Thị trường và chính sách của Nhà nước cần thiết với ngành Cơ khí chế tạo “made in Việt Nam”

Bài viết này tôi muốn trao đổi về 2 lĩnh vực thị trường của sản xuất cơ khí Việt Nam và chính sách của Nhà nước trong thời gian tới sẽ như thế nào để giúp các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cơ khí nội địa phát triển nhanh, bền vững để góp phần tham gia xây dựng đất nước ta phồn vinh, độc lập tự chủ trong những năm tới.

Đẩy mạnh tỷ lệ nội địa hóa các nhà máy xi măng

Đại hội Đảng lần thứ XIII – 2020 đề ra: Nhiệm vụ của Đảng là lãnh đạo đất nước sao cho đến năm 2030 kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng và 2045 kỷ niệm 100 năm thành lập nước, Việt Nam phải trở thành nước công nghiệp phát triển, nhân dân có mức sống cao, hạnh phúc, an sinh xã hội và an ninh quốc phòng vững mạnh, đất nước có vị thế trên trường quốc tế… là rất cao đẹp được toàn dân ủng hộ.

Là những người hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp cơ khí chúng ta sẽ làm gì để góp phần thực hiện sự nghiệp cao cả này chắc chắn sẽ là câu hỏi được nhiều người làm cơ khí chúng ta quan tâm và trao đổi. Vì vậy Hiệp hội doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI) mong muốn thông qua Tạp chí điện tử CKĐS để có những ý kiến tâm huyết, khoa học, thực tế… của các doanh nghiệp, cơ quan nghiên cứu, đào tạo nguồn nhân lực và quản lý nhà nước cùng các chuyên gia, nhà khoa học Tham gia mục Diễn đàn cơ khí viết bài gửi đăng trên Tạp chí của Hiệp hội.

Chúng ta vui mừng sau hơn 30 năm Việt Nam đã hình thành nhiều ngành kinh tế, kỹ thuật sản xuất hàng hóa của nhiều thành phần sở hữu nắm giữ, trong đó có sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, khoa học công nghệ, dịch vụ và hình thành khối các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài FDI. Trên cơ sở vật chất, nguồn nhân lực kỹ thuật đã có hiện nay ngành công nghiệp cơ khí Việt Nam muốn phát triển nhanh trong những năm tới cần xem xét một số vấn đề dưới đây.

Thứ nhấtlàm doanh nghiệp trước hết phải tính đến nhu cầu và dung lượng của thị trường nội địa và quốc tế.

Sản xuất mà không có thị trường thì không thể sống và phát triển được. Đó là quy luật. Hiên nay, Việt Nam có thị trường nội địa 100 triệu dân và thị trường quốc tế rất tốt thông qua các Hiệp định thương mại tự do, đây là thuận lợi lớn mà không nhiều quốc gia có được. Muốn có thị trường cho một số ngành hàng của mình trong những năm tới Việt Nam chúng ta cần nhận thức thị trường là Vốn, là Tài nguyên của quốc gia để ra sức xây dựng và bảo vệ.

Thứ hai là phải lấy mục tiêu xây dựng được nội lực quốc gia đủ sức để tự chủ hội nhập kinh tế quốc tế độc lập, tự chủ và đảm bảo anh ninh quốc phòng, an sinh xã hội.

Thứ ba là Nhà nước cần dựa trên trình độ kinh tế, văn hóa, xã hội, nguồn lực của Việt Nam kết hợp hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng để ban hành một hệ thống chính sách đồng bộ, ổn định, công minh nhằm đảm bảo thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam ổn định và bền vững trong những năm tới.

Cuối cùng, có thể khẳng định việc xây dựng phát triển nhanh nhiều ngành kinh tế, kỹ thuật là cần thiết cho đất nước để CNH-HĐH, song do nguồn lực có hạn nên việc lựa chọn phát triển mạnh những ngành kinh tế, công nghiệp, kỹ thuật nào để tập trung nguồn lực xã hội cần được nhà nước xem xét để phát triển.

