TCCS – Để Việt Nam có thể trở thành nước phát triển vào năm 2045, sứ mệnh lịch sử của ngành cơ khí chế tạo rất quan trọng. Nếu đi thẳng vào Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mà không chú trọng xây dựng và phát triển một nền cơ khí chế tạo, thì đó chỉ là “xây nhà trên cát”.
Để Việt Nam có thể trở thành nước phát triển vào năm 2045, sứ mệnh lịch sử của ngành cơ khí chế tạo rất quan trọng_Nguồn: TTXVN
Tầm nhìn và tổ chức thực hiện
Trong quan điểm xuyên suốt của Đảng, ngành cơ khí chế tạo rất được coi trọng. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng (tháng 12-1976), đã vạch ra đường lối kinh tế: “Ưu tiên phát triển công nghiệp nặng một cách hợp lý trên cơ sở phát triển nông nghiệp và công nghiệp nhẹ, kết hợp xây dựng công nghiệp và nông nghiệp cả nước thành một cơ cấu kinh tế công – nông nghiệp”. Phương hướng, nhiệm vụ của kế hoạch giai đoạn 1976 – 1980 đặt yêu cầu “cần ra sức xây dựng thêm nhiều cơ sở mới về công nghiệp nặng, đặc biệt là cơ khí”. Từ đó đến nay, qua các kỳ đại hội Đảng, chúng ta đều nêu vấn đề công nghiệp hóa cho nền kinh tế đất nước.
Cách đây hơn 60 năm, ngày 12-04-1958, Nhà máy Cơ khí Hà Nội, Nhà máy Chế tạo máy công cụ số 1 (nay là Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Cơ khí Hà Nội) ra đời, đánh dấu cột mốc quan trọng trong lịch sử phát triển ngành cơ khí chế tạo của Việt Nam. Trong khoảng thời gian 5 năm (từ năm 1958 đến 1963), Bác Hồ đã 9 lần về thăm nhà máy. Điều đó cho thấy sự quan tâm sâu sắc của Đảng đối với ngành cơ khí chế tạo.
Trong 10 năm (1960 – 1970), thời điểm hoàng kim của ngành công nghiệp cơ khí, chúng ta từng có cụm các nhà máy cơ khí đầu đàn, như Nhà máy chế tạo máy công cụ số 1 (sản xuất máy công cụ và thiết bị toàn bộ), Nhà máy Cơ khí Trần Hưng Đạo (sản xuất động cơ nhỏ), Nhà máy đi-ê-den (Diezel) Sông Công, Khu liên hợp Gang thép Thái Nguyên,… ở trình độ cao hơn hay tương đương với các nước trong khu vực. Sang thời kỳ đổi mới, ngành cơ khí chế tạo đã có những cố gắng tích cực và không ngừng phát triển, từng bước trở thành ngành công nghiệp quan trọng, thúc đẩy các ngành kinh tế khác cùng phát triển, sản xuất ra nhiều loại sản phẩm phục vụ cho tất cả các ngành nông – lâm – ngư nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, du lịch cũng như phục vụ nhu cầu trong nước và bước đầu vươn ra thị trường nước ngoài.
Sau 30 năm đổi mới, chúng ta đã có những bước tiến quan trọng. Nhiều doanh nghiệp và lĩnh vực sản xuất cơ khí chế tạo đã có những bước phát triển mang tính đột phá. Năng lực sản xuất cơ khí của nền kinh tế được tăng cường với một số doanh nghiệp tiên phong, như Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông quân đội, Công ty cổ phần ô-tô Trường Hải, Công ty trách nhiệm hữu hạn sản xuất và kinh doanh Vinfast, Tổng Công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam, Tổng Công ty Máy và thiết bị công nghiệp, Tổng Công ty Cơ điện xây dựng, Công ty trách nhiệm hữu hạn Bùi Văn Ngọ,… Tuy nhiên, rất nhiều doanh nghiệp cơ khí chế tạo Việt Nam dần tụt hậu, “teo tóp”, thậm chí thua lỗ nặng như Vinashin, gặp rất nhiều khó khăn như Công ty cổ phần Cơ khí xe lửa Gia Lâm (trước đây là Nhà máy xe lửa Gia Lâm). Nhìn tổng thể, Việt Nam vẫn chưa hình thành được một nền công nghiệp cơ khí chế tạo nội địa đủ sức làm hạ tầng kỹ thuật cho các ngành kinh tế để không bị thua thiệt trước sức cạnh tranh với nước ngoài khi tham gia thị trường toàn cầu.
