Công nghiệp hỗ trợ ô tô Việt Nam bao giờ theo kịp Thái Lan, Indonesia?

Bức tranh công nghiệp hỗ trợ cho ngành ô tô Việt Nam được đánh giá chưa có nhiều sáng sủa do phát triển chậm cả về số lượng và chất lượng so với nhiều quốc gia trong khu vực…

Công nghiệp hỗ trợ ô tô còn yếu.

Theo Bộ Công Thương, hiện nay, chỉ một vài nhà cung cấp trong nước có thể tham gia vào chuỗi cung ứng của các nhà sản xuất, lắp ráp ô tô tại Việt Nam.

NHẬP KHẨU RÒNG CÁC SẢN PHẨM HÀM LƯỢNG CÔNG NGHỆ CAO

Sự tương phản lớn khi so với Thái Lan, số lượng nhà cung cấp của Việt Nam trong ngành công nghiệp ô tô vẫn còn rất ít. Thái Lan có gần 700 nhà cung cấp cấp 1, nhưng Việt Nam chỉ có chưa đến 100. Thái Lan có khoảng 1.700 nhà cung cấp cấp 2, 3, còn Việt Nam chỉ có chưa đến 150.

Tỷ lệ nội địa hoá đối với xe cá nhân đến 9 chỗ ngồi còn thấp: mục tiêu đề ra là 30 – 40% vào năm 2020, 40 – 45% vào năm 2025 và 50 – 55% vào năm 2030, tuy nhiên đến nay mới đạt bình quân khoảng 7-10%, trong đó Thaco đạt 15-18%.

“Tỷ lệ này thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu đề ra cũng như thấp hơn nhiều so với các quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Indonesia và Malaysia”, Bộ Công Thương nhận định.

Phụ tùng linh kiện ô tô hiện đang sản xuất tại Việt Nam chủ yếu là các phụ tùng thâm dụng lao động, công nghệ giản đơn, như: ghế ngồi, kính, săm lốp, bánh xe…

Chính vì vậy, Việt Nam phải nhập khẩu ròng hầu hết các nhóm sản phẩm công nghiệp hỗ trợ có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao, nhất là các bộ phận, linh kiện quan trọng, thuộc hệ thống phanh, ly hợp, hộp số, hệ thống lái, yêu cầu công nghệ chế tạo ở mức cao.

Để phục vụ lắp ráp ô tô trong nước, trong giai đoạn 2010 – 2016, Việt Nam đã nhập khẩu các loại phụ tùng, linh kiện khác nhau, với tổng giá trị nhâp khẩu bình quân mỗi năm khoảng 2 tỉ USD, chủ yếu từ Nhật Bản (23%), Trung Quốc (23%), Hàn Quốc (16%) và Thái Lan (16%).

Giá trị sản xuất của công nghiệp hỗ trợ  cho ngành công nghiệp ô tô chỉ chiếm khoảng 2,7% tổng giá trị sản xuất của toàn ngành công nghiệp. Tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng bình quân của toàn ngành công nghiệp.

Hơn nữa, máy móc, công nghệ của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ cho ngành công nghiệp ô tô tương đối lạc hậu. Chất lượng sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho ngành công nghiệp ô tô còn khá thấp và giá thành cao.

Chất lượng linh kiện phụ tùng của các doanh nghiệp nước ngoài sản xuất có khoảng cách khá xa so với các doanh nghiệp Việt Nam. Tốc độ trang bị mới của các doanh nghiệp trong ngành cũng ở mức tương đối thấp.

Nhiều doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ cho ngành công nghiệp ô tô vẫn chưa đủ năng lực và công nghệ sản xuất để tham gia vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp ô tô trong nước. Trình độ các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu của các chuỗi sản xuất.

TẬP TRUNG NGUỒN LỰC CHO CÔNG NGHIỆP HỖ TRỢ

Để nâng cao trình độ, năng lực của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, Bộ Công Thương chỉ rõ, cần bố trí nguồn vốn xây dựng cơ bản nhằm xây dựng cơ sở vật chất để hình thành ít nhất 3 Trung tâm hỗ trợ phát triển công nghiệp hỗ trợ tại 03 miền cho các ngành công nghiệp hỗ trợ  ưu tiên phát triển.

Các Trung tâm này có vai trò là các Trung tâm kỹ thuật, máy móc dùng chung, cung cấp các dịch vụ chế tạo thử nghiệm, đo lường, kiểm định, chứng nhận chất lượng sản phẩm, tư vấn, chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ. Trong đó có các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô và các dịch vụ cải tiến doanh nghiệp.

Đồng thời bố trí đủ nguồn kinh phí để triển khai hiệu quả các nội dung hỗ trợ các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước. Cần xây dựng các gói tín dụng ưu đãi cho phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên, trong đó có công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô, có thời hạn đến năm 2025.

Nâng cao vai trò và khuyến khích các địa phương trong xây dựng các chính sách, chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ riêng, trong đó chú trọng công nghiệp hỗ trợ cho ngành ô tô.

Thu hút đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô. Thu hút đầu tư các nhà sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh và các nhà cung cấp cụm linh kiện, linh kiện lớn trong ngành ô tô trên thế giới, đặc biệt là các doanh nghiệp đa quốc gia đầu tư vào Việt Nam với mục tiêu phục vụ thị trường trong nước và thị trường ASEAN hơn là định hướng xuất khẩu, phục vụ thị trường toàn cầu.

Có các chính sách ưu đãi, hỗ trợ cụ thể để khuyến khích các doanh nghiệp chế xuất lớn bán hàng vào nội địa, tìm kiếm cơ hội tại thị trường trong nước và phát triển chuỗi cung ứng ngành ô tô tại Việt Nam.

Mặt khác, thúc đẩy các dự án lớn về công nghiệp vật liệu, đặc biệt là các dự án sản xuất thép cán nóng, thép chế tạo… của các nhà đầu tư trong nước để bảo đảm nguồn vật liệu đầu vào cho công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô.

Thu hút đầu tư vào các phân ngành chế tạo cơ bản (tạo phôi, gia công áp lực, gia công chính xác, nhiệt luyện, xử lý bề mặt và sản xuất khuôn mẫu). Đẩy mạnh việc hợp tác với các ngành công nghiệp vật liệu đầu vào cho sản xuất linh kiện, phụ tùng ngành ô tô…

CHIA SẺ TIN