Ngành công nghiệp trong nước đang bước vào giai đoạn phục hồi sau dịch COVID-19 nhưng gặp phải nhiều trở ngại do tình trạng thiếu hụt nguyên liệu vẫn đang diễn ra, đặc biệt là ngành sản xuất linh kiện điện tử.
Ngành công nghiệp trong nước đang phục hồi sau dịch COVID-19, nhưng gặp nhiều trở ngại do tình trạng thiếu hụt nguyên liệu trầm trọng. Ảnh: CN
Thiếu nguyên liệu trầm trọng
Bà Đỗ Thị Thúy Hương – Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam – cho biết, tình trạng thiếu hụt linh kiện điện tử, nguyên vật liệu, chất bán dẫn đã xảy ra từ đầu năm 2020 khi đại dịch COVID-19 xuất hiện.
Bà Đỗ Thị Thúy Hương chia sẻ: “Trong thời gian qua, các doanh nghiệp điện tử Việt Nam đã chịu tác động lớn do cầu sụt giảm. Những tập đoàn điện tử đa quốc gia không còn đẩy mạnh phát triển dòng sản phẩm cao cấp, thay vào đó duy trì sản xuất sản phẩm ở phân khúc trung bình. Dẫn tới doanh nghiệp điện tử Việt Nam bị ảnh hưởng lớn về doanh thu và lợi nhuận. Đến nay, nhu cầu đã dần phục hồi, đơn hàng dự kiến tăng mạnh vào cuối năm nay nhưng nguy cơ thiếu nguyên liệu lại đang hiện hữu”.
Nói về nguyên nhân các sản phẩm điện tử, laptop gần đây đã tăng giá 5 – 10%, đại diện Công ty CP Thương mại Tổng hợp và Xuất nhập khẩu TVH cho biết, do nguồn cung linh kiện không đủ, đặc biệt việc thiếu hụt chip, nhất là thiếu bộ vi xử lý hình ảnh, đồ họa GPU đã “vô hình” khiến chi phí đầu vào của thiết bị đội lên cao. Kéo theo các sản phẩm máy tính trên thị trường vừa khan hiếm, vừa buộc phải tăng giá.
“Hiện ngành dệt may cũng đang phụ thuộc khoảng 55% nguyên liệu từ thị trường Trung Quốc. Theo đó, hàng loạt doanh nghiệp đang thiếu hụt nguyên phụ liệu, đã phải chuyển sang phương thức giao thương bằng đường biển thay vì đường bộ.
Ngành dệt may đang yếu thế về dệt, nhuộm nên doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ cần sớm ban hành Chiến lược phát triển ngành dệt may từ năm 2021 – 2030, tầm nhìn từ 2030 – 2045, kịp thời quy hoạch ngành trên quy mô toàn quốc để tháo nút thắt về nguồn cung nguyên vật liệu” – ông Trương Văn Cẩm (Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam) ý kiến.
Gỡ nút thắt, chủ động nguồn cung
Bộ Công Thương cũng đưa ra số liệu, sản xuất công nghiệp trong quý II/2022 đã tăng trưởng khá do hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp được duy trì và đang dần phục hồi, tốc độ, giá trị tăng thêm ước đạt 9,87% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 6 tháng năm 2022, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp đã tăng 8,48% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,66%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 6,1%; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 6,51%; ngành khai khoáng tăng 2,28%.
Tuy nhiên, sản xuất công nghiệp cũng đang phải đối mặt với tình trạng giá nhiên vật liệu trên thế giới tăng, tạo áp lực rất lớn đến chi phí sản xuất của các doanh nghiệp. Ngoài ra, việc Trung Quốc tiếp tục theo đuổi chiến lược “Zero COVID”, kiểm soát dịch bệnh nghiêm ngặt cũng đã dẫn đến việc các chuỗi cung ứng nguyên vật liệu bị gián đoạn.
Trước tình trạng này, đại diện lãnh đạo Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho rằng, các doanh nghiệp cần có giải pháp lâu dài để phát triển một số ngành công nghiệp vật liệu cơ bản quan trọng để khắc phục sự phụ thuộc vào nguồn nguyên vật liệu, linh phụ kiện đầu vào nhập khẩu. Trong đó, tập trung vào việc hỗ trợ nâng cao năng lực các doanh nghiệp thông qua các giải pháp hỗ trợ về tín dụng, nguồn nhân lực, đổi mới sáng tạo và phát triển thị trường cũng như các ưu đãi về thuế và đất đai…
“Việt Nam cần những doanh nghiệp quy mô tầm trung tham gia vào hoạt động sản xuất các nguyên vật liệu, để gia tăng sức cạnh tranh cho các ngành công nghiệp mũi nhọn, thay vì phụ thuộc nhập khẩu từ Trung Quốc, Hàn Quốc. Bài học thành công từ phát triển công nghiệp như của Hàn Quốc là do họ học hỏi các nước đi trước, sau đó vận dụng để phát triển doanh nghiệp công nghiệp của mình” – chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận định.