NHIỀU ĐIỂM NGHẼN, CƠ KHÍ CHẾ TẠO KHÓ ĐỘT PHÁ

Sau hơn 20 năm phát triển, nhiều doanh nghiệp (DN) trong ngành cơ khí đạt trình độ quản trị sản xuất, kinh doanh tiệm cận thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ 3 và ở rất xa thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Đó là nhận định của Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (Vami).

Doanh nghiệp cơ khí trong nước chưa phát triển đúng với năng lực.

Hàng loạt điểm nghẽn

Theo đánh giá của Vami, ngành cơ khí của Việt Nam phát triển chậm, thậm chí tụt hậu so với các quốc gia trong khu vực, gây ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng và hiệu quả của nền kinh tế.

Chủ tịch Vami Đào Phan Long chỉ ra nguyên nhân khiến ngành cơ khí không thể đột phá trong thời gian qua là do vướng phải nhiều điểm nghẽn. Trong đó, điểm nghẽn lớn nhất vẫn là thị trường tiêu thụ sản phẩm. Bởi bất kỳ ngành sản xuất nào không có thị trường tiêu thụ sản phẩm, trước hết là thị trường nội địa, thì đều không thể phát triển. Trong khi đó, Việt Nam chưa có những biện pháp phù hợp để bảo vệ và khai thác thị trường nội địa cho ngành.

Điểm nghẽn tiếp theo là năng lực của DN. Hiện trình độ quản trị sản xuất, kinh doanh của các DN trong ngành đa phần còn thấp. Sau hơn 20 năm phát triển vẫn không có nhiều DN đạt trình độ quản trị sản xuất, kinh doanh tiệm cận thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ 3 và ở rất xa thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Ngoài ra, việc đầu tư đổi mới công nghệ trùng lắp, phân tán, gây lãng phí lớn và hiệu quả sản xuất kinh doanh kém… Đối với điểm nghẽn từ các yếu tố vĩ mô là công tác quản lý nhà nước, thời gian qua Chính phủ và chính quyền địa phương đã ban hành nhiều chính sách, cơ chế đối với cơ khí, nhưng các chính sách đó chưa thực sự đi vào cuộc sống. Hệ thống chính sách quản lý phát triển kinh tế, công nghiệp của nhà nước, trong đó có cơ khí chưa đồng bộ.

“Để xây dựng phát triển công nghiệp cơ khí nội địa, không thể chỉ là nhiệm vụ riêng của các DN phải tự vươn lên để cạnh tranh tồn tại theo điều tiết thị trường, mà cần sự hỗ trợ của Chính phủ thông qua hệ thống chính sách như các nước đã và đang thực hiện”, ông Đào Phan Long đề nghị.

Tổng Giám đốc Tổng công ty Lắp máy Việt Nam Lê Văn Tuấn cũng cho rằng, để thúc đẩy ngành chế tạo cơ khí trong nước phát triển, nhà nước cần quy định rõ ràng và giám sát chặt chẽ, nghiêm minh đối với các dự án đầu tư tại Việt Nam, không phân biệt nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, tư nhân hay vốn đầu tư nước ngoài… Nếu các phần việc cơ khí trong nước có thể chế tạo, sản xuất được, bắt buộc do các DN cơ khí trong nước thực hiện. Việc này phải được xem xét và phê duyệt ngay từ giai đoạn lập, quy hoạch và phê duyệt dự án đầu tư.

Tối ưu hóa hoạt động

Đồng quan điểm trên, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam Toru Kinoshita cho rằng, bất lợi lớn của nhiều nhà cung ứng tại Việt Nam là quy mô, sản lượng nhỏ do dung lượng thị trường ở Việt Nam nhỏ; kỹ năng, trình độ chuyên môn sâu của người lao động ở những mặt hàng phức tạp, đòi hỏi tay nghề cao còn hạn chế và đặc biệt nhiều nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất phụ thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu, trong nước chưa sản xuất được. Nguyên nhân xuất phát từ sự yếu kém của cơ khí Việt Nam do thiếu ngành công nghiệp vật liệu chất lượng cao, công nghiệp phụ trợ phát triển hạn chế, quản trị và cung ứng còn thấp khiến doanh nghiệp chỉ sản xuất được một số linh phụ kiện đơn giản như ghế ngồi, cụm dây điện…

Ở góc nhìn về đầu tư công nghệ cho ngành chế tạo cơ khí Việt Nam, Giám đốc Dự án Cơ khí chế tạo máy móc và thiết bị khu vực châu Á William Lim cho biết, cách mạng công nghiệp 4.0 đang mở ra nhiều cơ hội và thách thức lớn cho các DN tại Việt Nam. Để cạnh tranh phát triển và hội nhập, DN cơ khí Việt Nam cần phải nhanh chóng nắm bắt cơ hội, xác định rõ các thách thức, cập nhật và cải tiến quy trình sản xuất, công nghệ mới… qua đó nâng cao chất lượng sản phẩm, năng lực cạnh tranh.

“Một thời đại khi hệ thống vận hành không còn phụ thuộc vào con người, thiết bị máy móc cần được cải tiến để trở nên thông minh và tối ưu hóa hết khả năng hoạt động. Thực tế chỉ ra rằng, DN Việt Nam vẫn đang loay hoay với việc cải tiến và tìm kiếm con đường đi đúng đắn để bắt kịp những nhu cầu ngày càng cao của thị trường thế giới”, ông William Lim đánh giá.

Theo các chuyên gia, cuộc xung đột thương mại giữa các cường quốc vẫn chưa có hồi kết. Hiện các tập đoàn lớn đã ngầm khởi động chương trình tìm kiếm một thị trường mới để đổ bộ và xây dựng những xưởng sản xuất mới. Hiện nay, ngoài Việt Nam, các quốc gia như Ấn Độ, Thái Lan, Malaysia và Indonesia đều là những ứng cử viên nặng ký cho cuộc “trường chinh” này. Do đó, DN Việt Nam cần nhanh chóng áp dụng các thành tựu của công nghiệp 4.0 nhằm tăng cấp số nhân vận tốc quản trị, phát triển văn hóa dữ liệu và hỗ trợ giảm chi phí, rút ngắn thời gian đào tạo quản lý trung cấp.

Bên cạnh đó, DN cũng phải đối đầu với những thách thức đến từ gia tăng chi phí cao, đáp ứng sự chuẩn xác của quy trình và tính kỷ luật, sự thay đổi trong cơ cấu quản trị. Vì vậy, thực tế đòi hỏi DN phải cải tổ lớn, đặt ra một chiến lược dài hạn để giữ vững lợi thế cạnh tranh trong nền kinh tế toàn cầu.

Nguồn: SGGP

CHIA SẺ TIN