Kỹ thuật khuôn mẫu: Giải pháp cho các doanh nghiệp tại Việt Nam

Trên thế giới, cuộc cách mạng về máy tính điện tử đã có tác động lớn vào nền sản xuất công nghiệp. Đặc biệt, trong ngành công nghiệp chế tạo khuôn mẫu chính xác, công nghệ thông tin đã được ứng dụng rộng rãi, để nhanh chóng chuyển đổi các quá trình sản xuất theo kiểu truyền thống sang sản xuất công nghệ cao; nhờ đó các giai đoạn thiết kế và chế tạo khôn mẫu từng bước được tự động hoá.

Theo số liệu thống kê của cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ – Bộ Khoa học Công nghệ công bố, giá trị của ngành công nghiệp khuôn mẫu tại Việt Nam ước chừng 1 tỷ USD/năm, với tỷ lệ tăng trưởng 18%/năm . Các công ty khuôn mẫu Việt Nam chủ yếu tập trung tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, đây cũng là hai trung tâm kinh tế lớn, tập trung nhiều doanh nghiệp là khách hàng của ngành khuôn mẫu như nhựa, bao bì, cơ khí… Tại Việt Nam hiện có 355 doanh nghiệp FDI đang đầu tư sản xuất khuôn mẫu để phục vụ các tập đoàn quốc tế như Samsung, Huyndai, Toyota, Canon, v.v… Ngoài ra, trong một số ngành công nghiệp như thiết bị điện tử cao cấp, hàng không… vẫn phải nhập khẩu các khuôn mẫu công nghệ cao từ Nhật Bản và Malaysia…

Phân bổ doanh nghiệp công nghệ khuôn mẫu ở các địa phương

Hạn chế về năng lực công nghệ, thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những khó khăn mà các doanh nghiệp ngành cơ khí khuôn mẫu hiện nay đang phải đối mặt. Trong khi đó, số lượng kỹ sư được đào tạo ra trường hàng năm còn ít và không thể làm việc được nếu không được đào tạo lại.

Hiện nay, tuyển dụng lao động trong lĩnh vực khuôn mẫu cũng là một vấn đề lớn đối với các doanh nghiệp. Nhiều công ty tuyển dụng phải chấp nhận rằng họ sẽ phải đào tạo các kỹ năng và kiến thức công nghệ cho các sinh viên học từ ngành khác chuyển sang, đây là một trong những thách thức mà họ đang phải đối mặt trong sản xuất, kinh doanh. Thực tế cho thấy yêu cầu phải có ít nhất 4 năm học các ngành cơ khí và 5 năm kinh nghiệm làm việc để đào tạo được một kỹ sư phục vụ cho ngành khuôn mẫu. Bên cạnh đó, hiện nay cũng chưa có cơ sở nào đào tạo chuyên sâu về lĩnh vực công nghệ khuôn mẫu tại Việt Nam.

Đáng chú ý, doanh nghiệp Việt Nam chỉ làm 8,5% khuôn ép, còn lại là khuôn dập. Do đó, nhu cầu về khuôn mẫu cho sản xuất nhựa, cơ khí, chi tiết máy, linh kiện… để nâng cao chất lượng sản phẩm là rất lớn, giúp doanh nghiệp nội địa tăng năng lực tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.

Với nhu cầu nguồn nhân lực trong tương lai đáp ứng được sự phát triển công nghiệp của đất nước cũng như nguồn nhân lực về ngành công nghệ khuôn mẫu cho các Doanh nghiệp trong nước và FDI cần phải có sự chuẩn bị và đầu tư đúng hướng. Vì vậy, việc đào tạo ngành Công nghệ kỹ thuật khuôn mẫu nhằm cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho các Doanh nghiệp và đáp ứng sự phát triển nền sản xuất khuôn mẫu là rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay.

CHIA SẺ TIN