Làn sóng thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong thời gian qua đã kéo theo sự phát triển của ngành công nghiệp phụ trợ.
Đáng chú ý, với xu hướng hội nhập ngày càng sâu rộng, nhiều doanh nghiệp trong nước đã mạnh dạn đầu tư công nghệ máy móc thiết bị và nguồn nhân lực để có thể tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng của các tập đoàn đa quốc gia đang hiện diện tại Việt Nam.
Tuy vậy, với số lượng đông đảo các doanh nghiệp vừa và nhỏ mà phần lớn trong số ấy còn thiếu và yếu cả về vốn, nguồn nhân lực lẫn quy trình quản lý, do vậy để đạt được những đột phá trong lĩnh vực này thì rất cần vai trò dẫn dắt của các doanh nghiệp “đầu tàu” nhằm kết nối cũng như tạo động lực lớn hơn trong chuỗi liên kết.
Và, những dự án ‘tỷ đô’ của Samsung Việt Nam là một trong những ví dụ điển hình về việc đồng hành cùng doanh nghiệp phụ trợ phát triển.
TỶ LỆ NỘI ĐỊA HÓA NHIỀU LĨNH VỰC CÒN THẤP
Theo Bộ Công Thương, năm 2018, số doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ là khoảng 2.000 doanh nghiệp sản xuất phụ tùng, linh kiện và trên 1.500 doanh nghiệp sản xuất vật liệu cho ngành dệt may, da giày, chiếm gần 4,5% tổng số doanh nghiệp của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.
Các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ đã tạo việc làm cho hơn 600.000 lao động, tương đương với 8% lao động toàn ngành chế biến, chế tạo với doanh thu thuần sản xuất kinh doanh trong năm 2018 ước đạt trên 900.000 tỷ đồng, đóng góp khoảng 11% tổng doanh thu toàn ngành chế biến, chế tạo.
Đáng chú ý, một số doanh nghiệp sản xuất linh kiện Việt Nam có năng lực khá tốt tại một số lĩnh vực như sản xuất khuôn mẫu các loại, linh kiện xe đạp, xe máy, linh kiện cơ khí tiêu chuẩn; dây cáp điện; linh kiện nhựa – cao su kỹ thuật hay săm lốp các loại.
Các sản phẩm này đã đáp ứng khá tốt nhu cầu trong nước và được xuất khẩu sang nhiều quốc gia trên thế giới. Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước cũng ngày càng tích cực áp dụng các tiêu chuẩn, công cụ quản lý hiện đại vào sản xuất, chế tạo.
Bên cạnh đó, năng lực sản xuất sản phẩm Công nghiệp hỗ trợ trong nước dần được cải thiện. Cụ thể, vào thời điểm tháng 11/2018, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm Công nghiệp hỗ trợ, bao gồm linh kiện ôtô, phụ tùng điện tử, nguyên vật liệu dệt may da giày đạt 35 tỷ USD, tăng trưởng 16% so với cùng kỳ.
Riêng trong năm 2018, một trong những sự kiện rất được chú ý là việc một doanh nghiệp lớn hàng đầu Việt Nam triển khai dự án sản xuất ôtô với những bước đi rất nhanh nhưng không kém phần bài bản.
Tuy nhiên, nhìn chung, ngành Công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam vẫn chưa đáp ứng yêu cầu thực tế.
Đánh giá của Bộ Công Thương cho thấy, quy mô và năng lực của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam hiện nay còn nhiều hạn chế, số lượng ít, năng lực sản xuất còn rất thấp, thiếu nguồn lực và công nghệ để nâng cao năng suất, nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu.
Các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trong nước chủ yếu vẫn là linh kiện và chi tiết đơn giản, với hàm lượng công nghệ trung bình và thấp, có giá trị nhỏ trong cơ cấu giá trị sản phẩm.