Đây chính là những vấn đề quan trọng để Việt Nam tiếp tục phát triển kinh tế xã hội thực hiện CNH – HĐH đất nước trong những năm tới theo tinh thần Đại hội Đảng XIII. Xin được nói rõ hơn như dưới đây.

Trước hết xin nói về Thị Trường:  Theo số liệu chưa thật đầy đủ cho thấy trung bình 5, 10 năm đã qua Việt Nam thường nhập khẩu từ nước ngoài trên dưới 40 tỷ USD/năm các trang thiết bị, máy, vật tư sản xuất cho toàn ngành kinh tế bao gồm sản xuât công nghiệp, nông nghiệp, xây dựng hạ tầng, dịch vụ và an ninh quốc phòng. Đó là thị trường khá lớn mà nhiều nước muốn có mà không được. Thế nhưng ngành cơ khí nội địa Việt Nam lại không có được nhiều thị phần, phải “tự bơi” trong cơ chế thị trường chưa hoàn thiện còn nhiều bất cập và chưa nhận được sự hỗ trợ hữu hiệu từ hệ thống chính sách của nhà nước để có nhiều đơn hàng từ đầu tư công như các nước khác. Dẫn đến cơ khí nội địa của nước ta đã thiếu đơn hàng và bị thua thiệt ngay trên sân nhà. Nguyên nhân tạo ra thực trạng trên là do cả chính sách, cơ chế của nhà nước và sự quản trị yếu kém của các doanh nghiệp cơ khí nội địa Việt Nam.

Các doanh nghiệp sẽ tham gia nhiều vào các dự án công, làm chủ thầu nhiều dự án EPC, …

Theo thư của Cựu Phó Chủ tịch Quốc Hội Phùng Quốc Hiển đã gửi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mà tôi được biết, xin trích:… “Tới đây chúng ta sẽ triển khai nhiều dự án lớn quan trọng của quốc gia có tổng mức đầu tư lớn như: Quy hoạch điện 8 giai đoạn từ 2021 đến 2030 khoảng 133 tỷ USD, đường sắt tốc độ cao 50-60 tỷ USD, Cảng hàng không quốc tế Long Thành, các tuyến đường sắt nội đô, các công trình giao thông, thủy lợi, dầu khí, kinh tế biển, đóng tầu, ô tô, xe máy

Tôi thiết nghĩ, có lẽ ta nên quy định chặt chẽ tỷ lệ hợp lý trong khối lượng và giá trị dự án để đảm bảo dành cho doanh nghiệp cơ khí nội địa tham gia như thông lệ quốc tế, không nên cái gì cũng đi mua của nước ngoài mà khuyến khích nhận chuyển giao công nghệ để tự làm. Như vậy các doanh nghiệp cơ khí lớn có thể tham gia. Khi khảo sát tại các Công ty CP Ô tô Trường Hải, Công ty CP Xe lửa Gia Lâm thuộc Tổng công ty đường sắt Việt Nam, các doanh nghiệp này cho biết  ngoài các toa xe khách, xe hàng cho đường sắt quốc gia, nhà máy hoàn toàn có thể tự đóng được các toa xe nhẹ cho đường sắt đô thị (metro) nếu được yêu cầu. Và gần đây, việc tắc nghẽn cung ứng toàn cầu thiếu “công” cho các tàu vận tải, các doanh nghiêp cơ khí trong nước hoàn toàn có thể đảm nhiệm được. Nhà nước cũng có thể ưu đãi cho các doanh nghiệp đóng tàu về thuế và chính sách hỗ trợ đóng đổi tàu mới cho các doanh nghiệp vận tải để có thể tham gia vào thị trường logistic thúc đẩy xuất khẩu khi thị trường đã đủ lớn và tăng trưởng nhanh. Không để thị phần này gần hết cho nước ngoài mà không thể chủ động được.  

