TĂNG CƯỜNG ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN NGÀNH CNHT CƠ KHÍ CHẾ TẠO

Việt Nam có tiềm năng và ưu thế để phát triển ngành cơ khí chính xác. Thời gian qua đã có nhiều đơn vị, doanh nghiệp quan tâm đầu tư nghiên cứu sản xuất các sản phẩm cơ khí nội địa như: NARIME, THACO…

​Theo Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), hiện có hơn 25.000 doanh nghiệp cơ khí đang hoạt động và có kết quả kinh doanh, chiếm gần 30% tổng số doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo.

Việt Nam đã hình thành được một số ngành công nghiệp chủ lực của nền kinh tế như: khai thác, chế biến dầu khí; điện tử, viễn thông, công nghệ thông tin; luyện kim, sắt thép; dệt may, da giày;…, tạo nền tảng quan trọng cho tăng trưởng dài hạn, cũng như thúc đẩy quá trình hiện đại hóa, công nghiệp hóa đất nước.

Việt Nam có tiềm năng và ưu thế để phát triển ngành cơ khí chính xác. Trong tương lai, Việt Nam sẽ vượt qua Thái Lan và Philippines để trở thành trung tâm sản xuất của khu vực thay thế Trung Quốc khi dòng đầu tư chuyển hướng ra khỏi đại lục. Theo đó, cơ hội việc làm sẽ mở rộng với lao động ngành cơ khí chế tạo máy, đặc biệt là những lao động có kỹ năng và được đào tạo bài bản. Chi phí lao động ở Việt Nam thấp hơn bên Trung Quốc và cơ sở hạ tầng được phát triển khá tốt, thuận lợi cho các nhà đầu tư…

Nhìn tổng thể nền kinh tế hiện nay và sự đổi mới ngày càng mạnh mẽ của đất nước trong công cuộc công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước thì ngành công nghiệp cơ khí chế tạo đóng vai trò hết sức quan trọng tạo đà cho đất nước phát triển góp phần xây dựng lên những công trình vĩ đại, cũng chính vì vậy mà ngành công nghiệp cơ khí trong thời gian tới sẽ phát triển mạnh mẽ hơn nữa và là một ngành mũi nhọn trong tương lai.

Theo số liệu tổng hợp từ các Cục Thống kê, các sản phẩm CNHT ngành cơ khí chế tạo đạt sản lượng cao trong tháng 4/2021 gồm có: Động cơ điện một chiều khác và máy phát điện một chiều; Động cơ điện một chiều có công suất ≤ 37.5 W; Máy và thiết bị cơ khí khác có chức năng riêng biệt chưa được phân vào đâu;… Trong đó các địa phương có sản lượng sản xuất đạt cao gồm có: Đồng Nai, TP. Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, TP. Hà Nội…

Trong 4 tháng đầu năm 2021, một số chủng loại máy móc thiết bị có sản lượng giảm so với cùng kỳ năm 2020 như: Máy biến đổi điện quay giảm mạnh 81,32%; Máy biến thế điện sử dụng điện môi lỏng công suất sử dụng không quá 650 KVA giảm 27,43%; Máy biến thế điện khác có công suất > 16 kVA nhưng ≤ 500 kVA giảm 6,31%. Ngược lại, một số sản phẩm có sản lượng tăng là: Động cơ điện một chiều có công suất ≤ 37.5 W tăng 24,98%; Tổ máy phát điện khác tăng 18,55%; Máy và thiết bị cơ khí khác có chức năng riêng biệt chưa được phân vào đâu tăng 13,07%; Động cơ điện một chiều khác và máy phát điện một chiều tăng 8,75%.

Bảng 01: Sản lượng một số sản phẩm ngành cơ khí chế tạo trong tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2021

Nguồn: Tổng hợp số liệu từ các Cục Thống kê

Thời gian qua đã có nhiều đơn vị, doanh nghiệp quan tâm đầu tư nghiên cứu sản xuất các sản phẩm cơ khí nội địa. Đơn cử là Viện Nghiên cứu Cơ khí (NARIME) trực thuộc Bộ Công Thương – cơ quan nghiên cứu triển khai của Nhà nước về KH&CN thuộc lĩnh vực cơ khí và tự động hoá. Ngay từ những ngày đầu thành lập năm 1962, Viện Thiết kế Chế tạo Cơ khí (tiền thân của Viện Nghiên cứu Cơ khí) đã xác định nhiệm vụ nội địa hóa thiết bị và hệ thống của các nhà máy công nghiệp là một trong những nhiệm vụ quan trọng của đơn vị.

Trong những năm qua, Viện Nghiên cứu Cơ khí thực hiện phương châm gắn chặt các hoạt động nghiên cứu với các chương trình kinh tế xã hội. Trung bình mỗi năm Viện thực hiện khoảng 5 đến 10 đề tài/nhiệm vụ KH&CN các cấp. Với việc hỗ trợ từ các nguồn lực tài chính từ Bộ Công Thương, Bộ KH&CN phối hợp với nguồn lực tài chính từ các hợp đồng kinh tế lớn, Viện đã đạt được nhiều kết quả nghiên cứu nổi bật.