Trong khi đó, khoảng cách giữa yêu cầu của các Tập đoàn đa quốc gia và năng lực đáp ứng của các doanh nghiệp sản xuất nội địa còn rất lớn. Một số doanh nghiệp Việt Nam đã tham gia cung ứng sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, song rất ít doanh nghiệp có chiến lược phát triển dài hạn để có thể đầu tư chiều sâu về thiết bị, công nghệ, quản lý, cũng như nhân lực.
Đơn cử như lĩnh vực ôtô, tỷ lệ nội địa hóa đối với xe cá nhân đến 9 chỗ ngồi đạt thấp, đạt bình quân khoảng 7 – 10%, trong khi hơn 80% linh kiện, phụ tùng ôtô lắp ráp hiện nay vẫn do các công ty mẹ hoặc từ công ty xuyên quốc gia ở nước ngoài cung cấp và để làm một chiếc ôtô phải cần từ 30.000-40.000 linh kiện.
Còn đối với ngành điện tử, tỷ lệ nội địa hóa các ngành điện tử gia dụng khoảng từ 30 – 40% nhu cầu linh kiện và điện tử phục vụ các ngành ôtô – xe máy khoảng trên 40%, chủ yếu cho sản xuất xe máy.
Ông Lê Dương Quang, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đánh giá, các doanh nghiệp Công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam hiện đang gặp các rào cản chính về tiếp cận vốn, đổi mới công nghệ và vấn đề về đầu ra của sản phẩm. Ngoài ra, một điểm yếu cố hữu của doanh nghiệp Công nghiệp hỗ trợ hiện nay đó là rời rạc, không có tính liên kết.
“Các doanh nghiệp ngoài việc phải chủ động tiếp cận với các chính sách hỗ trợ thì tự thân doanh nghiệp phải chủ động mở rộng hợp tác, kết nối, phối hợp với nhau để cùng phát triển,” ông Quang nói.
Tại hội nghị về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ Việt Nam tổ chức tháng 12/2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, chúng ta cần học hỏi ý chí lớn của người Nhật Bản, Hàn Quốc trong phát triển công nghiệp hỗ trợ để đến năm 2030 có khoảng 2.000 doanh nghiệp đủ năng lực cung ứng cho các doanh nghiệp lắp ráp và tập đoàn đa quốc gia trên lãnh thổ Việt Nam.
“Thế giới đang thay đổi hàng ngày, hàng giờ về cách thức sản xuất, xây dựng thương hiệu sản phẩm sản xuất ra. Không còn tình trạng chỉ một doanh nghiệp sản xuất khép kín ra một sản phẩm, mà một sản phẩm được sản xuất ra do nhiều doanh nghiệp tham gia dựa vào thế mạnh của từng doanh nghiệp để nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, của quốc gia…,” Thủ tướng nêu thực trạng đồng thời lưu ý việc chú trọng phát triển các doanh nghiệp đầu tàu, doanh nghiệp dẫn dắt cho các doanh nghiệp hỗ trợ.
SỰ THAY ĐỔI VỀ CHẤT
Hiện nay công nghiệp hỗ trợ là lĩnh vực được Chính phủ Việt Nam chú trọng, ưu tiên phát triển. Năm 2011, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 12/2011/QĐ-TTg về chính sách phát triển một số ngành công nghiệp hỗ trợ và Quyết định số 1483/QĐ-TTg ngày 26/8/2011 ban hành Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển.
Ngoài ra, Luật đầu tư 2014 và Nghị định số 118/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Luật đầu tư. Theo đó sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ là lĩnh vực được đặc biệt ưu đãi đầu tư tại Việt Nam. Năm 2017 Chính phủ ban hành Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ giai đoạn đến năm 2025 nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực này.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc phát triển công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam cần rất nhiều nguồn lực đầu tư và sự hỗ trợ của Nhà nước, đặc biệt là sự quyết tâm của các doanh nghiệp trong chiến lược phát triển sản xuất kinh doanh của mình.
