Công nghiệp điện tử đã có những bước tiến vượt bậc

Theo báo cáo của Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương, ngành điện tử Việt Nam tuy còn non trẻ nhưng những năm qua đã có những bước tiến vượt bậc, đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận.

Công nghiệp điện tử đã có những bước tiến vượt bậc - Ảnh 1.

Năm 2021, kim ngạch xuất khẩu của mặt hàng máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện ước đạt trị giá 51 tỷ USD

Các doanh nghiệp điện tử hoạt động tại Việt Nam (bao gồm cả doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI) hiện đã sản xuất được hầu hết các sản phẩm điện tử thiết yếu như điều hòa nhiệt độ, tivi, máy giặt, điện thoại, máy in… Các sản phẩm điện tử sản xuất trong nước đa dạng về chủng loại, màu sắc, mẫu mã, có chất lượng tốt, đáp ứng được phần lớn nhu cầu trong nước và đã xuất khẩu đi một số quốc gia trên thế giới.

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và các quy định về giãn cách xã hội tại nhiều quốc gia đã khiến nhu cầu sử dụng các phương tiện thông tin liên lạc, phương tiện làm việc online, trực tuyến của người tiêu dùng tại nhiều quốc gia tăng mạnh, cùng với đó là sự dịch chuyển chuỗi giá trị của một số hãng điện tử lớn trên thế giới. Trong giai đoạn cuối năm 2020 và nửa đầu năm 2021, các doanh nghiệp điện tử trong nước cũng đã tiếp cận được nhiều đơn hàng mới. Ước tính năm 2021, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng điện thoại và linh kiện đạt 57,5 tỷ USD, tăng 12,4% so với cùng kỳ năm 2020; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện điện tử đạt 51 tỷ USD, tương ứng tăng 14,4% so với cùng kỳ năm 2020.

Thời gian qua sản xuất kinh doanh các sản phẩm điện tử nhìn chung tăng trưởng khá cao. Năm 2021, mặc dù gặp nhiều khó khăn trong việc nhập khẩu linh phụ kiện từ Trung Quốc trong thời gian đầu năm, tuy nhiên, nhờ cân đối hợp lý hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, và địa phương trên cả nước thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, ngành điện tử vẫn tăng trưởng khá cả về chỉ số sản xuất công nghiệp lẫn kim ngạch xuất khẩu. Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp của ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tính chung năm 2021 tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng điện thoại di động năm 2021 đạt 233,7 triệu chiếc, tăng 7,6%; sản lượng ti vi đạt 11165,7 nghìn chiếc, giảm 38,6%; sản lượng linh kiện điện thoại ước đạt 480,8 nghìn tỷ đồng, tăng 29,5% so với cùng kỳ năm 2020.

Đáng chú ý, năm 2021, kim ngạch xuất khẩu của mặt hàng máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện ước đạt trị giá 51 tỷ USD, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm 2020. Riêng đối với xuất khẩu điện thoại các loại và linh kiện đạt 57,54 tỷ USD, tăng 12,4% so với năm 2020; trong đó, xuất khẩu điện thoại và linh kiện sang thị trường Trung Quốc đạt 15,18 tỷ USD, tăng 23%; sang thị trường Mỹ đạt trị giá 9,69 tỷ USD, tăng 10,3%; sang EU (27 nước) đạt 7,89 tỷ USD, giảm 9,1% so với năm trước.

Cần những bước đột phá để phát triển

Mặc dù đạt được những kết quả đáng khích lệ, giới chuyên gia nhìn nhận, năng lực các doanh nghiệp nội địa trong ngành còn nhiều hạn chế, chất lượng, mẫu mã sản phẩm chưa đáp ứng được yêu cầu cao của thị trường. Trong khi đó, các doanh nghiệp điện tử nội địa có tiếng trước đây đang phát triển chậm lại hoặc mất dần thương hiệu và chiếm thị phần nhỏ. Mặc dù có một số nhãn hiệu điện tử trong nước mới nổi, tuy nhiên thị trường điện – điện tử dân dụng trong nước chủ yếu do các thương hiệu nước ngoài chiếm lĩnh.

Tỉ lệ nội địa hóa ngành điện tử hiện nay rất thấp, chỉ khoảng 5-10%. Các sản phẩm điện tử trên thị trường Việt Nam đa số là hàng nhập khẩu nguyên chiếc hoặc lắp ráp trong nước bằng phần lớn các linh kiện nhập khẩu. Các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ngành điện tử trong nước đã có tham gia vào chuỗi giá trị của ngành, tuy nhiên, đa số mới cung cấp các sản phẩm đơn giản có giá trị, hàm lượng công nghệ thấp.

Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên chủ yếu là do năng lực các doanh nghiệp nội địa trong ngành còn nhiều hạn chế, chất lượng sản phẩm chưa đáp ứng được yêu cầu cao của thị trường cũng như của các doanh nghiệp FDI. Sự liên kết giữa các DN cung ứng trong nước với các doanh nghiệp FDI và các tập đoàn đa quốc gia còn mờ nhạt.

Thời gian qua, Bộ Công Thương đã triển khai nhiều chương trình, dự án hợp tác quốc tế, các doanh nghiệp FDI đã có những chính sách nhất định nhằm hỗ trợ các nhà cung ứng nội địa và bản thân các doanh nghiệp trong nước cũng rất nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm và khả năng cạnh tranh để gia nhập vào chuỗi cung ứng của các FDI.

Để có thể tận dụng cơ hội và thực thi hiệu quả EVFTA, các doanh nghiệp ngành điện tử cần nâng cao năng lực để có thể tham gia chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp đầu chuỗi đang hoạt động tại Việt Nam và tăng cường tham gia các hoạt động, sự kiện kết nối kinh doanh để có thể tận dụng được những cơ hội kết nối với doanh nghiệp điện tử EU.

Ngoài ra, để chủ động và phát triển nhanh, bền vững cho ngành công nghiệp điện tử hiện nay, giới chuyên gia cho rằng cần xây dựng các biện pháp bảo vệ thị trường điện – điện tử tiêu dùng (như thuế phòng vệ, hàng rào kỹ thuật, chống gian lận thương mại, hàng giả và hàng nhập lậu…). Đồng thời tập trung hỗ trợ một số doanh nghiệp triển vọng của Việt Nam trong lĩnh vực điện tử nhằm tạo cơ hội cho các doanh nghiệp này phát triển, đóng vai trò dẫn dắt thị trường điện tử trong nước, đặc biệt là các sản phẩm điện – điện tử gia dụng.

AH

CHIA SẺ TIN