Ngành cơ khí chế tạo: Nâng cao năng lực, đón sóng hội nhập

Theo nhận định của Bộ Khoa học và Công nghệ, hiện một số đơn vị ngành cơ khí chế tạo trong nước đã có đủ năng lực làm tổng thầu các công trình lớn hàng tỷ USD, một số sản phẩm đã đạt tiêu chuẩn chất lượng tương đương với sản phẩm nhập khẩu, đủ điều kiện xuất khẩu cạnh tranh với sản phẩm nước ngoài.

Chủ động nội địa hóa

Thông qua kết quả khoa học và công nghệ, một số viện nghiên cứu, tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp công nghiệp cơ khí chế tạo đã khẳng định được thương hiệu và vị trí của mình không những ở thị trường trong nước mà còn trên thế giới.

Viện Nghiên cứu Cơ khí đi đầu về nghiên cứu, chế tạo thiết bị cho nhà máy nhiệt điện (Ảnh: Quỳnh Nga)

Dẫn chứng cho điều này, Bộ Khoa học và Công nghệ lấy ví dụ, kết quả Dự án đóng mới giàn khoan tự nâng 120 m (Tam Đảo 05), cùng việc cơ bản làm chủ công tác thiết kế, chế tạo kết cấu thép, Công ty cổ phần Chế tạo Giàn khoan Dầu khí (PVShipyard) đã nội địa hóa được cụm thiết bị tháp khoan, chân giàn khoan và hệ thống tủ bảng điện.

Đây là tiền đề hướng tới các sản phẩm giàn khoan bán chìm và các loại giàn/tàu khoan di động tự nâng mang thương hiệu Việt Nam và các mẫu phát triển, ứng dụng công nghệ thiết kế, chế tạo giàn khoan dầu khí di động phục vụ phát triển kinh tế biển và an ninh quốc phòng trong giai đoạn tiếp theo.

Hoặc, Viện Nghiên cứu Cơ khí (Bộ Công Thương) đã hợp tác, liên kết với các nước phát triển như Nhật Bản, Liên bang Nga để thiết kế, chế tạo, thử nghiệm, lắp đặt, vận hành hệ thống lọc bụi tĩnh điện (ESP). Hệ thống ESP này có chất lượng tương đương với tiêu chuẩn của châu Âu, đủ khả năng tham gia đấu thầu cung cấp thiết bị cho các dự án nhà máy nhiệt điện tại Việt Nam và xuất khẩu cho Dự án Nhà máy luyện kim Myanmar.

Việc nghiên cứu, chế tạo thành công lọc bụi tĩnh điện đã nâng được tỷ lệ nội địa hóa từ 76% lên 94% về khối lượng và từ 65,18% lên 79,6% về giá trị (kể cả giá trị lắp đặt), hoặc từ 50% lên 64% về giá trị (không kể giá trị lắp đặt).

Ở lĩnh vực cơ khí chế tạo phục vụ cho ngành giao thông, đã hình thành theo chuỗi giá trị sản xuất các linh kiện, chi tiết thiết bị hỗ trợ, lắp ráp được các loại xe buýt đến 80 chỗ chất lượng cao với tỷ lệ nội địa hoá đến 40% và mở rộng chế tạo ô tô tải nông dụng, ô tô tải nặng và xe chuyên dụng đáp ứng yêu cầu của sản xuất phương tiện có chất lượng tương đương với các nước trong khu vực ASEAN.

Cụ thể, thông qua sự hỗ trợ của Dự án khoa học và công nghệ cấp quốc gia “Nghiên cứu thiết kế, chế tạo xe khách giường nằm cao cấp mang thương hiệu Việt Nam”, Công ty cổ phần ô tô Trường Hải (Thaco) đã bước đầu làm chủ được tính toán, thiết kế và mô phỏng hoàn chỉnh kết cấu ô tô khách, từ đó đã rút ngắn được thời gian thiết kế xe so với trước đây.

Một ví dụ khác là Công ty Cổ phần Chế tạo Bơm Hải Dương đã chế tạo được các loại bơm đặc chủng cho ngành dầu khí, nhiệt điện, hóa chất, bơm công suất lớn phục vụ thoát nước mỏ, chống úng ngập; làm chủ công nghệ chế tạo được bơm có lưu lượng đạt tới 50.000 m3/h và máy bơm có cột áp lớn nhất đạt đến 500 m; đáp ứng hầu hết các nhu cầu về bơm của nền kinh tế, đạt tỷ lệ nội địa hóa 95 – 100%.

Chia sẻ với phóng viên Kinh tế Việt Nam, Tiến sĩ Phan Đăng Phong – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cơ khí (Narime) – khẳng định: Đến nay, Viện đã là đối tác tin cậy của nhiều tập đoàn đa quốc gia như Honda, Toyota, Doosan… cũng như các tập đoàn trong nước như EVN, TKV, VinGroup… Một số sản phẩm, giải pháp của Viện đã trực tiếp cạnh tranh và thắng thầu các công ty lớn của nước ngoài mà trước đó Viện tham gia làm thầu phụ.

