5 giải pháp để ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục phục hồi, động lực tăng trưởng kinh tế

Theo Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Hệ thống Tài khoản quốc gia – Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Mai Hạnh, cần thực hiện 5 giải pháp để ngành ngành công nghiệp chế biến, chế tạo phục hồi, tiếp tục là động lực cho tăng trưởng kinh tế trong 6 tháng cuối năm.

Để ngành ngành công nghiệp chế biến, chế tạo phục hồi, tiếp tục là động lực cho tăng trưởng kinh tế trong 6 tháng cuối năm, một số giải pháp cần thực hiện để tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp:

Thứ nhất, cần duy trì, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tạo niềm tin cho người dân, doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh; điều hành tín dụng tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh tạo động lực tăng trưởng; điều hành tỷ giá phù hợp, tăng cường năng lực thích ứng, chống chịu và an toàn của hệ thống tài chính, ngân hàng; khơi thông dòng vốn và thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, tạo nguồn vốn cho doanh nghiệp khắc phục khó khăn và đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh;

Thứ hai, đẩy mạnh sản xuất, tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, nhất là các mặt hàng sử dụng nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào nội địa để hạn chế nhập khẩu và chủ động nguồn cung. Thường xuyên rà soát để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc; hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp thiếu vốn, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm…

Thứ ba, hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm đối tác tiêu thụ sản phẩm hiệu quả; tận dụng môi trường thương mại số đã được hình thành trong thời gian qua, tích cực triển khai đồng bộ và hoàn thiện hệ thống lưu thông giữa các nhà sản xuất, thương mại và tiêu dùng nhằm đẩy nhanh hoạt động tiêu thụ cũng như kiểm soát tốt hoạt động kinh tế.

Thứ tư, đảm bảo nguồn điện ổn định, đáp ứng sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, hộ cá thể và nhu cầu tiêu dùng của dân cư trong mùa cao điểm nắng nóng.

Thứ năm, các đơn vị sản xuất, kinh doanh cần bám sát thị trường mở rộng hoạt động tìm kiếm khách hàng mới; tăng cường kết nối chuỗi sản xuất – tiêu thụ; cân đối lượng tồn kho và tiêu thụ để bảo đảm dòng tiền cũng như chất lượng sản phẩm, bố trí sản xuất linh hoạt để duy trì hoạt động sản xuất tối ưu.

CHIA SẺ TIN