Thị trường bị lệ thuộc vào sản phẩm cơ khí chế tạo của nước ngoài cũng là một vấn đề nan giải. Các doanh nghiệp cơ khí chế tạo phần lớn chưa làm chủ được nguồn vốn, đa phần thiếu hụt vốn, phải đi vay để đầu tư với lãi suất cao và bị ràng buộc bởi các điều kiện bất lợi của nhà tài trợ hay đối tác tài chính; công nghệ lạc hậu, đơn giản, tụt hậu khoảng 2 – 3 thế hệ so với các nước trong cùng khu vực, cùng với sự quản lý yếu kém dẫn đến tình trạng các sản phẩm cơ khí chủ yếu vẫn chỉ là gia công kết cấu thép, không có các thiết bị tiên tiến đủ khả năng thiết kế, chế tạo máy, thiết bị công nghệ cao đủ sức cạnh tranh với quốc tế; không phát triển được thị trường tiêu thụ ngay trong nội địa, chưa nói đến xuất khẩu. Bên cạnh đó, sự liên kết và tập hợp của các doanh nghiệp cơ khí còn rất hạn chế, khó hình thành các tập đoàn công nghiệp cơ khí chuyên sâu, mang lại hiệu quả đầu tư.
Nguyên nhân khách quan có thể do ngành cơ khí chế tạo yêu cầu vốn đầu tư lớn, thời gian thu hồi vốn chậm, yêu cầu cao về chất lượng nguồn nhân lực. Tuy nhiên, yếu tố chủ quan vẫn được coi là chính yếu, trong đó cần phải kể đến những nguyên nhân hàng đầu, như hệ thống pháp luật chưa được hoàn thiện, nhiều chính sách đối với ngành cơ khí chế tạo chưa hợp lý, thậm chí còn gây khó khăn, cản trở sự phát triển của ngành, thiếu sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế trong việc tiếp cận các dự án cơ khí chế tạo, đất đai, tài chính. Trong Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035, có một số điểm còn chưa hợp lý, như chúng ta quá tập trung vào công nghiệp hỗ trợ, chưa chú ý đến các ngành cơ khí then chốt, chưa đề cập nhiều đến cơ khí nông nghiệp trong khi Việt Nam là một nước nông nghiệp…
Sự chỉ đạo của Nhà nước đối với ngành cơ khí chế tạo trong giai đoạn cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước cũng chưa được tập trung. Các doanh nghiệp cơ khí chế tạo chưa được tham gia các dự án sử dụng ngân sách nhà nước, mặc dù có đủ năng lực sản xuất, chế tạo tới 80% thiết bị cơ khí nhưng vẫn phải để cho doanh nghiệp nước ngoài làm, dẫn đến tình trạng nhiều sản phẩm cơ khí chế tạo có thể sản xuất nhưng vẫn phải đi mua của nước ngoài. Bên cạnh đó, vai trò giữ nhịp, kết nối, tham mưu về chính sách của Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam và Tổng hội Cơ khí Việt Nam chưa tốt.
Không thể không nhắc đến nguyên nhân chủ quan của các doanh nghiệp cơ khí chế tạo còn nặng tư duy bao cấp, trông chờ vào Nhà nước, không có sự kế thừa các thành tựu đã đạt được, không tranh thủ được vận hội mới trong quá trình chuyển đổi mô hình quản trị sang công ty cổ phần và hội nhập kinh tế quốc tế.
