Theo chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam, giai đoạn 2026-2035 đáp ứng trên 65% nhu cầu về linh kiện, phụ tùng cho sản xuất lắp ráp ôtô trong nước; đồng thời phấn đấu đến năm 2035, tổng lượng xe xuất khẩu đạt khoảng 90.000 chiếc.
Ngày 16/7/2014, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1168/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 (Chiến lược) (có hiệu lực kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 175/2002/QĐ-TTg ngày 03/12/2002 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ôtô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020).
Theo Chiến lược, các nhóm sản phẩm ưu tiên gồm xe tải và xe khách từ 10 chỗ trở lên; xe chở người đến 9 chỗ; xe chuyên dụng và công nghiệp hỗ trợ.
Cụ thể, xe tải và xe khách từ 10 chỗ trở lên sẽ chú trọng phát triển dòng xe tải nhỏ đa dụng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, nông thôn và các loại xe khách tầm trung và tầm ngắn chạy liên tỉnh, huyện, nội đô… phù hợp với điều kiện địa hình, hạ tầng giao thông trong nước với giá thành hợp lý, an toàn và tiện dụng.
Xe Bus Thaco có tỷ lệ nội địa hoá cao (ảnh: Băng Dương)
Xe chở người đến 9 chỗ sẽ tập trung vào dòng xe cá nhân kích thước nhỏ, tiêu thụ ít năng lượng phù hợp với hạ tầng giao thông và thu nhập của người dân.
Xe chuyên dụng sẽ lựa chọn sản xuất, lắp ráp một số chủng loại xe có nhu cầu lớn (xe chở beton, xe xitec, xe phục vụ an ninh, quốc phòng …); khuyến khích sản xuất xe nông dụng nhỏ đa chức năng (kết hợp vận tải hàng hóa với một hay nhiều tính năng như làm đất, bơm nước, phát điện, phun thuốc sâu…) để đáp ứng nhu cầu của đồng bào vùng nông thôn và miền núi.
Về công nghiệp hỗ trợ: Chiến lược xác định sẽ tiếp cận và ứng dụng công nghệ để chế tạo được các chi tiết, linh kiện quan trọng như bộ truyền động, hộp số, động cơ, thân vỏ xe… cho một vài chủng loại xe; tăng cường hợp tác với các hãng ôtô lớn để lựa chọn chủng loại phụ tùng, linh kiện mà Việt Nam có thể sản xuất để đảm nhận vai trò mắt xích trong chuỗi sản xuất-cung ứng toàn cầu, trên cơ sở đó đầu tư công nghệ tiên tiến, sản xuất phục vụ xuất khẩu.
Mục tiêu tổng quát của Chiến lược là xây dựng ngành công nghiệp ôtô Việt Nam trở thành ngành công nghiệp quan trọng, đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa về các loại xe có lợi thế cạnh tranh, tham gia xuất khẩu, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp khác và nâng cao năng lực cạnh tranh để trở thành nhà cung cấp linh kiện, phụ tùng trong chuỗi sản xuất công nghiệp ôtô thế giới.
Mục tiêu của Chiến lược là giai đoạn đến năm 2020, cơ bản hình thành ngành công nghiệp hỗ trợ cho sản xuất ôtô; phấn đấu đáp ứng khoảng 35% (tính theo giá trị) nhu cầu về linh kiện, phụ tùng cho sản xuất lắp ráp ôtô trong nước. Giai đoạn 2026-2035 đáp ứng trên 65% nhu cầu về linh kiện, phụ tùng cho sản xuất lắp ráp ôtô trong nước. Chiến lược phấn đấu năm 2035, tổng lượng xe xuất khẩu đạt khoảng 90.000 chiếc.
Để đạt được các mục tiêu trên, Chiến lược đã đưa ra các định hướng xác định và thiết lập đối tác chiến lược, khuyến khích đầu tư các dự án đủ lớn để tạo dựng thị trường cho công nghiệp hỗ trợ. Khuyến khích sản xuất dòng xe thân thiện môi trường (xe tiết kiệm nhiên liệu, xe hybrid, xe sử dụng nhiên liệu sinh học, xe chạy điện…); tập trung đầu tư cải tiến, nâng cấp công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm bảo đảm hợp chuẩn quốc tế; hình thành một số trung tâm/cụm liên kết công nghiệp ôtô tập trung trên cơ sở tổ chức, sắp xếp lại sản xuất; đẩy mạnh hợp tác-liên kết giữa các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, các cơ sở nghiên cứu-triển khai và các cơ sở đào tạo thuộc mọi thành phần kinh tế để nâng cao hiệu quả đầu tư và tăng cường khả năng chuyên môn hóa…
Ngày 24/07/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1211/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030(có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 177/2004/QĐ-TTg ngày 05 tháng 10 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020) với mục tiêu phát triển ngành này trở thành ngành công nghiệp quan trọng, đáp ứng tối đa nhu cầu thị trường nội địa về các loại xe tải, xe khách thông dụng; phấn đấu trở thành nhà cung cấp linh kiện, phụ tùng trong chuỗi sản xuất công nghiệp ô tô thế giới.