Bên cạnh đó, chúng ta cần kiểm soát chặt chẽ việc cấp chứng nhận xuất sứ hàng hóa xuất khẩu Việt Nam/ASEAN gắn với tỷ lệ nội địa hóa ở cả khu vực doanh nghiệp FDI cũng như cơ khí nội địa tránh tình trạng chuyển giá trong doanh nghiệp FDI nâng khống giá trị sản xuất trong nước khi thực sự chưa đạt yêu cầu để hưởng các chính sách ưu đãi của nhà nước”.

Như vậy, rất rõ thị trường nội địa của cơ khí Việt Nam không hề nhỏ bé như nhiều người vẫn nói khi làm chính sách. Vấn đề là các doanh nghiệp làm cơ khí nội địa và chính phủ phải tìm mọi cách để xây dựng và bảo vệ thị trường cơ khí nội địa và coi đó như tài nguyên quý giá của đất nước.

Sau hơn 3 thập niên, công nghiệp cơ khí nội địa Việt Nam đã chế tạo được một số phân ngành sản phẩm có lợi thế cạnh tranh trong nội địa và khu vực. Đó là các phân ngành sản phẩm chế tạo kết cấu thép, sản xuất hàng phi tiêu chuẩn, chế tạo một số máy, thiết bị, phụ tùng phục vụ nhu cầu ngành điện lực, dầu khí, khai thác khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng, chế tạo một số máy canh tác, chế biến, bảo quản nông lâm hải sản, lắp ráp ô tô, đóng tàu viễn dương, tầu chở khách và vận tải thủy, xử lý môi trường và sản xuất một số hàng tiêu dùng phục vụ dân sinh… nhưng giá trị gia tăng và hiệu quả thấp. Để có thể có nhiều sản phẩm cơ khí có tỷ lệ nội địa hóa cao, có hàm lượng công nghệ lớn, chắc chắn Nhà nước cần có những chính sách hỗ trợ đặc biệt, miễn giảm thuế cho doanh nghiệp nào có thể thực hiện được sản xuất trong nước. Từ đó, những sản phẩm cơ khí Made in Việt Nam mới có cơ hội trình làng. Người lao động Việt Nam, và người làm cơ khí mới có cơ hội nắm bắt xu hướng nền cơ khí hiện đại và đạt được mức thu nhập cao.

Chúng ta thấy rõ minh chứng sống vừa qua hơn 18 triệu người lao động 19 tỉnh từ phía Nam, đặc biệt từ 2 tỉnh Bình Dương và Đông Nai nơi tập trung các khu công nghiệp, khu chế xuất công nghệ cao, chính họ đã không thể sống được với mức lương trung bình chỉ ở mức 6-7 triệu đồng/tháng.

Với suy nghĩ của người làm cơ khí nhiều năm tôi rất tâm đắc những ý kiến của Cựu Phó Chủ tịch Quốc hội Việt Nam mới đây khi nói về vai trò và sự cần thiết của cơ khí nội địa Việt Nam. Xin phép được trích dẫn:

