Công nghiệp điện tử là ngành sản xuất có vị trí then chốt trong nền kinh tế và tác động lan tỏa mạnh mẽ đến các ngành công nghiệp khác. Ngành công nghiệp máy tính, điện tử của Việt Nam chiếm tỷ trọng 17,8% toàn ngành công nghiệp, chủ yếu sản xuất sản phẩm như điện thoại các loại, máy tính bảng, bo mạch chủ, màn hình, tivi, camera, thiết bị máy văn phòng và các sản phẩm quang học…
Theo quy hoạch công nghiệp điện tử của Việt Nam giai đoạn 2016 – 2020, tăng trưởng của ngành điện tử trong giai đoạn 2016 – 2020 đạt 23,8%/năm; tầm nhìn năm 2030 đạt 19 – 21%/ năm.
Mục tiêu là xây dựng ngành điện tử trở thành ngành công nghiệp chủ lực và tạo cơ sở hỗ trợ cho các ngành khác phát triển. Trong giai đoạn 2016 – 2020, ngành điện tử Việt Nam tập trung phát triển ở lĩnh vực linh kiện điện – điện tử cơ bản, các loại bản mạch in điện tử, mạch vi điện tử cho điện thoại di động, thiết bị điện tử gia dụng, thiết bị văn phòng, máy vi tính, thiết bị ngoại vi, linh kiện, phụ tùng cho công nghiệp ôtô (thiết bị điện, chiếu sáng, điều khiển…).
Giai đoạn năm 2020 – 2025 ưu tiên phát triển các sản phẩm trong lĩnh vực như thiết bị tự động hóa, máy tính, điện thoại. Sau năm 2025, ưu tiên phát triển phần mềm, nội dung số, dịch vụ công nghệ thông tin và điện tử y tế. Trong giai đoạn 2016 – 2020, kim ngạch xuất khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện liên tục đạt tốc độ tăng cao. Tốc độ tăng lần lượt các năm là: năm 2016 tăng 21,5%; năm 2017 tăng 38,6%; năm 2018 tăng 12,5%; năm 2019 tăng 22,8%; năm 2020 tăng 22,8%. Bình quân cả giai đoạn 2016 – 2020 tăng 23,8%, chỉ số sản xuất trong giai đoạn này của ngành điện tử máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt mức cao hơn các ngành sản xuất khác ở mức tăng 13,9%. Đặc biệt, trong năm 2017 đạt mức tăng cao nhất là 35,2%. Kể từ quý 2/2020, lĩnh vực sản xuất điện tử bắt đầu bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 do nhu cầu của khách hàng tại các thị trường trọng điểm giảm, nguồn cung bị gián đoạn và các đơn hàng xuất nhập khẩu bị hoãn hoặc hủy, nhưng chỉ số sản xuất của ngành sản xuất linh kiện điện tử năm 2020 tăng trưởng ở mức 6,8% so với năm 2019.
Mặc dù bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 nhưng ngành sản xuất điện tử vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng khả quan, chứng tỏ tiềm năng phục hồi và phát triển rất lớn. Trong 9 tháng đầu năm 2021, chỉ số sản xuất của ngành điện tử sản xuất máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 7,7%, tăng mạnh là sản xuất linh kiện điện thoại tăng 43,6%, sản xuất thiết bị điện tử tăng 3,3% so với cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên, sản xuất tivi các loại trong 9 tháng đầu năm 2021 giảm 8,7% so với cùng kỳ năm 2020. Bên cạnh đó, với những sáng kiến của Chính phủ Việt Nam nhằm hỗ trợ ngành linh kiện điện tử, các doanh nghiệp trong nước được kỳ vọng sẽ có nhiều tiến bộ trong sản xuất trong thời gian tới.
Xuất khẩu điện tử máy tính của Việt Nam vươn lên vị trí thứ 11 các thị trường trên toàn cầu Ngành Công nghiệp điện tử của Việt Nam hình thành chậm nhưng có tốc độ tăng trưởng khá nhanh qua các năm và ngày càng đóng vai trò quan trọng hơn trong sản xuất công nghiệp và xuất khẩu của nền kinh tế. Trong cơ cấu sản xuất, ngành công nghiệp điện tử được chia theo nhóm của mã HS gồm 3 nhóm ngành chính: máy tính, thiết bị viễn thông và thiết bị điện tử tiêu dùng.
Việt Nam bắt đầu tham gia mạnh mẽ vào chuỗi giá trị 3C trong ngành điện tử từ năm 2010 (gồm linh phụ kiện, lắp ráp cụm linh kiện, thành phẩm) và trở thành là trung tâm lắp ráp linh kiện điện tử của thế giới. Trong nhóm hàng linh kiện điện tử, vai trò của Việt Nam trong chuỗi giá trị điện tử toàn cầu chỉ giới hạn ở vai trò là nhà tích hợp các linh kiện. Nhưng trong nhóm thành phẩm của ngành điện tử Việt Nam chủ yếu sản xuất thiết bị truyền thông và điện tử tiêu dùng dẫn đầu. Việt Nam đã có mức tăng trưởng mạnh 20% đối với các sản phẩm điện tử thành phẩm, vượt qua Thái Lan, Philippin, Malaysia và chỉ sau Hàn Quốc về mặt hàng lắp ráp xuất khẩu trong năm 2019, 2020. Xuất khẩu của ngành điện tử của Việt Nam có tốc độ tăng trưởng bình quân cao nhất thế giới ở mức 13,9% trong giai đoạn 2016 – 2020.
