Nhiều cơ hội cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ sau dịch

(HQ Online) – Sau đại dịch Covid-19, một số doanh nghiệp (DN) FDI đa quốc gia bị gián đoạn nguyên liệu nhập khẩu đã mở ra nhiều cơ hội hợp tác cho các DN trong nước chuyên sản xuất nguyên vật liệu, linh phụ kiện ngành công nghiệp hỗ trợ để thay thế.

Các doanh nghiệp FDI đa quốc gia đang tìm hiểu các doanh nghiệp chuyên sản xuất nguyên vật liệu, linh phụ kiện trong nước. Ảnh: T.D

Doanh nghiệp FDI dịch chuyển đầu tư

Theo khảo sát của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ), nếu dịch bệnh kéo dài tới 6 tháng, sẽ có hơn 60% DN được khảo sát bị giảm trên 50% doanh thu, gần 29% DN bị giảm 20-50% doanh thu. Tuy nhiên, với các DN ngành hàng công nghiệp hỗ trợ, ở thời điểm hiện nay, đơn đặt hàng lại gia tăng.

Ông Nguyễn Anh Thi, Trưởng ban Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TPHCM cho biết, sau đại đại dịch Covid-19 một số DN FDI đa quốc gia đang bị gián đoạn nguyên liệu nhập khẩu từ đầu tháng 3 đến nay nên đã tìm kiếm các DN trong nước chuyên sản xuất nguyên vật liệu, linh phụ kiện (ngành công nghiệp hỗ trợ) để thay thế nguồn nguyên liệu nhập khẩu này. Chính điều này, đang tạo ra thời cơ để các DN công nghiệp hỗ trợ trong nước bước chân vào chuỗi cung ứng toàn cầu và tăng khả năng cạnh tranh với các DN nước ngoài để gia nhập thị trường thế giới sau khi hết dịch bệnh.

Theo ông Lê Trí Minh, Hội trưởng Chi hội DN hàng công nghiệp hỗ trợ Đồng Nai, Giám đốc Công ty TNHH MTV Đại Á Thành, nhiều DN trong chi hội nhận được đơn hàng tăng từ 30-40% so với cùng thời điểm năm trước. Đặc biệt là hầu hết các đơn hàng đến từ các DN FDI. Nguyên nhân đơn hàng tăng là vì các DN thiếu nguyên phụ liệu sản xuất do bị hạn chế nhập khẩu hàng từ Trung Quốc. Cùng với đó, chuyên gia nước ngoài của các DN FDI không thể sang Việt Nam để giám sát, nên không sản xuất được và phải chuyển sang đặt hàng gấp tại các DN công nghiệp hỗ trợ trong nước.

Ông Nate Easter, Phó Chủ tịch điều hành Công ty Techtronic Industries (TTI) cho biết, là đơn vị đang chiếm 44% thị phần toàn cầu về thiết bị không dây, công ty đã ký thỏa thuận hợp tác hỗ trợ và phát triển với các nhà cung cấp trong nước nhằm kết nối, mở rộng thị trường và tìm nhà cung cấp nguyên liệu công nghiệp hỗ trợ cho các DN FDI đa quốc gia. Hiện công ty đã đầu tư nhiều cụm nhà máy nhỏ tại Bình Dương và 1 dự án trung tâm R&D ở Khu Công nghệ cao TPHCM. Công ty rất muốn phát triển chuỗi cung ứng tại Việt Nam, xác định đây là hướng đi bền vững. Cũng như TTI, các DN lớn, tập đoàn sản xuất lớn đang đặt nhà máy tại Việt Nam tích cực hỗ trợ, phát triển các nhà cung cấp tại chỗ để tối ưu hóa chi phí.

Tận dụng cơ hội

Hiện nay, để thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển, Chính phủ đã đề ra ba giải pháp đột phá như: đột phá về thể chế, đột phá về nhân lực chất lượng và phát triển hạ tầng công nghệ. Trong giải pháp đột phá về hạ tầng công nghệ Chính phủ lại chú trọng đẩy mạnh đột phá trong ngành công nghiệp hỗ trợ để nâng cao sức cạnh tranh, chủ động nguồn nguyên liệu cho ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước…

Ông Nguyễn Phương Đông, Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM cho biết, UBND TPHCM đã có nhiều cơ chế, chính sách để hỗ trợ DN ngành công nghiệp hỗ trợ như vốn, công nghệ, đối tác, thị trường nhằm khai thác hết tiềm năng của ngành. Vừa qua, TPHCM cũng đã ban hành các chính sách hỗ trợ lãi vay để đầu tư nhà xưởng, công nghệ sản xuất mới trong thời gian 7 năm, mức vốn vay tối đa là 200 tỷ đồng/dự án; kết nối cung cầu sản phẩm giữa DN của thành phố với các DN đầu cuối, DN thuộc lĩnh vực FDI, các DN nước ngoài với các nhà cung cấp trong nước; giúp DN nội địa nâng cao năng lực cạnh tranh để từng bước tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu cùng với các tập đoàn kinh tế nước ngoài…

Theo Trung tâm Phát triển công nghiệp hỗ trợ TPHCM, qua gần 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 16 của HĐND thành phố về kích cầu đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ giai đoạn 2018-2020, đã có 1.500 lượt doanh nghiệp, đơn vị tiếp cận các chính sách theo chương trình kích cầu. Đến nay, đã có 24 dự án đầu tư của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ thực hiện đầu tư trên địa bàn thành phố đã được UBND thành phố phê duyệt với tổng mức đầu tư gần 1.800 tỷ đồng.

Song song với chính sách hỗ trợ của nhà nước, hiện các DN cũng đã chủ động đổi mới để tận dụng cơ hội nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường. Ông Phan Văn Tứ, Giám đốc Công ty TNHH MTV Kim Vĩnh Thắng cho biết, hiện lượng đơn hàng của công ty cũng tăng cao. Đặc biệt, qua làm việc với đối tác Nhật Bản và nhận thấy nhu cầu về các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ từ các nhà máy sản xuất hiện nay đang rất cao nên thời gian tới sẽ có thuận lợi về đơn hàng. Để đáp ứng tiêu chuẩn sản xuất của đối tác, DN này đã sắp xếp lại hệ thống máy móc, dây chuyền sản xuất một cách bài bản, xem đây là giải pháp khẳng định tên tuổi, chất lượng với các đối tác FDI.

Thu Dịu

 

 

 

CHIA SẺ TIN