Tiêu biểu như: Làm chủ về thiết kế và chế tạo các thiết bị phụ trợ; từng bước làm chủ việc thiết kế nhà máy, quản lý dự án, tích hợp thiết bị đưa vào vận hành cho các nhà máy nhà máy chế biến bauxit; làm chủ về thiết kế, chế tạo các thiết bị cơ khí thủy công cho các công trình thủy điện, trong đó có hai dự án cấp đặt biệt là Sơn la (2400MW) và Lai Châu (1200MW). Sản phẩm được sự hỗ trợ từ Bộ Công Thương trong việc mua thiết kế cho dự án thủy điện đầu tiên là A Vương. Làm chủ thiết kế, chế tạo một số hệ thống thiết bị phụ cho các nhà máy nhiệt điện như hệ thống cung cấp than, hệ thống thải tro xỉ, hệ thống lọc bụi tĩnh điện, hệ thống phòng cháy và chữa cháy; làm chủ việc thiết kế, tích hợp các hệ thống tự động hóa cho các dây chuyền công nghiệp như nhà máy giấy, xi măng, thủy điện nhỏ; làm chủ công nghệ thiết kế, chế tạo hệ thống phao nổi và neo cho các dự án điện mặt trời nổi; làm chủ công nghệ chuẩn đoán, giá sát tích cực các chi tiết quay cho các công trình công nghiệp; làm chủ công nghệ xử lý rác thải và phát điện từ rác thải.

Viện cũng đang tập trung nguồn lực để nghiên cứu nghiên cứu, tiếp nhận chuyển giao công nghệ tiến tới làm chủ các công nghệ mới như: Công nghệ, thiết bị thải khô bùn đỏ, hệ thống xử lý sự cố môi trường (áp dụng cho các nhà máy alumin Lâm Đồng và Nhân Cơ); thiết kế, chế tạo dây chuyền lắp ráp ô tô, xe máy và thiết kế chế tạo khuôn mẫu, đồ gá cho ngành ô tô, xe máy; rô bốt và hệ thống kho chứa thông minh cho các nhà máy sản xuất công nghiệp; hệ thống kho nguyên liệu cho các nhà máy sản xuất xi măng; công nghệ thiết bị năng lượng mới, năng lượng tái tạo.

Để có được sự thành công trong hoạt động nghiên cứu KH&CN, NARIME đã tham gia vào các chương trình kinh tế lớn của đất nước trong các ngành công nghiệp như: Xi măng, thủy điện, nhiệt điện, công nghiệp khai thác và chế biến bô xít, giàn khoan… NARIME xác định đây là các lĩnh vực cần đầu tư nghiên cứu thiết kế, chế tạo thiết bị, quản lý và xây dựng dự án … phấn đấu để trở thành không những là nhà cung cấp dịch vụ tư vấn thiết kế, cung cấp thiết bị mà còn trở thành tổng thầu EPCM hay EPC mạnh.

Đồng thời, thông qua các hoạt động cung cấp thiết kế, chế tạo, lắp đặt, đưa vào vận hành các thiết bị, hệ thống, cũng như hoạt động cung cấp dịch vụ khác để xây dựng lòng tin với các chủ đầu tư, khách hàng, xây dựng thương hiệu NARIME và phát triển công tác nội địa hóa.

Trong công tác chế tạo và cung cấp thiết bị, NARIME cũng chủ trương liên kết với các nhà sản xuất trong và ngoài nước. Theo đó, các nhà cung cấp nước ngoài cung cấp một số máy và thiết bị quan trọng của hệ thống hay sản phẩm nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm. NARIME đầu tư một số công nghệ chế tạo nhất định để chế tạo một số sản phẩm hay chi tiết quan trọng của thiết bị nhằm giảm dần tỷ lệ nhập ngoại.

Còn các thiết bị có thể chế tạo trong nước hay phần kết cấu thép thì tổ chức liên kết với các đơn vị chế tạo cơ khí trong nước để thực hiện. Trong các công việc này, NARIME trực tiếp thực hiện phần tích hợp hệ thống, phần chạy thử và đưa vào vận hành với sự giúp đỡ của chuyên gia hoặc công ty nước ngoài có uy tín và thương hiệu.

Để có thể đi tắt, đón đầu công tác nội địa hóa thiết bị nhà máy nhiệt điện, NARIME đã nghiên cứu kỹ lưỡng kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới, như Đức, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ và Trung Quốc. Quá trình nội địa hóa nhà máy nhiệt điện là một quá trình liên tục liên quan đến việc chuyển đổi các thể chế truyền thống và công nghệ cũ bằng cách áp dụng kiến thức khoa học công nghệ hiện đại.

Bên cạnh NARIME, nhiều doanh nghiệp trong nước như THACO đã và đang quan tâm đầu tư phát triển CNHT ngành cơ khí đã chế tạo sản xuất thành công nhiều sản phẩm, không chỉ để phục vụ sản xuất mà còn đạt đủ tiêu chuẩn để xuất khẩu sang nhiều thị trường.