Việt Nam đã vươn lên nhóm các nước xuất khẩu hàng điện tử chủ chốt, từ mức thứ 47 trong năm 2001 lên vị trí thứ 11 trong năm 2020. Đặc biệt, xuất khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện trong năm 2020 đạt 44,58 tỷ USD, tăng 24,1% so với năm 2019. Xuất khẩu điện thoại các loại và linh kiện đã được xếp hạng thứ hai trên toàn thế giới, với giá trị là 51,18 tỷ USD trong năm 2020, giảm 0,4% so với năm 2019 do ảnh hưởng dịch bệnh. Xét theo chuỗi giá trị toàn cầu, thị trường được chia thành ba phần, gồm các hoạt động thượng nguồn, trung nguồn và hạ nguồn. Việt Nam chủ yếu hội nhập ở phần trung nguồn với giá trị gia tăng thấp hơn, bao gồm các cụm lắp ráp nhỏ như màn hình và các bộ phận đặc biệt, và các sản phẩm hoàn chỉnh như điện tử tiêu dùng, truyền thông và máy tính.
Các thị trường xuất khẩu sản phẩm điện tử hàng đầu trong năm 2019 là Trung Quốc, tiếp theo là Việt Nam, Hồng Kông, Đài Loan, Thái Lan, Malaysia. Việt Nam cũng tham gia vào các hoạt động thượng nguồn nhưng chủ yếu ở các sản phẩm giá trị gia tăng thấp như nhựa, thủy tinh và bao bì. Xét về tốc độ tăng trưởng, theo ITC, trong giai đoạn 2016 – 2020 Trung Quốc đạt tốc độ tăng trưởng bình quân ở mức 8%, đạt 503,908 tỷ USD. Trung Quốc là trung tâm sản xuất các sản phẩm điện tử của thế giới như TV, máy tính, thiết bị cầm tay và các thiết bị điện tử khác. Do đó, sản lượng một số linh kiện điện tử của Trung Quốc là cao nhất trên thế giới, đặc biệt là các linh kiện điện tử thông dụng, trung bình và cấp thấp. Trong khi, xuất khẩu điện tử trong giai đoạn 2010 – 2020 của Hàn Quốc chỉ đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 8,6%; thị trường Hồng Kông đạt mức 7,6%, thị trường Đài Loan đạt 10,6%, Mỹ đạt 0,2%. Một số thị trường khác trong khu vực như Philippin đạt 4,9%, Ấn Độ đạt 3,7%.
Một số thị trường khác giảm như Inđônêsia giảm 4,1%, Malaysia giảm 7,7%; Anh giảm 1,5%, Slovakia giảm 5,9%… Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng giá trị xuất khẩu ngành máy tính điện tử bình quân trong giai đoạn 2016 – 2020 ở mức 21,6%, đạt mức cao nhất thế giới. Việt Nam là quốc gia xuất khẩu hàng điện tử lớn thứ 11 trên thế giới và thứ 3 trong khối ASEAN trong năm 2020. Kim ngạch xuất khẩu nhóm ngành thiết bị truyền thông tăng bình quân 62%; nhóm ngành linh kiện điện tử tăng 42% và nhóm ngành máy vi tính, thiết bị ngoại vi tăng bình quân 19%; nhóm ngành thiết bị điện tử khác và nhóm ngành điện tử dân dụng tăng bình quân lần lượt tương ứng là 39% và 35%.
Thái Lan là một trong những cơ sở lắp ráp thiết bị điện tử lớn nhất ở Đông Nam Á với hơn 2.300 công ty với 400.000 nhân viên. Đứng đầu thế giới về sản xuất ổ cứng, vi mạch tích hợp và chất bán dẫn, Thái Lan cũng là cơ sở sản xuất lớn nhất ASEAN trong lĩnh vực điện tử gia dụng như thiết bị điện, nhà sản xuất máy điều hòa không khí lớn thứ 2 thế giới và lớn thứ 4 về tủ lạnh. Ngành công nghiệp điện tử của Thái Lan tập trung chủ yếu vào xuất khẩu, chiếm khoảng 90 – 95% sản lượng sản xuất.
Theo ITC, Thái Lan là thị trường xuất khẩu lớn thứ 13 trên thế giới đối với sản phẩm máy tính, điện tử, đạt 34,794 tỷ USD, chiếm 1,8% tỷ trọng trên thế giới trong năm 2020, đạt tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016 – 2020 là 0,5%. Trong năm 2020 các sản phẩm xuất khẩu quan trọng nhất của Thái Lan là ổ cứng chiếm 29,3% giá trị của tất cả các mặt hàng điện tử xuất khẩu, tiếp theo là các linh kiện, bộ phận và thiết bị máy tính khác chiếm 21,9% tỷ trọng xuất khẩu, IC chiếm 19,6%, chất bán dẫn, bóng bán dẫn và điốt chiếm 7,0%, bản mạch tích hợp chiếm 3,6% và các mặt hàng khác chiếm 18,7%.
