Nguy cơ đình trệ sản xuất đối với doanh nghiệp dệt may, da giầy

Tình hình dịch bệnh phức tạp, đặc biệt tại các trung tâm kinh tế lớn như TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai… khiến các doanh nghiệp dệt may, da giầy khó có khả năng đạt mục tiêu hoạt động năm 2021.

Đối diện nhiều thách thức

Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Vinatex đánh giá, ngay lúc này, thách thức đã “gõ cửa” rất nhiều doanh nghiệp dệt may, đặc biệt là các doanh nghiệp có kim ngạch xuất khẩu lớn lên tới 600 – 700 triệu USD/năm như Phong Phú, Việt Tiến, hay có quy mô xuất khẩu nhỏ hơn như Việt Thắng, Nhà Bè, Hữu Nghị…

Các doanh nghiệp này đều nằm trong vùng có dịch bệnh với nguy cơ cao phải làm việc giãn cách, huy động tỷ lệ lao động thấp. Hiện đã xuất hiện các ca bệnh trong doanh nghiệp của Vinatex hoặc trong cụm/khu công nghiệp có doanh nghiệp của Vinatex đóng quân như tại Đáp Cầu, Hữu Nghị…

Còn ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng Công ty CP May 10 cho biết, nhiều đối tác có yêu cầu không được thực hiện mô hình “3 tại chỗ” nếu muốn ký hợp đồng, có đối tác chỉ đặt hàng khi tỷ lệ người lao động được tiêm văcxin đạt yêu cầu của họ…

“Các đối tác đã đặt câu hỏi bao giờ doanh nghiệp hoạt động ổn định trở lại. Họ sẽ quyết định đơn hàng quý tới khi chúng tôi có câu trả lời, mà câu này thì doanh nghiệp không tự mình trả lời được” – ông Việt nói, đồng thời cho biết, đây cũng là lý do nhiều doanh nghiệp dệt may không thể nói trước về đơn hàng của năm 2022, khi thực hiện đơn hàng mùa cuối năm 2021 vẫn đang bất ổn.

Không riêng dệt may, ngành da giầy – túi xách cũng đang đối mặt với sự đình trệ hoạt động. Việc thực hiện giãn cách xã hội kéo dài đã khiến 80% các nhà máy sản xuất da giầy tại TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương, An Giang, Kiên Giang… phải ngừng sản xuất. Còn tại các địa phương miền Trung và miền Bắc, các doanh nghiệp chỉ hoạt động với 50 – 70% công suất.

Các doanh nghiệp còn hoạt động cũng buộc phải giảm sản lượng do phải giảm số lao động làm việc để thực hiện giãn cách. Đồng thời, chịu nhiều chi phí phát sinh do đứt gãy chuỗi cung nguyên phụ liệu, chi phí phòng chống Covid-19 (xét nghiệm, tiêm chủng, lo ăn, ở 3 tại chỗ cho người lao động)… Hiện đã có những doanh nghiệp lớn, quy mô hàng chục vạn lao động trong ngành phải thu hẹp sản xuất vì Covid-19.

Cụ thể, ngày 12/7, Công ty TNHH PouYuen Việt Nam (quận Bình Tân, TPHCM), doanh nghiệp FDI lớn nhất trong ngành da giầy với doanh thu trên 1 tỷ USD/năm, 56.000 lao động – đông nhất thành phố – đã phải cho hơn 33.000 công nhân tạm nghỉ việc và phải tạm dừng sản xuất toàn bộ từ ngày 14/7.

Doanh nghiệp chỉ được sản xuất trở lại sau khi có ý kiến chấp thuận của cơ quan thẩm quyền kiểm tra an toàn phòng chống dịch. Vì thế thiệt hại là vô cùng lớn. Nếu không thỏa thuận được với khách hàng, doanh nghiệp sẽ phải bồi thường do chậm hợp đồng.

Khó dự báo về tương lai

Theo bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng Thư ký Hiệp hội Da – Giầy – Túi xách Việt Nam (Lefaso), lo ngại nhất ở thời điểm hiện tại là làm sao để đảm bảo an toàn cho sản xuất trong nước. Bởi nếu để dịch bùng lên trong các khu công nghiệp, nguy cơ đơn hàng dịch chuyển ra khỏi Việt Nam là rất lớn.