Là một nhà cung ứng cấp 2 về linh kiện nhựa điện thoại cho Samsung (Tập đoàn sản xuất điện thoại di động hàng đầu thế giới đang đầu tư tại Việt Nam), ông Mẫn Chí Trung, Tổng giám đốc An Trung Industries chia sẻ, để trở thành nhà cung cấp cho bất kỳ một khách hàng nào cũng là một điều rất khó khăn nhưng cho Samsung còn khó khăn hơn gấp bội, vì đây là một tập đoàn số 1 thế giới về sản xuất điện thoại, họ yêu cầu cực kỳ cao về chất lượng sản phẩm.
Do vậy, để tham gia được chuỗi cung ứng, từ công ty mẹ là Tập đoàn An Phát Holdings (APH) đang sở hữu An Trung Industries đã phải dốc sức phấn đấu đến… 200% sức lực để có thể đáp ứng tất cả những yêu cầu ấy.
Theo hợp đồng ký kết, An Trung Industries sẽ chính thức cung ứng linh kiện cho Elentec bắt đầu tháng 3/2019. Các linh kiện này sẽ được sử dụng trực tiếp cho công đoạn sản xuất điện thoại của Samsung, góp phần đưa sản phẩm “Made in Vietnam” chất lượng đến với khách hàng trên toàn thế giới.
Để làm được việc này, bên cạnh việc đầu tư cho công nghệ, An Trung Industries cũng nhận được sự hỗ trợ trực tiếp của các chuyên gia kỹ thuật đến từ Hàn Quốc nhằm giám sát và chia sẻ các kinh nghiệm trong việc cung ứng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu do đối tác đưa ra cũng như học hỏi và hoàn thiện quy trình sản xuất, quy trình quản lý của doanh nghiệp theo chuẩn quốc tế.
“Tiêu chí tuyển chọn nhà cung cấp của Elentec và Samsung đưa ra là, Chất lượng – Giá cả – Thời gian. Đây là ba yêu cầu tối quan trọng, đáp ứng đủ 3 yêu cầu này sẽ giải quyết được bài toán cung ứng cho Samsung”, ông Mẫn Trí Trung nói thêm.
Số liệu công bố mới đây cho thấy, tỷ lệ nội địa hóa của Samsung tại Việt Nam là 59% . Trong đó, con số các doanh nghiệp Việt Nam là nhà cung ứng cấp 1 đã tăng lên mạnh mẽ từ 4 doanh nghiệp vào năm 2014 lên 35 doanh nghiệp tính đến cuối năm 2018 và dự kiến sẽ có 50 doanh nghiệp vào năm 2020.
Ngoài ra, số lượng nhà cung ứng cấp 2 cũng tăng từ 157 doanh nghiệp năm 2018 lên 172 doanh nghiệp trong năm 2019.
Tuy vậy, để có thể trở thành nhà cung ứng của Samsung, tất cả các doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp nước ngoài và doanh nghiệp Việt Nam đều phải chủ động chứng minh năng lực và quyết tâm lớn để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của Samsung.
Phía Samsung cam kết tạo cơ hội ngang bằng, không có sự khác biệt cho các doanh nghiệp nước ngoài và Việt Nam khi tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, đồng thời luôn nỗ lực để giúp các doanh nghiệp Việt Nam phát huy tiềm năng thông qua chương trình đào tạo 200 chuyên gia tư vấn người Việt Nam.
Ông Ngô Khải Hoàn, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết, dự án hợp tác đào tạo 200 chuyên gia tư vấn người Việt Nam trong 2 năm 2018-2019 giữa Bộ Công Thương với Samsung về công nghiệp hỗ trợ là nhân tố quan trọng để nâng cao cải tiến cho doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.
Sau chương trình này, nhiều doanh nghiệp đã thu được nhiều kết quả tích cực, giúp tăng được năng suất, tiết kiệm hàng tỷ đồng.
Tiêu biểu như Công ty Cổ phần nhựa Rạng Đông, Long An với 62 đề tài cải tiến, đặc biệt đã giảm được thời gian thay vân máy cán từ 105 phút xuống còn 48 phút; giảm di chuyển công đoạn đóng gói khâu cắt kiểm từ 165 m/ca xuống còn 50 m/ca.
