Khi pin năng lượng mặt trời xuất khẩu của Việt Nam dính điều tra về giá, không ít người giật mình truy vấn xem nguồn cung mặt hàng xuất khẩu này đến từ đâu.
Dính điều tra từ Ấn Độ
Bộ Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ mới đây đã khởi xướng điều tra giá đối với một số sản phẩm pin năng lượng mặt trời nhập từ Trung Quốc, Thái Lan và Việt Nam. Nguyên đơn trong vụ việc là Hiệp hội Các nhà sản xuất pin năng lượng mặt trời Ấn Độ, đại diện cho các công ty Mundra Solar PV Limited, Jupiter Solar Power Limited và Jupiter International Limited.
Các doanh nghiệp này cáo buộc pin năng lượng mặt trời có xuất xứ hoặc nhập khẩu từ Việt Nam có hành vi bán phá giá, gây thiệt hại đáng kể cho sản xuất nội địa của Ấn Độ. Đáng lo ngại, Ấn Độ còn cho rằng, sản phẩm pin năng lượng mặt trời có xuất xứ hoặc nhập khẩu từ Trung Quốc, Thái Lan và Việt Nam có biên độ bán phá giá cao, vượt ngưỡng tối thiểu (tức trên 2%).
Từ trước tới nay, thế giới vẫn biết đến Việt Nam là quốc gia xuất khẩu dệt may, giày dép, thủy sản, điện thoại…, chứ ít ai nghĩ tới pin năng lượng mặt trời. Khi mặt hàng này dính kiện phòng vệ, không ít người đã giật mình truy vấn xem nguồn cung của mặt hàng xuất khẩu này đến từ đâu, nhất là trong bối cảnh ngành sản xuất pin năng lượng mặt trời trong nước còn mỏng và yếu.
Tại Việt Nam, Công ty cổ phần Năng lượng IREX (thành viên của Tập đoàn Năng lượng mặt trời Bách Khoa – SolarBK) là doanh nghiệp nội duy nhất sản xuất pin năng lượng mặt trời, nhưng chiếm thị phần rất thấp, phần còn lại đều do các doanh nghiệp FDI bao trọn, chủ yếu là doanh nghiệp Trung Quốc, Mỹ, Canada.
Thời gian qua, Việt Nam đã đón một lượng vốn FDI vào xây dựng nhà máy sản xuất pin năng lượng mặt trời, nhằm khai thác tiềm năng và đáp ứng nhu cầu sử dụng điện mặt trời ngày càng tăng cao cả trong nước và xuất khẩu. Bên cạnh một vài dự án của nhà đầu tư đến từ Mỹ và Canada, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc và Đài Loan đã đến Việt Nam, trong đó không ít nhà sản xuất thuộc nhóm đầu của Trung Quốc và thế giới như JA Solar, Trina Solar, hay Jinko Solar…
Điển hình, nhà máy sản xuất pin mặt trời tại Bắc Giang của Công ty TNHH Trina Solar Việt Nam được đưa vào hoạt động năm 2017, 100% vốn đầu tư của Tập đoàn Trina Solar (Trung Quốc). Dự án có tổng vốn đầu tư lên đến 100 triệu USD, với 14 dây chuyền.
Cũng tại Bắc Giang, năm 2016, Nhà máy JA Solar Việt Nam được khởi công tại Khu công nghiệp Quang Châu, do JA Solar Investment (Hồng Kông) đầu tư, có tổng vốn đầu tư hơn 1 tỷ USD, với quy mô gồm sản xuất tấm pin mặt trời công suất 1.500 MW/năm. Trong khi đó, tại Hải Phòng, Dự án HT Sola cũng của nhà đầu tư Trung Quốc, được cấp phép để sản xuất bảng pin năng lượng mặt trời, tổng vốn đầu tư 22 triệu USD.
Kiểm soát chặt hàng nhập khẩu
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, bà Nguyễn Thùy Ngân, Giám đốc thương hiệu của Solar BK cho biết, Solar BK có xuất khẩu sản phẩm sang châu Âu, Mỹ, Ấn Độ, nhưng số lượng rất ít. Khi tấm pin năng lượng mặt trời Việt Nam bị Ấn Độ khởi xướng điều tra chống bán phá giá và đứng trước nguy cơ bị áp thuế, thì ảnh hưởng sẽ đổ lên đầu doanh nghiệp nội. Rủi ro hơn, chỉ cần Ấn Độ điều tra, kết luận và áp thuế, thì đó sẽ là cơ sở để một số thị trường nhập khẩu khác “soi” hàng nhập từ Việt Nam và khó khăn cho doanh nghiệp làm ăn nghiêm túc là không tránh khỏi.
Trong vụ việc Ân Độ khởi xướng điều tra pin năng lượng mặt trời, một lần nữa, câu chuyện kiểm soát chặt chẽ hơn đối với hàng nhập khẩu để tránh tình trạng lẩn tránh xuất xứ “Made in Việt Nam” để xuất khẩu tiếp tục được lưu ý. Bởi không loại trừ khả năng doanh nghiệp nước ngoài nhập khẩu một số chi tiết, linh kiện về Việt Nam chỉ để gia công, lắp ráp rồi xuất khẩu, do thuế nhập khẩu nhiều mã HS tấm pin năng lượng mặt trời về Việt Nam đang ở mức 0%.
Chưa kể, chính sách nhập khẩu tấm pin năng lượng mặt trời hiện rất thông thoáng, không nằm trong danh mục hàng cấm nhập khẩu hay phải xin giấy phép nhập khẩu, cũng không phải làm bất cứ kiểm tra chuyên ngành nào khác.
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, năm 2020 chứng kiến mức tăng kỷ lục về nhập khẩu pin năng lượng mặt trời, với 114,6 triệu tấm pin, trị giá gần 2,5 tỷ USD, tăng 185% so với năm 2019.
Nguồn: Báo Đầu tư