Cụ thể, dự kiến đến năm 2020, tỷ trọng số lượng xe ô tô đến 9 chỗ, từ 10 chỗ trở lên, ô tô tải, xe chuyên dùng được sản xuất lắp ráp trong nước lần lượt đạt 60%; 90%; 75% và 15% so với nhu cầu nội địa; tổng lượng xe xuất khẩu là 20.000 chiếc, trong đó ô tô đến 9 chỗ và trên 9 chỗ đều đạt 5000 chiếc, ô tô tải đạt 10.000 chiếc; xuất khẩu linh kiện, phụ tùng đạt 4 tỷ USD…
Để đạt được mục tiêu trên, Thủ tướng Chính phủ chủ trương đề ra nhiều giải pháp quan trọng về cơ chế chính sách, trong đó có: Áp dụng thuế suất nhập khẩu ở mức trần các cam kết thuế quan mà Việt Nam đã tham gia đối với các loại phụ tùng, linh kiện khuyến khích đầu tư sản xuất; dự án sản xuất xe thân thiện môi trường (xe tiết kiệm nhiên liệu, xe hybrid, xe chạy điện…) được áp dụng chính sách ưu đãi cao nhất hiện hành; dự án sản xuất linh kiện, phụ tùng ô tô được vay vốn tín dụng đầu tư phát triển với lãi suất thấp nhất theo từng thời kỳ. Đặc biệt, các loại xe khách tầm trung và tắm ngắn chạy liên tỉnh, liên huyện, nội đô… từ 16 chỗ đến dưới 24 chỗ và các loại xe vừa chở người, vừa chở hàng hóa phục vụ nông nghiệp, nông thôn được áp dụng mức thuế tiêu thụ đặc biệt ở mức thấp nhất; trái lại, các loại xe chở người đến 9 chỗ, có dung tích động cơ trên 3.0 lít phải áp dụng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt và phí bảo vệ môi trường ở mức cao…
Ngoài ra, tại Quyết định này, một lần nữa Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh yêu cầu thực hiện nhất quán hệ thống chính sách về phát triển ô tô trong thời gian tối thiểu 10 năm, nhằm tạo sự sự tin tưởng đối với nhà đầu tư, nhà sản xuất…
Hệ thống tại nhà máy của Thaco (ảnh: Băng Dương)
Để triển khai thực hiện Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 và Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 229/QĐ-TTg ngày 04/02/2016 quy định về cơ chế, chính sách thực hiện chiến lược và quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam. Cụ thể, doanh nghiệp đầu tư sản xuất các dòng xe ưu tiên có quy mô công suất trên 50.000 xe/năm và dự án sản xuất các bộ phận động cơ, hộp số, cụm truyền động sẽ được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp; trong đó, mức ưu đãi đối với từng dự án đầu tư cụ thể sẽ do Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Cũng tại Quyết định, Thủ tướng khẳng định sẽ áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước đối với hoạt động mua sắm sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước, nguồn vốn tín dụng đầu tư phát triển và các dự án kinh doanh được Nhà nước hỗ trợ chi phí hoạt động khi có sử dụng các chủng loại xe ưu tiên trong nước đã sản xuất được. Trường hợp mua sắm các chủng loại xe ưu tiên mà trong nước đã sản xuất được bằng hình thức đấu thầu quốc tế hoặc nhập khẩu nguyên chiếc thì chi phí mua sắm không được tính là chi phí hợp lệ và chi phí hoạt động không được Nhà nước hỗ trợ bằng nguồn ngân sách.
Bên cạnh đó, sẽ giảm mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt với dòng xe ô tô ưu tiên tiêu dùng (có dung tích xi lanh nhỏ, sử dụng ít nhiên liệu, có kích thước nhỏ phù hợp với điều kiện hạ tầng giao thông, phù hợp với thu nhập của người dân); áp dụng mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt cao và đặc biệt cao đối với xe có dung tích xi lanh trên 3.000cm3 tiêu hao nhiều nhiên liệu, kích thước lớn chưa phù hợp với điều kiện hạ tầng giao thông, phù hợp với thu nhập của người dân, lượng khí thải ra môi trường lớn và các chủng loại xe đến 09 chỗ ngồi có giá trị tuyệt đối lớn; nghiên cứu ban hành phí môi trường theo hướng nâng cao đối với xe có dung tích xi lanh trên 3.000cm3…
Ngày 17/10/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 116/2017/NĐ-CP quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô với quan điểm:
Công nghiệp ô tô là ngành tạo động lực quan trọng thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa, cần được khuyến khích phát triển bằng những chính sách ổn định, nhất quán và dài hạn; Phát triển ngành công nghiệp ôtô trên cơ sở phát huy tiềm năng của doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế nhằm đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu; Phát triển công nghiệp ôtô trên cơ sở bình đẳng giữa sản xuất trong nước và các doanh nghiệp nhập khẩu ôtô; Đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng và an toàn môi trường; Phù hợp với các cam kết quốc của Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế.
