Doanh nghiệp da giày chỉ biết đứng nhìn đơn hàng bị cắt đứt vì nhà máy không thể sản xuất

Các tháng đầu năm nay, ngành da giày vẫn duy trì được đà tăng trưởng với ước tính kim ngạch xuất khẩu hơn 14 tỷ USD, tăng 25,3% nhưng thời điểm hiện tại, ngành này đối mặt nỗi lo xu hướng xuất khẩu sẽ sụt giảm khi các doanh nghiệp không thể hoạt động dù đơn hàng tấp nập do tác động của đại dịch COVID-19.

Đối tác chuyển dần đơn hàng sang các nước khác

Khi dịch COVID-19 bùng phát mạnh tại các tỉnh phía Nam, doanh nghiệp sản xuất muốn duy trì hoạt động phải đáp ứng được mô hình “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường, 2 điểm đến”. Tuy nhiên, đến nay không phải doanh nghiệp nào cũng có thể thực hiện được, thậm chí nhiều doanh nghiệp phải ngừng sản xuất kinh doanh.

Đơn cử như Công ty Cổ phần Tập đoàn Gia Định hiện tại đã phải đóng cửa cả 5 nhà máy dù đơn hàng ở các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu… đã được ký đến hết tháng 12 năm nay.

Chia sẻ với người viết, ông Nguyễn Chí Trung, Chủ tịch Công ty Cổ phần Tập đoàn Gia Định, cho biết công ty đã triển khai mô hình “3 tại chỗ” nhưng không mang lại hiệu quả bởi nó rất tốn kém trong quá trình tổ chức, trong khi đó việc đảm bảo an toàn cho số đông người lao động cũng không khả thi.

“Chỉ cần một người nhiễm bệnh thì nó lây ra cho tất cả, không cách nào ngăn chặn. Minh chứng là đã có nhiều công ty phải cho giải tán mô hình “3 tại chỗ” sau khi phát hiện nhiều ca bệnh.

Giải pháp này chỉ dành cho các công ty ít công nhân, còn với ngành da giày với hàng nghìn công nhân thì không có cách nào tổ chức hợp lý”, ông Trung chia sẻ.

Đây không phải là trường hợp duy nhất, theo bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày – Túi xách Việt Nam (Lefaso), việc thực hiện giãn cách xã hội tại các tỉnh phía Nam như TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước… là những địa phương tập trung nhiều doanh nghiệp da giày lớn gần như đã đóng cửa hết vì không thể thực hiện mô hình “3 tại chỗ”.

“Còn các doanh nghiệp khu vực phía Bắc dù vẫn hoạt động nhưng với công suất chỉ 50% do thiếu nguyên phụ liệu từ các nhà máy phía Nam trong khi việc nhập khẩu từ Trung Quốc cũng không thuận lợi do việc di chuyển gặp khó khăn nên họ cũng không đáp ứng ngay cho doanh nghiệp mình được. Do đó, các đối tác đã dần chuyển đơn hàng sang các nước khác”, bà Xuân cho biết.

Ông Nguyễn Chí Trung cũng thừa nhận những khó khăn hiện nay thì việc các đơn hàng bị đứt quãng là chuyện hiển nhiên xảy ra.

“Các đơn hàng giao trong tháng 9, tháng 10 của công ty đã bị đối tác cắt và chuyển sang các nước khác như Trung Quốc. Khách hàng cũng cảnh báo nếu tháng 9 không phục hồi sản xuất thì đơn hàng tháng 11, 12 cũng sẽ cắt vì họ không thể chờ đợi lâu được”, đại diện Tập đoàn Gia định chia sẻ.

Doanh nghiệp da giày phải gánh chịu nhiều tổn thất lâu dài

Theo ông Nguyễn Chi Trung thiệt hại của doanh nghiệp trước mắt là rất lớn vì nguyên vật liệu công ty đã nhập về mà không thể sản xuất. Thứ hai là với đối tác đã cắt đơn hàng thì khi dịch bệnh qua đi việc đơn hàng quay trở lại Việt Nam là rất khó, công ty sẽ mất một thời gian dài để khôi phục.

Ngoài ra, công nhân hiện đã về quê để tránh dịch nên khi có đơn hàng cũng không có người để sản xuất và việc công nhân quay trở lại làm việc cũng không thể một vài ngày là đủ sau khi dịch bệnh đã ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống của họ.

“Doanh thu tháng 7 của công ty đã giảm 50%, đến tháng 8 thì đã ngưng sản xuất nên doanh thu mất 100%, còn tháng 9 thì chưa biết tình hình thế nào.

Trong khi đó, các chi phí duy trì nhà máy, trả lương cho công nhân, đặc biệt là lãi vay ngân hàng vẫn phải chi trả đầy đủ. Còn các gói hỗ trợ của Nhà nước vẫn chưa đến tay doanh nghiệp và người lao động với nhiều lý do như đang triển khai, đang chờ đợi…nên gần như doanh nghiệp phải tự bơi rất khó khăn”, ông Trung chia sẻ.

Theo số liệu của Lefaso, trong tháng 7, xuất khẩu da giày vẫn tiếp tục tăng do đơn hàng xuất khẩu tăng trong các tháng đầu năm và các lô hàng đã sản xuất từ các tháng trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát mạnh tại tỉnh phía Nam.

Kim ngạch xuất khẩu da giày tháng 7 tăng 25,5%, trong đó giày dép tăng 27% và túi xách tăng 18,3%. Ước tính tổng kim ngạch xuất khẩu da giày 7 tháng đầu năm đạt 14,2 tỷ USD, tăng 25,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, dịch COVID-19 bùng phát mạnh tại các tỉnh phía Nam đã ảnh hưởng mạnh đến sản xuất và suy giảm xuất khẩu da giày của Việt Nam trong các tháng cuối năm.

“Khó khăn hiện nay khiến ngành hàng hết sức lo lắng cho mục tiêu xuất khẩu hơn 20 tỷ USD của năm nay. Hiện các doanh nghiệp cũng đang theo dõi tình hình kiểm soát dịch bệnh đến 15/9 để xem khả năng phục hồi sản xuất của nhà máy. Tuy nhiên, vẫn chưa thể chắc chắn để trả lời đối tác”, bà Phan Thị Thanh Xuân cho hay.

Trước thực tế của ngành hàng, đại diện Tập đoàn Gia Định cho rằng các doanh nghiệp phải được sự hỗ trợ sớm từ Chính phủ, làm sao hạn chế tối đa việc đứt gãy chuỗi sản xuất để khách hàng không cắt đơn hàng và người lao động không bị mất việc làm.

“Chính phủ phải khẩn trương tiêm vắc xin càng nhiều càng tốt đặc biệt là các ngành nhiều lao động như da giày.

Đồng thời cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp như vay tín dụng lãi suất 4-5% vì hiện nay doanh nghiệp không có đơn hàng mà vẫn phải trả lãi suất cao 6,5-6,8% ngắn hạn thì về lâu dài doanh nghiệp sẽ không chịu nổi.

Ngoài ra cần có các gói khuyến khích vay 0 đồng trong thời gian ngắn để doanh nghiệp có thể phục hồi sản xuất sau dịch bệnh”, ông Nguyễn Chí Trung đề xuất.

Nguồn: vietnambiz.vn

CHIA SẺ TIN