Hay như Công ty Cổ phần SAMETEL thực hiện 86 đề tài cải tiến, qua đó giúp tăng năng suất sản xuất từ 62% lên 95%, giảm các thao tác lãng phí nhờ bố trí lại vị trí vật tư, trung bình từ 42 giây/sản phẩm xuống còn 13,5 giây/sản phẩm.
Ông Lê Hồng Sinh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần sản xuất lọc khí Việt, một trong những doanh nghiệp tham gia chương trình đào tạo tư vấn viên Việt Nam chia sẻ: Công ty chúng tôi đã tìm kiếm nhiều giải pháp nâng cao năng suất, cải tiến chất lượng nhưng chưa có kinh nghiệm nên chưa thực hiện được.
“Sau khi được nhóm tư vấn cải tiến hướng dẫn và chỉ ra những hạn chế của mình, công ty đã triển khai nhiều hoạt động cải tiến giúp nâng cao năng suất lao động, giảm tồn kho, cải thiện môi trường lao động”, ông Sinh nói.
Nói về dự án hợp tác này, theo ông Choi Joo Ho, Tổng Giám đốc Samsung Việt Nam, những thành công của chương trình đào tạo chuyên gia tư vấn từ năm 2018 chính là sự ghi nhận quý báu cho những nỗ lực của Samsung trong hành trình chung tay cùng Chính phủ Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
“Đây cũng là động lực để chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh và có những điều chỉnh phù hợp mang lại hiệu quả cao hơn trong Chương trình năm 2019. Samsung Việt Nam luôn cam kết đóng vai trò là một trong những “đầu tàu” để phát triển công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam,” Tổng Giám đốc Samsung Việt Nam chia sẻ thêm.
Sau các khóa đào tạo tại Việt Nam, 30% học viên xuất sắc nhất sẽ tiếp tục được Samsung cử sang Hàn Quốc để tham gia khóa học chuyên sâu.
Trải nghiệm từ thực tế của khóa học, chị Nguyễn Thị Xuân Hòa (giảng viên Đại học), một trong những học viên vừa hoàn thành khóa đào tạo chuyên sâu tại Hàn Quốc bày tỏ, đây là một chương trình hết sức bài bản, có quy mô và những nội dung đào tạo cũng như thực hành trong khóa đào tạo này thực sự có ý nghĩa cho các tư vấn viên Việt Nam và cho các doanh nghiệp Việt Nam.
“Qua khóa đào tạo của các chuyên gia Samsung các học viên được tư duy về định lượng trong sản xuất, các phương pháp tối ưu trong các bài toán về quản lý chất lượng, quản lý chi phí chất lượng một cách hệ thống, quản lý thông tin trong sản xuất và cải tiến không ngừng nghỉ trong các doanh nghiệp Hàn Quốc để từ đó có thể áp dụng vào thực tiễn công việc một cách tốt nhất…,” chị Hòa nói.
Chương trình đào tạo 200 chuyên gia Việt Nam về công nghiệp phụ trợ đã kết thúc vào tháng 10 vừa qua. Tuy nhiên, ngay khi chương trình này đi được ¾ chặng đường, Bộ Công thương đã lên kế hoạch sử dụng nguồn nhân lực sau đào tạo một cách hiệu quả, cụ thể, từ tháng 7/2019 đến tháng 11/2019, 52 doanh nghiệp Việt Nam sẽ được lên danh sách để tham gia chương trình tư vấn cải tiến doanh nghiệp với những chuyên gia Việt Nam vừa hoàn thành khóa đào tạo. Bên cạnh đó, Samsung cũng sẽ tiếp tục cử chuyên gia Hàn Quốc và phiên dịch để đồng hành với Bộ Công thương trong kế hoạch hành động này.
Kể từ khi đầu tư tại Việt Nam, các nhà máy của Samsung không ngừng phát triển, đóng góp lớn vào ngân sách nhà nước, tạo nhiều việc làm cho các lao động tại địa phương và các tỉnh lân cận, đặc biệt là kim ngạch xuất khẩu của Samsung đã đóng góp tỷ trọng rất lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng năm của Việt Nam.