Trong khi đó, ngay sát Việt Nam, “công xưởng” Trung Quốc cơ bản đã khống chế được Covid-19, lại có đủ năng lực sản xuất để “gánh” được cả phần của các quốc gia khác. Trường hợp chuỗi cung ứng tại Việt Nam gặp bất lợi, các nhãn hàng lớn đặt nhà máy tại nhiều quốc gia sẽ nhanh chóng dịch chuyển đơn hàng.

“Nếu bị đứt gãy chuỗi cung ứng, thì sẽ rất khó khôi phục, bởi muốn thiết lập được chuỗi cung ứng, cần rất nhiều khâu, từ hậu cần, nguyên phụ liệu, đến hệ thống tài chính và phải mất nhiều thời gian, chưa kể doanh nghiệp bị phá sản không thể nhanh chóng mở lại nhà máy. Do vậy, giữ an toàn cho sản xuất là nhiệm vụ quan trọng nhất hiện nay để đảm bảo tăng trưởng xuất khẩu cho ngành, không chỉ trong năm nay, mà còn cho nhiều năm tới” – bà Xuân nói.

Theo báo cáo từ Bộ Công Thương, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 8/2021 ước tính giảm 4,2% so với tháng trước và giảm 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch xuất khẩu của hàng dệt và may mặc giảm 9,2%, giày dép các loại giảm 38,5%…

Bộ Công Thương nhìn nhận, trong thời gian qua, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, kéo dài, có phạm vi trải rộng trên toàn quốc, tốc độ lây lan nhanh và nguy hiểm hơn đã ảnh hưởng đến hầu hết các ngành, lĩnh vực, địa bàn trọng điểm, động lực tăng trưởng của cả nước.

Nhiều doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu bị ảnh hưởng, phải trì hoãn, hủy đơn hàng, có nguy cơ bị mất thị trường, thay đổi chuỗi cung ứng.

Cùng với đó, hoạt động xuất nhập khẩu có thể vẫn gặp nhiều khó khăn khi dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, TPHCM và các tỉnh phía Nam buộc phải kéo dài thời gian giãn cách xã hội khiến cho hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp gặp không ít khó khăn, giao thông vận tải, hậu cần và logistics bị gián đoạn.

Do vậy, Bộ Công Thương cho biết đang tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ tối đa để các nhà máy duy trì và khôi phục hoạt động sản xuất nhằm giữ được chân khách hàng, chuỗi cung ứng. Trước mắt là hoàn thành các đơn hàng đã ký kết và tranh thủ những đơn đặt hàng phục vụ dịp mua sắm cuối năm ở các thị trường khu vực châu Âu, Mỹ để gia tăng sản lượng. Đồng thời, tận dụng sự phục hồi của thị trường Mỹ và châu Âu để đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng ta có thế mạnh như dệt may, da giầy, điện tử, đồ gỗ, thủy sản…

Tuy nhiên, nhận định về việc giữ đơn hàng trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp, bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng Thư ký Lefaso cho rằng, các doanh nghiệp vẫn đang xoay xở, tìm giải pháp duy trì, cố gắng đảm bảo đúng tiến độ đơn hàng. Nhưng rất khó dự báo về tương lai và triển vọng của ngành dệt may, da giầy trong thời gian ngắn và trung hạn, khi dịch bệnh gây ảnh hưởng lớn tới tâm lý người lao động.

Theo bà Xuân, Hiệp hội cũng đã đề xuất phương án mở cửa dần dần với 3 giai đoạn. Cụ thể, giai đoạn 1, doanh nghiệp đưa khoảng 30% công suất trong 2 tuần đầu. Từ đó có đánh giá, rút kinh nghiệm để tiếp tục triển khai tăng dần lên 50 – 70% công suất sản xuất.

“Triển vọng năm nay và có thể sang cả năm 2022 không mấy khả quan. Hiện nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn không thể tiếp tục sản xuất. Sản lượng sản xuất không đạt như mục tiêu đề ra” – bà Xuân khẳng định.

Nguồn: khoahocdoisong.vn

CHIA SẺ TIN