Xây dựng công nghiệp điện tử Việt Nam có giá trị gia tăng cao trong bối cảnh mới

Tình hình phát triển ngành công nghiệp điện tử tại Việt Nam

Công nghiệp điện tử là ngành sản xuất vật chất mang tính cơ bản của nền kinh tế quốc dân, có vị trí then chốt trong nền kinh tế hiện đại và có tác động mạnh mẽ đến các ngành công nghiệp khác. Đối với bất cứ quốc gia nào, phát triển công nghiệp điện tử cũng trở thành ưu tiên, vì nó không chỉ mang lại những giá trị lợi ích về kinh tế, mà còn mang lại vị thế, thương hiệu quốc gia trên thị trường quốc tế.

Việt Nam có vị trí địa lý thuận lợi, nằm trong khu vực có nền công nghiệp phát triển nhanh và năng động, đặc biệt là đối với ngành công nghiệp điện tử. Lợi thế của Việt Nam trong việc phát triển ngành công nghiệp điện tử là dân số trẻ, 60% trong độ tuổi lao động, có trình độ khá cao.

Nguồn lao động dồi dào của Việt Nam được đánh giá là học hỏi nhanh trong khai thác, sử dụng và lắp ráp các thiết bị điện tử, kể cả các thiết bị điện tử hiện đại. Chi phí chi trả cho nhân công lao động ở nước ta còn tương đối thấp ở Việt Nam tạo lợi thế cạnh tranh cho các doanh nghiệp (DN) chế tạo sản phẩm phụ trợ, lắp ráp hàng điện tử so với khu vực.

Việt Nam cũng là quốc gia có các tài nguyên khoáng sản quan trọng cần thiết để phát triển công nghiệp vật liệu điện tử như: quặng sắt, đất hiếm, titan, rutin, barit, ilmenit…

Quan trọng hơn Việt Nam là quốc gia có an ninh, chính trị ổn định và thành công trong cuộc chiến chống lại đại dịch Covid-19 khiến nhà đầu tư luôn cảm thấy được đảm bảo an toàn khi mở rộng đầu tư. Do vậy, ngành công nghiệp điện tử Việt Nam có nhiều tiềm năng thu hút nguồn vốn đầu tư từ các nước trên thế giới.

Trên thực tế, Chính phủ Việt Nam luôn khuyến khích và hỗ trợ các công ty nước ngoài đầu tư và hợp tác với các DN Việt Nam trong lĩnh vực công nghiệp điện tử.

Nhận thức được tầm quan trọng của việc phát triển công nghiệp điện tử trong quá trình đổi mới kinh tế, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, ngày 1/8/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1290/QĐ-TTg về kế hoạch hành động phát triển ngành công nghiệp điện tử thực hiện Chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam-Nhật Bản hướng đến năm 2020, tầm nhìn 2030 theo Quyết định số 1043/ QĐ-TTg ngày 01/7/2013 của Thủ tướng Chính phủ.

Trong đó, đã tập trung triển khai nhiều giải pháp như: Phát triển công nghiệp hỗ trợ phục vụ ngành công nghiệp điện tử; Đào tạo nguồn nhân lực ngành công nghiệp điện tử; Thu hút đầu tư các doanh nghiệp (DN) điện tử hàng đầu trên thế giới; Phát triển các sản phẩm trọng điểm trong ngành công nghiệp điện tử…

Bên cạnh đó, để tạo cơ hội cho ngành công nghiệp điện tử phát triển, Bộ Công Thương đã chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh và tìm kiếm nhà cung cấp tiềm năng, góp phần giúp DN trong nước gắn kết với các tập đoàn đa quốc gia, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Cùng với đó, các cơ quan quản lý cũng đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế nhằm thúc đẩy lĩnh vực công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp điện tử và công nghiệp hỗ trợ phát triển.

Theo số liệu của Bộ Công Thương, tốc độ tăng trưởng giá trị xuất khẩu ngành điện tử bình quân trong giai đoạn 2010-2018 của Việt Nam đạt hơn 50%, cao nhất thế giới. Việt Nam hiện là quốc gia xuất khẩu hàng điện tử lớn thứ 12 trên thế giới và đứng thứ ba trong khối ASEAN.

Kim ngạch xuất khẩu nhóm ngành thiết bị truyền thông tăng bình quân 62%; nhóm ngành linh kiện điện tử và nhóm ngành máy vi tính, thiết bị ngoại vi tăng bình quân lần lượt 42% và 19%; nhóm ngành thiết bị điện tử khác và nhóm ngành điện tử dân dụng tăng bình quân lần lượt là 39% và 35%.

Thực tế cũng thấy, Việt Nam là nơi đặt nhà máy của một số hãng công nghệ lớn như Samsung, LG, Canon, Intel… với số vốn lên đến hàng tỷ USD. Ngoài Samsung và LG, đã có các tổ hợp công nghệ cao hàng tỷ USD ở Bắc Ninh, Thái Nguyên, TP. Hồ Chí Minh và Hải Phòng; Sony, Lenovo đều đã có nhà máy ở Việt Nam. Một loạt đối tác sản xuất lớn của Apple, như Wistron, Pegatron, Luxshare, Foxconn… đều đang gia tăng sản xuất các thiết bị, linh phụ kiện tại Việt Nam.

Như vậy, đến nay, hầu hết các tên tuổi lớn trên thị trường thiết bị di động, điện tử toàn cầu đều đã, đang hoặc có kế hoạch thiết lập nhà máy ở Việt Nam. Sự có mặt của các “ông lớn” công nghệ đã góp phần quan trọng thúc đẩy công nghiệp điện tử Việt Nam phát triển, trước tiên trên khía cạnh đóng góp cho xuất khẩu.

CHIA SẺ TIN