Theo Nghị định số 116/2017/NĐ-CP, các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô đang hoạt động được tiếp tục hoạt động trong thời hạn 18 tháng kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực. Sau thời hạn trên, các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện quy định tại Nghị định này. Các doanh nghiệp chỉ được nhập khẩu khi có giấy phép, doanh nghiệp phải có giấy ủy quyền triệu hồi từ nhà sản xuất nước ngoài, có giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại từ nơi sản xuất, doanh nghiệp phải cam kết linh kiện, phụ tùng đúng chuẩn xe, phải kiểm tra chất lượng 1 xe trong mọi lô hàng nhập khẩu, bảo hành tối thiểu 2 năm hoặc 50.000 km đối với ôtô con nhập khẩu đã qua sử dụng, có đủ giấy tờ nhập khẩu theo quy định từ 01/01/2018.
Nhằm triển khai Nghị quyết số 02/NQ-CP năm 2019 của Chính phủ, trong đó giao các bộ, cơ quan ngang bộ tiếp tục rà soát, trình Chính phủ bãi bỏ, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh không rõ ràng, không cụ thể, không khả thi, Bộ Công Thương đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định số 17/2020/NĐ-CP ngày 05 tháng 02 năm 2020 sửa đổi một số Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công Thương, trong đó có nội dung sửa đổi một số quy định về điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô tại Nghị định số 116/2017/NĐ-CP.
Cụ thể: Nghị định số 17/2020/NĐ-CP bổ sung quy định tạm dừng hiệu lực, thu hồi Giấy phép kinh doanh nhập khẩu ô tô đã cấp cho doanh nghiệp trong trường hợp doanh nghiệp nhập khẩu và tạm nhập ô tô có phần mềm thiết bị định vị chứa bản đồ vi phạm chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Doanh nghiệp nhập khẩu và tạm nhập ô tô có phần mềm thiết bị định vị chứa bản đồ vi phạm chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thì bị tạm dừng hiệu lực giấy phép kinh doanh nhập khẩu ô tô đã cấp cho doanh nghiệp.
Trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày bị tạm dừng hiệu lực Giấy phép kinh doanh nhập khẩu ô tô, nếu doanh nghiệp khắc phục hoàn toàn vi phạm sẽ được xem xét hủy bỏ việc tạm dừng hiệu lực Giấy phép. Nghị định cũng quy định trường hợp không khắc phục hoàn toàn vi phạm trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày bị tạm dừng hiệu lực Giấy phép kinh doanh nhập khẩu ô tô thì doanh nghiệp sẽ bị thu hồi Giấy phép.
Bên cạnh đó, Nghị định số 17/2020/NĐ-CP cũng sửa đổi quy định quản lý chất lượng ô tô chưa qua sử dụng nhập khẩu. theo đó, đối với ô tô nhập khẩu được sản xuất từ nước áp dụng phương thức chứng nhận theo kiểu loại thì cơ quan quản lý chất lượng đánh giá kiểu loại trên cơ sở kết quả kiểm tra, thử nghiệm về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với mẫu đại diện và kết quả đánh giá điều kiện đảm bảo chất lượng tại cơ sở sản xuất.
Đối với ô tô nhập khẩu được sản xuất từ nước áp dụng phương thức quản lý tự chứng nhận thì cơ quan quản lý chất lượng đánh giá kiểu loại trên cơ sở kết quả kiểm tra, thử nghiệm về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với mẫu đại diện và thông qua thử nghiệm mẫu lấy trên thị trường. Tần suất đánh giá kiểu loại tối đa là 36 tháng.
Nghị định giao Bộ Giao thông vận tải quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước và ô tô nhập khẩu theo quy định của pháp luật về chất lượng sản phẩm hàng hóa và Nghị định này. Các quy định liên quan đến điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô tại Nghị định 17/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 05 tháng 02 năm 2020.
Ngoài các chính sách về đầu tư, kinh doanh nói chung, ngành công nghiệp ô tô còn chịu sự điều chỉnh của các chính sách mang tính đặc thù và thường xuyên được sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện, đặc biệt là các chính sách thuế đối với phát triển ngành công nghiệp ô tô và công nghiệp hỗ trợ.
Thu Uyên