Triển vọng phát triển ngành cơ khí chế tạo
Theo Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam, với đất nước có gần 100 triệu dân, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân luôn ở mức 6% – 6,5%/năm, quy mô của nền kinh tế trên 250 tỷ USD, có thể xác định quy mô thị trường ngành cơ khí chế tạo ở Việt Nam giai đoạn 2019 – 2030 ở mức khoảng 310 tỷ USD. Đó là giá trị máy móc, thiết bị, cấu kiện cho các công trình nhiệt điện, thủy điện, hóa chất, khai thác, chế biến khoáng sản (khoảng 120 tỷ USD); máy xây dựng, nông nghiệp và chế biến nông, lâm sản (15 tỷ USD); các loại thiết bị tiêu chuẩn, như quạt, động cơ, thiết bị thủy lực,… (khoảng 10 tỷ USD), thiết bị cho đường sắt tốc độ cao (khoảng 35 tỷ USD), đường sắt đô thị (10 tỷ USD) và công nghiệp ô-tô (120 tỷ USD). Đó là thị trường “mơ ước” đủ lớn, để phát triển ngành cơ khí chế tạo và cũng là nguồn tài nguyên của đất nước cần ưu tiên cho doanh nghiệp cơ khí trong nước, không thể để cho doanh nghiệp nước ngoài thao túng.
Qua nghiên cứu thực tế, có thể thấy nổi lên ba mô hình phát triển công nghiệp cơ khí chế tạo. Đó là Công ty cổ phần ô-tô Trường Hải (Thaco) với mô hình đầu tư từng bước, đi từ gia công lắp ráp đến sản xuất chế tạo nâng dần tỷ lệ nội địa hóa các dòng xe tải, xe buýt lên 60%, xe du lịch lên 40% trong vòng 15 năm. Doanh nghiệp đã đầu tư mở rộng quy mô sản xuất một cách tuần tự, từng bước tự động hóa, rô-bốt hóa chậm, chắc theo quy mô phát triển thị trường, đạt chuẩn sản xuất tự động hóa, quản trị số hóa và tới nay đã đạt sản lượng trên 100.000 xe/năm. Ngoài cơ khí ô-tô, Thaco cũng không bỏ qua các thị trường cơ khí khác, như cơ khí xây dựng, cơ khí nông nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao,… Có thể nói, đây là mô hình tiếp cận truyền thống có bước đi vững chắc đáng trân trọng.
Mô hình thứ hai là Công ty Vinfast thuộc Tập đoàn Vingroup sản xuất xe ô-tô và xe máy điện với công nghệ hàng đầu châu Âu, thiết kế của I-ta-li-a trong một thời gian kỷ lục 21 tháng từ khi lên kịch bản, lựa chọn công nghệ, thiết kế, xây dựng, thương thảo hợp đồng mua bản quyền, mua máy móc đến tổ chức sản xuất những mẫu xe máy, xe ô-tô đầu tiên trên dây chuyền công nghệ hết sức hiện đại 4.0 với 1.200 rô-bốt, hướng tới mục tiêu 250.000 xe ô-tô/năm. Đây có thể gọi là mô hình “đi tắt, đón đầu” mà chúng ta kỳ vọng, với tư duy “lợi thế của người đi sau”, đầu tư mới đi thẳng vào công nghệ 4.0 khi công nghệ thiết kế, chế tạo của ngành cơ khí đã phát triển rất mạnh, vì vậy việc đầu tư dây chuyền sản xuất theo định hướng sản phẩm không quá tốn kém như trước đây. Mô hình kiểu này có thể dẫn đến những đột phá lớn trong phát triển ngành cơ khí chế tạo, vì theo chuyên gia quốc tế đánh giá, cứ 1 lao động trong ngành sản xuất ô-tô sẽ tạo ra 10 việc làm mới cho ngành công nghiệp hỗ trợ.
Mô hình thứ ba là Công ty trách nhiệm hữu hạn Cơ khí Bùi Văn Ngọ đã phát triển ngành cơ khí nông nghiệp xuất phát “từ mệnh lệnh của trái tim” khi mong muốn “làm thẳng lưng” người phụ nữ nông dân qua cơ giới hóa, từ khâu làm đất, gieo trồng, chăm sóc đến thu hoạch, bảo quản, tồn trữ, chế biến,… nông, lâm, thủy, hải sản, làm giảm mạnh giá thành nông sản hàng hóa, nâng cao khả năng cạnh tranh của nông sản, đem lại thu nhập cao hơn để người nông dân có thể làm giàu trên mảnh đất của mình. Các sản phẩm cơ khí chế tạo của công ty đã được nghiên cứu, sản xuất theo phương châm thích nghi, hiệu quả, hiện đại, với các tiêu chí tinh xảo trong từng chi tiết và hiện đại trong toàn hệ thống. Các loại máy nông nghiệp của Công ty đang được xuất khẩu tới trên 40 quốc gia. Đây cũng là một mô hình phát triển truyền thống, quy mô nhỏ nhưng luôn bám sát và đáp ứng được nhu cầu thực tế của thị trường nên có hiệu quả cao, tạo cơ sở cho việc cơ giới hóa canh tác, hiện đại hóa chế biến, đưa khoa học – công nghệ vào sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ hóa, xanh hóa, thông minh hóa.