Tổ hợp cơ khí THACO Chu Lai là đơn vị tiêu biểu quan tâm phát triển chế tạo khuôn mẫu. Nhằm phát triển công nghiệp chế tạo khuôn mẫu phục vụ sản xuất ô tô và các ngành công nghiệp khác, Tổ hợp Cơ khí THACO Chu Lai đã đầu tư sản xuất khuôn mẫu theo hướng tạo ra sản phẩm số lượng lớn, thời gian sản xuất ngắn, chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu ngày càng tăng của thị trường.

Từ năm 2016, Tổ hợp Cơ khí THACO Chu Lai đã đưa vào hoạt động Nhà máy sản xuất Khuôn với công suất 600 bộ/năm, gia công cơ khí đạt 3.500 tấn/năm. Nhà máy sản xuất và cung ứng các sản phẩm khuôn chất lượng, độ bền cao, đa dạng về chủng loại và kích thước như: khuôn ép phun nhựa, khuôn đùn nhựa, khuôn dập… Ngoài ra, tổ hợp còn thực hiện gia công cơ khí chính xác và nhiệt luyện.

Nhà máy được đầu tư các dây chuyền công nghệ tiên tiến cùng hệ thống máy móc hiện đại được nhập khẩu từ Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc như máy chuyền gia công CNC, máy phay giường, máy khoan lỗ sâu, máy phay OKK, máy bắn điện, máy cắt dây, máy rà khuôn, lò nhiệt luyện chân không… Đội ngũ kỹ sư được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp bởi các chuyên gia Hàn Quốc có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất khuôn. Đặc biệt, nhà máy luôn cập nhật, ứng dụng các xu hướng công nghệ mới vào nghiên cứu, sản xuất nhằm gia tăng hàm lượng công nghệ và đa dạng hóa sản phẩm, phù hợp với nhu cầu sử dụng của thị trường trong nước và đáp ứng các yêu cầu riêng biệt của thị trường xuất khẩu.

Thời gian qua, nhà máy đã cung cấp sản phẩm khuôn ép phun nhựa và khuôn dập linh kiện dùng trong sản xuất lắp ráp ô tô như khuôn cản xe, khuôn mặt ga lăng, khuôn ốp cần thắng tay, khuôn dập chi tiết treo ống xả, khuôn liên hợp chi tiết bách treo lò xo…; sản xuất khuôn dập và khuôn ép phun nhựa dân dụng gồm pallet nhựa, cánh quạt nhựa, thùng sơn, rổ nhựa, ghế nhựa, khuôn dập chậu rửa inox, chi tiết bộ lọc… và một số sản phẩm khuôn đùn gồm: khuôn đùn nẹp chữ T, khuôn đùn chi tiết đường viền áo ghế, khuôn đùn ống nhựa, khuôn ống nhựa thủy canh… Các sản phẩm được cung cấp cho nhà máy sản xuất lắp ráp ô tô, các doanh nghiệp dân dụng trong nước và xuất khẩu.

Sau 2 năm (2018 – 2019) thực hiện đề tài khoa học công nghệ cấp nhà nước: “Nghiên cứu thiết kế, chế tạo thành công khuôn mẫu cho một số chi tiết ô tô tải”, Tổ hợp cơ khí Thaco đã làm chủ công nghệ thiết kế chế tạo khuôn mẫu cho các linh kiện ô tô gồm khuôn dập liên hợp, khuôn dập vuốt, khuôn ép phun nhựa; nâng cao hàm lượng khoa học công nghệ và tăng tỷ lệ nội địa hóa cho bộ chi tiết xe tải, giảm giá thành khuôn mẫu so với nhập khẩu.

Trên cơ sở kết quả của đề tài, năm 2020, nhà máy từng bước thiết kế, chế tạo các khuôn mẫu khác cho các loại ô tô du lịch như khuôn dập vuốt khung xương cửa sổ trời, khuôn nhựa cản xe, ốp khoang hành lý, các chi tiết nhựa nội – ngoại thất…

Kế hoạch năm 2021, nhà máy sẽ nghiên cứu và phát triển các sản phẩm mới như PU khuôn kín, khuôn đúc nhôm, khuôn thổi nhựa, cọc dẫn hướng và bạc dẫn hướng sử dụng trong khuôn mẫu, dao cắt – bấm đầu cos, ty đẩy sản phẩm trong khuôn nhựa. Nhà máy cũng đầu tư máy móc thiết bị chuyên dụng hiện đại (máy phay CNC 5 trục cỡ nhỏ, máy đo tọa độ 3 chiều, hệ thống gá đặt nhanh cho máy phay CNC, công nghệ gia công tốc độ cao, công nghệ gia công vật liệu cứng…) để gia tăng năng lực sản xuất; đồng thời liên kết với các đối tác sản xuất khuôn và gia công cơ khí chính xác để hình thành chuỗi cung ứng toàn quốc.

Nguồn: vsi.gov.vn

CHIA SẺ TIN