“… Những năm gần đây, dưới chủ trương, đường lối của Đảng, sự vào cuộc của Quốc Hội và điều hành quyết liệt của Chính phủ, bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp, đến nay, quá trình cơ cấu lại ngành công nghiệp đang đi vào thực chất. Công nghiệp đã trở thành ngành có tốc độ tăng trưởng và năng suất lao động cao nhất trong các ngành kinh tế quốc dân. Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong cơ cấu nội ngành ước đạt 92,3% vào năm 2019, trở thành động lực tăng trưởng chính với tốc độ tăng trưởng bình quân ước đạt 10,69%. Chỉ số năng lực cạnh tranh công nghiệp so với các nước ASIAN- 4 ngày càng được thu hẹp với vị trí đứng thứ 44 trên thế giới… Tuy nhiên, con số trên là bao gồm các sản phẩm công nghiệp do doanh nghiệp FDI nắm giữ, còn doanh nghiệp cơ khí, chế biến, chế tạo của Việt Nam thì thấp hơn nhiều. Đồng thời tốc độ tăng năng suất lao động ngành công nghiệp vẫn rất thấp so với các nước trong khu vực, công nghệ chậm đổi mới, phần lớn tụt hậu so với mức trung bình của thế giới 2-3 thế hệ, nguồn nhân lực chất lượng cao, có tay nghề cao trong công nghiệp còn thiếu. Chuyển dịch cơ cấu nội ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chậm, chủ yếu vẫn hoạt động ở phân khúc thấp trong chuỗi giá trị toàn cầu và nước ta chủ yếu vẫn làm gia công, lắp ráp. Việt Nam chưa chủ động được nguồn đầu vào cho sản xuất và phải nhập khẩu tới 91,2% tư liệu sản xuất, dẫn đến tỷ lệ nội địa hóa và giá trị gia tăng trong nước đạt thấp.

Trong khi đó, cơ khí chế tạo luôn được Đảng và Nhà nước ta xác định là ngành công nghiệp cực kỳ quan trọng trong nền kinh tế quốc dân vì thiếu nó hoặc do nó không phát triển, thì chúng ta sẽ cả đời đi làm thuê cho nước ngoài với tiền công rẻ mạt, tiềm lực kinh tế và quốc phòng khó mà phát triển được. Chúng ta thực hiện cuộc cách mạng 4.0 nhưng công nghiệp cơ khí, chế tạo trong nước như hiện nay thì rất khó có thể CNH, HĐH thành công, nền kinh tế khó đảm bảo độc lập, tự chủ…”.

Do đó, để phát huy nội lực của DN cơ khí, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, phát triển ngành cơ khí cũng như củng cố, phát huy kinh nghiệm của đội ngũ chuyên gia, cán bộ quản lý, máy móc thiết bị, Nhà nước cần có cơ chế khuyến khích để các đơn vị này có thể tiếp tục tham gia vào các dự án lớn trong thời gian tới. Nếu thực hiện thành công một vài dự án, các DN sẽ tích lũy đủ năng lực để cạnh tranh với các tập đoàn công nghiệp nước ngoài tại Việt Nam cũng như vươn ra thị trường khu vực.

Để làm rõ hơn câu chuyện thị trường các sản phẩm cơ khí tại Việt Nam xin dẫn chứng: Chỉ riêng năm 2018, với chỉ 01 doanh nghiệp cơ khí nước ngoài đang sản xuất kinh doanh rất hiệu quả tại thị trường Việt Nam. Theo báo cáo của đơn vị có liên doanh với Honda Việt Nam, năm 2018 doanh thu của Công ty Honda Việt Nam là xấp xỉ 5 tỷ USD, với có số này cho thấy thị trường nội địa của cơ khí Việt Nam có dung lượng lớn như thế nào nên đã hấp dẫn các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào nước ta? Tuy nhiên, các doanh nghiệp phụ trợ gần đây chiếm tỷ lệ cao là các doanh nghiệp nước ngoài, chứ doanh nghiệp cơ khí nội địa không mấy có cơ hội. Chúng ta cần phải có cơ chế chính sách tạo thị trường cho các doanh nghiệp nội địa, các doanh nghiệp cần phải tham gia các vào các khâu từ thấp lên cao trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Và không thể để tỷ lệ các doanh nghiệp cơ khí chế tạo nước ngoài chiếm hết thị phần của các doanh nghiệp nội địa.

