịch bệnh được khống chế. Việc tăng vốn của các nhà đầu tư nước ngoài để mở rộng sản xuất tại Việt Nam đồng nghĩa với việc nới rộng tăng trưởng xuất khẩu của ngành điện tử trong những năm tới.

Mặc dù được đánh giá là ngành công nghiệp mũi nhọn và đạt được một số thành tựu trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, đóng vai trò lớn trong xuất khẩu, nhưng thực tế, ngành điện tử Việt Nam vẫn đang dừng ở giai đoạn đầu trong chuỗi sản xuất sản phẩm điện tử và phụ thuộc phần lớn vào các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Do đó, các doanh nghiệp trong nước cần tham gia nhiều hơn nữa trong chuỗi giá trị toàn cầu, thiết lập được hệ sinh thái công nghiệp hỗ trợ và đủ sức bắt tay với tập đoàn công nghệ quốc tế lớn.

Bên cạnh đó, Chính phủ cần có kế hoạch phát triển dài hạn, có sự quan tâm đầu tư, xem xét ưu đãi hỗ trợ đầu tư đối với các doanh nghiệp. Đồng thời, hỗ trợ cho các công đoạn nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm sản phẩm và các chương trình xúc tiến thương mại; rà soát, hoàn thiện chính sách pháp luật, đặc biệt là quy định cụ thể về hàng hóa xuất xứ Việt Nam. Đồng thời, Việt Nam cần thực hiện các giải pháp nhằm mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu. Nếu tiếp tục duy trì đà tăng với tốc độ tăng cao như hiện nay thì trong tương lai không xa, nhóm hàng điện tử, máy vi tính và linh kiện trở thành nhóm hàng có giá trị xuất khẩu dẫn đầu là hoàn toàn có thể xảy ra.

Đoàn Huệ

CHIA SẺ TIN