Thế mạnh của Thái Lan đối với nhiều sản phẩm như radio, tivi và máy in sẽ tiếp tục hỗ trợ xuất khẩu của nước này trong các năm tiếp theo.
Nhật Bản, trong năm 2020, tổng giá trị sản xuất của ngành điện tử ở Nhật Bản đạt 89,124 tỷ USD. Linh kiện và thiết bị điện tử là phân khúc hàng đầu của ngành công nghiệp điện tử Nhật Bản, chiếm khoảng 71,252 tỷ USD tổng giá trị sản xuất trong năm 2020.
Theo ITC, Nhật Bản Là nước xuất khẩu lớn thứ 8 trên thế giới đối với mặt hàng máy tính, linh kiện điện tử, đạt 75,592 tỷ USD, chiếm 3,9% xuất khẩu trên toàn thế giới, thuộc nhóm những thị trường xuất khẩu bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, tỷ trọng xuất khẩu giảm 0,3% so với năm 2019 với tốc độ tăng trưởng bình quân trong giai đoạn 2016 – 2020 ở mức 1%.
Theo Công ty nghiên cứu kinh doanh Business, ngành công nghiệp điện tử toàn cầu là một trong những ngành phát triển nhanh nhất trên thế giới, dự báo đạt 948,78 tỷ USD trong năm 2020, lên 1.055,29 tỷ USD trong năm 2021 với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 11,2%, tăng trưởng chủ yếu là do các công ty đa quốc gia lớn trên thế giới sắp xếp lại hoạt động để phục hồi sau tác động của Covid-19, thị trường dự kiến sẽ đạt 1.291,14 tỷ USD vào năm 2025 với tốc độ CAGR là 5%. Đối với phân khúc linh kiện điện tử toàn cầu, dự kiến sẽ đạt 191,8 tỷ USD trong năm 2022. Thị trường điện tử tiêu dùng toàn cầu đạt 689,45 tỷ USD trong năm 2020 lên 989,37 tỷ USD vào năm 2027 với tốc độ CAGR là 5,3% trong giai đoạn 2020 – 2027 là do nhu cầu phục hồi sau ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Thị trường Ấn Độ dự kiến sẽ đứng sau Trung Quốc về sản xuất điện tử tiêu dùng, tiếp theo là Việt Nam, Hàn Quốc và thị trường Đài Loan. Theo Hiệp hội các nhà sản xuất thiết bị điện và điện tử tiêu dùng (CEAMA), ngành công nghiệp điện tử tiêu dùng tại Ấn Độ được dự báo sẽ tăng trưởng với tốc độ CAGR là 9,5% từ năm 2015 – 2021, Ấn Độ đang có cơ hội lớn để chiếm 30% thị phần sản xuất thiết bị điện tử tiêu dùng trên toàn cầu bằng cách tận dụng những thế mạnh của sự dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc.
Ngành công nghiệp điện tử Ấn Độ bao gồm 7 phân khúc chính: điện tử tiêu dùng, điện tử công nghiệp, điện tử truyền thông và phát thanh truyền hình, điện tử chiến lược, phần cứng máy tính, linh kiện điện tử và các sản phẩm LED. Trong khi Việt Nam mới có 4 phân khúc chính là máy tính, thiết bị viễn thông, thiết bị điện tử tiêu dùng và thiết bị điện tử gia dụng. Ấn Độ là thị trường đang nổi lên là một đối thủ cạnh tranh trong xuất khẩu điện tử, máy tính.
Ấn Độ đang đặt mục tiêu lớn về sản xuất thiết bị điện tử trên thế giới với 40% giá trị gia tăng sẽ đạt được trong 10 năm tới. Tỷ trọng giá trị hiện tại của Ấn Độ trong điện tử tiêu dùng toàn cầu là 3,5%. Với tốc độ tăng trưởng dự kiến của nền kinh tế Ấn Độ, đóng góp của ngành điện tử máy tính tại Ấn Độ đối với ngành điện tử máy tính toàn cầu về mặt giá trị có khả năng tăng gấp đôi lên 7% vào năm 2026.
Dự báo, Việt Nam sẽ tăng tỷ trọng xuất khẩu điện tử máy tính toàn cầu lên gần 4% vào năm 2025. Việt Nam có thể tận dụng tối đa sự bùng nổ trên toàn cầu về nhu cầu máy tính, thiết bị điện tử khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát. Chỉ số sản xuất máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng trên 10%. Nhu cầu đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng cao trong quý 4 năm 2021 do nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng phục vụ thông tin liên lạc cũng như phương tiện làm việc trong điều kiện giãn cách xã hội vì ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Nguồn: moit.gov.vn