Muốn xây dựng và bảo vệ thị trường nội địa cho cơ khí, Nhà nước phải nhanh chóng ban hành và chỉ đạo thực hiện dùng hàng rào kỹ thuật, xuất sứ hàng hóa …  như các nước đã và đang chủ động thực hiện. Cần xem xét việc bình đẳng các ưu đãi đầu tư giữa doanh nghiệp cơ khí nội địa và doanh nghiệp FDI. Nhà nước cần tạo nhiều đơn hàng đầu tư công thông qua đấu thầu cho doanh nghiệp cơ khí chế tạo nội địa. Chủ đầu tư các dự án đầu tư công có quy mô lớn ở Việt Nam phải có phụ lục nêu rõ những phần việc để doanh nghiệp nội địa tham gia đấu thầu thực hiện. 

Thứ hai về chính sách của Đảng & Nhà nước đối với công nghiệp cơ khí trong nhiều năm qua.

Với tinh thần cần nhìn thẳng sự thật, nói đúng sự thật xin nêu một số vấn đề dưới đây để lựa chọn mặt tích cực, khắc phục mặt hạn chế khi xây dựng phát triển công ngiệp cơ khí Việt Nam.

Theo tôi, Chính phủ chỉ đạo các Bộ Ban ngành liên quan để có thể tổ chức một cuộc Tổng điều tra, đánh giá lại thực trạng của toàn ngành cơ khí để có thể xác định rõ 3 vấn đề sau:

– Trước hết cần xem xét thực trạng ngành cơ khí chế tạo nước ta hiện nay bị tụt hậu so với khu vực như thế nào? Nguyên nhân chủ quan và khách quan?

– Đánh giá năng lực nghiên cứu KHCN, phương pháp tiếp cận và ứng dụng công nghệ mới, tiên tiến của doanh nghiệp cơ khí nội địa Việt Nam đang ở đâu khi nước ta đã tham gia hội nhập kinh tế toàn cầu?

– Nêu lên khó khăn về cơ chế chính sách (chủ quan) và áp lực cạnh tranh xâm chiếm thị trường Việt Nam của nước ngoài (khách quan)?

– Đặc biệt thông qua đấu thầu công khai nhà nước cần có cơ thích hpowjp để  tạo được nhiều đơn hàng đầu tư công cho các doanh nghiệp cơ khí nội địa trong thời gian tới. Việc này nước nào cũng đã riết ráo thực hiện chả có gì mới!

Qua kinh nghiệm và bài học thực hiện CNH của các nước công nghiệp, đang phát triển đã cho thấy: Để xây dựng phát triển công nghiệp cơ khí của quốc gia là một việc hết sức khó khăn, nhưng không thể không làm, vì khi quốc gia có nền sản xuất cơ khí không thua kém các nước khác mới có thể độc lập, tự chủ, đảm bảo an ninh quốc phòng để thực hiện xây dựng phát triển được kinh tế xã hội trong tình hình thế giới đầy biến động.

Thay cho lời kết bài viết bàn về thị trường và chính sách phát triển Cơ khí chế tạo nội địa của Việt Nam tôi xin được trân trọng trích ý kiến của Cựu Phó Chủ tịch Quốc Hội Phùng Quốc Hiển:“… Từ kinh nghiệm tập trung chỉ đạo ngành nông nghiệp phát triển vượt bậc trong thời gian qua, tôi nhận thấy nếu được chúng ta quyết tâm, sâu sát, chỉ đạo thì ngành cơ khí chế tạo nội địa của Việt Nam cũng sẽ có những bước phát triển đột phá như ngành nông nghiệp đã làm được trong thời gian qua. Với tài năng của con người Việt Nam và nền tảng hiện có, nếu được đầu tư và khuyến khích, thúc đẩy thì công nghiệp cơ khí, chế biến, chế tạo của Việt Nam cũng sẽ làm nên kỳ tích “Made in Vietnam” như chúng ta mong muốn”.

Tôi mong muốn có nhiều bài viết về chủ đề này để  góp phần giúp ngành cơ khí nội địa Việt Nam phát triển bền vững, có thị trường tốt hơn trong những năm tới./.

Đào Phan Long, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI)

CHIA SẺ TIN