Ông Đào Phan Long, Phó chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam cho biết: Việt Nam đã hình thành được một số sản phẩm cơ khí, đó là: Phân ngành sản xuất kết cấu thép và lắp máy đủ sức tham gia xây dựng tốt các công trình công, nông nghiệp; phân ngành đóng tàu thủy có khả năng đóng được tàu viễn dương đạt tiêu chuẩn quốc tế; phân ngành sản xuất lắp ráp ô tô, xe máy, xe đạp đã đáp ứng một phần nhu cầu nội địa; phân ngành chế tạo máy động lực và máy nông nghiệp đã chế tạo được một số loại động cơ đốt trong công suất nhỏ để làm máy canh tác nông nghiệp…

Trong những năm gần đây, với nỗ lực thay đổi phương thức sản xuất và cơ cấu quản trị, các đơn vị nghiên cứu, doanh nghiệp cơ khí đã từng bước nâng dần tỷ lệ nội địa hóa, sản xuất được nhiều sản phẩm cơ khí phức tạp, có giá trị cao, trình độ công nghệ cao. Một số sản phẩm đã đạt tiêu chuẩn, chất lượng tương đương với sản phẩm nước ngoài. Theo đó, một số doanh nghiệp cơ khí Việt Nam đã tham gia vào một số chuỗi cung ứng cơ khí toàn cầu…

Lực đẩy cho ngành cơ khí trước hội nhập

Những minh chứng trên cho thấy ngành cơ khí trong nước đã đạt được những thành quả đáng kể, góp phần vào công cuộc công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng như hiện nay, các doanh nghiệp cơ khí trong nước sẽ phải cạnh tranh quyết liệt với các tập đoàn đa quốc gia có tiềm lực mạnh về sản phẩm cơ khí. Theo đó, để thúc đẩy ngành cơ khí chế tạo phát triển, cần tạo thị trường phát triển cho các lĩnh vực cơ khí trọng điểm; ưu đãi thuế cho doanh nghiệp sử dụng máy móc trong nước sản xuất, tăng thuế nhập khẩu máy móc nước ngoài…

Theo ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Cơ khí – Điện Thành phố Hồ Chí Minh (HAMEE): Chính phủ cần phải coi cơ khí là một ngành công nghiệp nền tảng, có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc phát triển kinh tế – xã hội. Cần xây dựng ngành cơ khí đủ sức cạnh tranh, vươn lên trong cơ chế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế cũng như cần ban hành các chính sách phù hợp hơn nhằm khuyến khích, tập trung vào các nhóm sản phẩm có lợi thế và phù hợp lộ trình hội nhập quốc tế toàn cầu.

Nhận định để phát triển, ngành công nghiệp cơ khí rất cần “bàn tay” của Nhà nước, ông Đỗ Phước Tống cho rằng: Chính phủ và doanh nghiệp phải thành một khối trên góc độ tổng thể, để thảo luận các biện pháp cần thiết hoặc các hoạt động cần triển khai và thực thi một cách thích đáng. Theo tôi, cần nhiều giải pháp mạnh và đồng bộ, gồm: Phát triển nguồn nguyên liệu cho sản xuất. Trong đó. Chính phủ cần có chính sách thuế phù hợp trong việc nhập khẩu nguyên vật liệu vật tư cho sản xuất ngành cơ khí; kêu gọi đầu tư FDI tham gia lĩnh vực sản xuất nguyên vật liêu cho ngành cơ khí.

Bên cạnh đó, hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn để đầu tư vào thiết bị máy móc, nhà xưởng sản xuất (vay vốn trung và dài hạn); cần quy hoạch, tạo điều kiện và có chế độ ưu đãi cho các doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ và cơ khí chế tạo được vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp với chi phí hợp lý để các doanh nghiệp ngành cơ khí có thể phát triển; xây dưng cơ chế để thúc đẩy chuyển giao công nghệ và kỹ thuật từ doanh nghiệp FDI sang doanh nghiệp Việt Nam; hỗ trợ doanh nghiệp tham gia vào chương trình xúc tiến thương mại quốc gia…

Đồng thời, Nhà nước cần tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia phát triển nhân lực công nghiệp cơ khí; hỗ trợ kinh phí chi đào tạo nâng cao trình độ kỹ thuật kỹ sư, kỹ thuật viên các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ. Ngoài ra, cần nâng cao vai trò của các hội ngành nghề trở thành đầu mối kết nối giữa các bên: Kết nối và liên kết các doanh nghiệp cùng ngành nghề; kết nối giữa trường, viện và doanh nghiệp cho việc đào tạo; cầu nối giữa doanh nghiệp và các cơ quan chính quyền…

Cũng theo ông Đỗ Phước Tống: Tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu là mục tiêu lớn, hầu như tất cả các doanh nghiệp phải hướng tới nếu như muốn hội nhập và phát triển. Vì vậy, các doanh nghiệp, đơn vị nghiên cứu trong lĩnh vực cơ khí cần phải nhận thức đầy đủ nhu cầu từ thị trường toàn cầu, hiểu rõ nhu cầu khách hàng như: Số lượng bao nhiêu, sản phẩm thế nào, giá trị dịch vụ cộng thêm là gì, sự cải tiến được mong đợi… Từ đó, các đơn vị sẽ thấy được vị trí của mình cũng như những hạn chế cần khắc phục để có thể đáp ứng những yêu cầu của chuỗi cung ứng toàn cầu.

Nguồn: kinhtevn.com.vn

CHIA SẺ TIN