Giải pháp thúc đẩy phát triển ngành cơ khí chế tạo
V. I. Lê-nin đã chỉ ra rằng, cơ sở vật chất của chủ nghĩa xã hội là nền đại công nghiệp cơ khí. Còn theo Tổng thống Liên bang Nga V. Pu-tin, quốc gia nào không có tên trong nhóm phát minh công nghệ mới, tiên tiến thì khó tránh khỏi thế phụ thuộc… Do đó, để hướng tới một nền kinh tế xã hội chủ nghĩa và có thể độc lập, không bị phụ thuộc vào kinh tế nước ngoài, dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng nên đề cập rõ đến cơ khí chế tạo với tầm nhìn dài hạn để từ đó xây dựng chiến lược phát triển ngành cơ khí chế tạo với tư duy mới. Chúng ta sẽ không chỉ phát triển cơ khí phụ trợ, cơ khí ôtô mà còn phải phát triển cơ khí biển, cơ khí đường sắt, cơ khí nông nghiệp, luyện kim hay các ngành phục vụ cơ khí khác. Phải khai thác được thế mạnh, lợi thế so sánh của nền kinh tế, thị trường trong nước và vươn ra thị trường thế giới.
Về phía Nhà nước, vai trò “bà đỡ” đối với ngành cơ khí chế tạo là rất cần thiết, nếu không nói là vô cùng quan trọng. Ngành cơ khí chế tạo Việt Nam nếu không có sự giúp đỡ của Nhà nước thì không thể phát triển, tuy nhiên, sự hỗ trợ đó phải phù hợp với cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cạnh tranh lành mạnh trong một môi trường kinh doanh minh bạch và bình đẳng. Do đó, cần lựa chọn các chính sách “bảo hộ mềm” thông qua chính sách thuế, tín dụng, cơ chế đặt hàng của Nhà nước, kể cả đối với sản phẩm cơ khí quốc phòng, đào tạo nguồn nhân lực hay hàng rào kỹ thuật hợp lý,… giúp cho ngành cơ khí chế tạo trong nước phát triển. Vốn là nước có trình độ khoa học – kỹ thuật và thực hiện cơ chế thị trường đầy đủ, song Chính phủ Mỹ có chủ trương, chính sách để phục hồi một số lĩnh vực cơ bản. Ví dụ điển hình là sự phục hồi của Trung tâm Công nghiệp ô-tô ở thành phố Đơ-troi (Detroit), cái nôi của ba đại gia sản xuất xe hơi Mỹ là Ford, Chrysler và General Motors sau khi Mỹ tiến hành thay đổi chính sách đối với ngành ô-tô, Tổng thống Đô-nan Trăm (D. Trump) yêu cầu Bộ Thương mại Mỹ điều tra tác động của việc nhập khẩu xe hơi đối với an ninh quốc gia.
Quốc hội và Chính phủ cần có các quy định pháp luật, chính sách, cơ chế cụ thể cho ngành cơ khí chế tạo trong nước khi thẩm tra, quyết định các công trình trọng điểm quốc gia có sử dụng ngân sách nhà nước, như các dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, đường sắt cao tốc Bắc – Nam với tổng mức đầu tư hàng chục tỷ USD và phải xác định mục tiêu là ngành cơ khí chế tạo của Việt Nam sẽ tham gia bao nhiêu phần trăm giá trị xây lắp, chế tạo và sau các dự án này sẽ nâng tầm của ngành cơ khí chế tạo. Đó là những cơ hội lớn mà ngành cơ khí chế tạo Việt Nam không thể bỏ lỡ. Và cho dù chúng ta đã có quá nhiều các ban chỉ đạo, nhưng với tầm quan trọng của cơ khí chế tạo vẫn cần mạnh dạn đề nghị Chính phủ sớm thành lập Ban Chỉ đạo nhà nước về phát triển cơ khí chế tạo.
Chúng ta cũng nên tập trung lựa chọn sản phẩm cơ khí trọng điểm thay vì làm một lúc nhiều chủng loại. Ngành dầu khí nên đầu tư làm giàn khoan biển, đóng tàu chở dầu cỡ lớn, ngành khoáng sản đầu tư sản xuất máy khai thác quặng, tuyển khoáng… Có thể nghiên cứu những chính sách về vốn và thuế để giảm lãi suất vay đầu tư cơ khí xuống dưới 5%, thuế thu nhập doanh nghiệp cơ khí chế tạo còn 10% – 15%, thấp hơn so với thuế suất phổ thông, tạo điều kiện cho doanh nghiệp cơ khí Việt Nam có cơ hội bứt phá so với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Bên cạnh đó, Nhà nước nên tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, không nên đầu tư dàn trải. Trong giai đoạn đầu, có thể tập trung ưu tiên vào lĩnh vực chế tạo nguyên liệu đầu vào, như các sản phẩm đúc, rèn và thép chế tạo, giúp chủ động về nguyên liệu và tăng tỷ lệ nội địa hóa. Các sản phẩm, lĩnh vực chủ yếu mà ngành cơ khí Việt Nam nên được chú trọng có thể là máy công cụ, máy động lực, máy kéo và máy nông nghiệp, thiết bị toàn bộ, cơ khí xây dựng, thiết bị điện, cơ khí ô-tô, đường sắt và công nghiệp tàu thủy,…
Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam và Tổng hội Cơ khí Việt Nam là hai tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tập hợp các doanh nghiệp, chuyên gia, những người tâm huyết với ngành cơ khí chế tạo của đất nước cần phải làm tốt vai trò cầu nối giữa doanh nghiệp cơ khí chế tạo với Nhà nước, nắm bắt tình hình để tham mưu cho Nhà nước ban hành chính sách và đưa ra những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp cơ khí trên cơ sở những kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp về chính sách thuế, tạo bình đẳng, thuận lợi cho hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp và hỗ trợ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho doanh nghiệp cơ khí; làm cầu nối giữa các doanh nghiệp với nhau, bảo vệ lợi ích và quyền lợi chính đáng của cộng đồng doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp cơ khí chế tạo cần đổi mới tư duy mạnh mẽ hơn, xây dựng một triết lý kinh doanh phù hợp với xu thế phát triển của nền kinh tế số trên nền tảng của ý chí và khát vọng, thúc đẩy sự phát triển của ngành cơ khí chế tạo phù hợp với thị trường trong nước, khu vực và quốc tế; có cách đi phù hợp, kết hợp giữa “kế thừa” và “đi tắt đón đầu” một cách hợp lý. Các doanh nghiệp cũng cần đẩy mạnh liên doanh, liên kết trong sản xuất, chiếm lĩnh thị trường; đoàn kết, lựa chọn “con chim đầu đàn” để cùng hợp lực tạo ra hướng đi mới theo hướng “buôn có bạn, bán có phường”, tạo nên chuỗi giá trị sản xuất, bởi chỉ liên kết tốt mới tạo ra sức mạnh, tạo ra cơ hội cho các doanh nghiệp cơ khí Việt Nam tham gia chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu. Các doanh nghiệp cơ khí cần tiếp tục vươn lên làm chủ khoa học – công nghệ mới, vốn và thị trường, ba yếu tố quyết định sự thành công của ngành cơ khí chế tạo; đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam; tạo lập và gắn kết mối quan hệ liên kết giữa Nhà nước, doanh nghiệp, nhà khoa học và thị trường, trong đó lấy thị trường làm trung tâm; xây dựng thương hiệu, truyền thông, quảng bá cũng là những vấn đề mà doanh nghiệp cơ khí chế tạo hiện đại không thể không quan tâm./.