Kinh tế trước những cơ hội và thách thức mới

Bài 2: Công nghiệp hỗ trợ loay hoay kiếm tìm cơ hội

 Chuỗi cung ứng toàn cầu đang được định hình lại, tạo ra làn sóng dịch chuyển sản xuất và đầu tư mạnh mẽ. Với lợi thế nhất định về kinh tế-chính trị, Việt Nam đang trở thành điểm đến hứa hẹn đón làn sóng dịch chuyển này. Hàng loạt doanh nghiệp đầu chuỗi chọn Việt Nam đầu tư thành cứ điểm sản xuất mới mở hướng cho ngành công nghiệp hỗ trợ cơ hội lớn phát triển và tham gia sâu hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Sản xuất các thiết bị tự động phục vụ ngành công nghiệp tại Công ty Năng lực Việt, Khu công nghiệp Nam Thăng Long, Hà Nội. (Ảnh Thu Hà)
Sản xuất các thiết bị tự động phục vụ ngành công nghiệp tại Công ty Năng lực Việt, Khu công nghiệp Nam Thăng Long, Hà Nội. (Ảnh Thu Hà)

Việt Nam hiện có khoảng 36 nghìn dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký hơn 435 tỷ USD; vốn thực hiện lũy kế ước đạt hơn 269 tỷ USD. Tuy nhiên, cả nước mới chỉ có gần 500 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tham gia vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI và xuất khẩu. Điều đó cho thấy ngành công nghiệp hỗ trợ vừa thiếu về lượng, vừa yếu về chất, đồng thời liên kết giữa khối doanh nghiệp trong nước và FDI hết sức lỏng lẻo.

“Nút thắt” cản trở doanh nghiệp vào chuỗi

Từ đầu năm đến nay, Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam (VEIA) liên tục đón các doanh nghiệp FDI đề nghị hỗ trợ kết nối và xây dựng chuỗi cung ứng, trong đó có các doanh nghiệp đầu chuỗi từ châu Âu, châu Mỹ hay một loạt nhà cung ứng cấp 1 của Apple. Đặc biệt, các tập đoàn này không đặt vấn đề tìm kiếm một, hai nhà cung cấp mà muốn tiếp cận theo chuỗi, xây dựng hệ sinh thái sản phẩm hỗ trợ tại Việt Nam. “Đây là cơ hội hết sức rộng mở để doanh nghiệp Việt Nam phát triển, có vị trí then chốt hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu với những sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn”, bà Đỗ Thị Thúy Hương, Ủy viên Ban chấp hành VEIA nhận định.

Là trung tâm công nghiệp trọng điểm phía nam, Thành phố Hồ Chí Minh chiếm 16% quy mô sản xuất công nghiệp cả nước. Thành phố cũng luôn xác định công nghiệp hỗ trợ là ngành ưu tiên mũi nhọn nhằm tạo ra lợi thế cạnh tranh, đẩy mạnh thu hút đầu tư các dự án công nghiệp quy mô lớn. Tuy nhiên, ngành công nghiệp hỗ trợ của Thành phố Hồ Chí Minh vẫn chưa phát triển như kỳ vọng, mới chỉ đáp ứng khoảng 40% nhu cầu sản xuất nội địa.

Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty cơ khí Duy Khanh (quận Tân Phú) Đỗ Phước Tống chia sẻ: Các doanh nghiệp thành phố đang đứng trước cơ hội lớn bởi chuỗi cung ứng hiện có nhu cầu lớn về sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, nhưng năng lực của doanh nghiệp vẫn còn rất yếu để tham gia chuỗi, do đó cần sự hỗ trợ mạnh mẽ từ chính sách, nhất là về vốn, giúp doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư.

Cũng theo làn sóng chuyển dịch, mới đây, tập đoàn dụng cụ không dây hàng đầu thế giới Techtronic Industries (TTI) đã đầu tư 650 triệu USD chuyển toàn bộ nhà máy sản xuất thiết bị ngoài trời từ Trung Quốc về Khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh. Ngay sau khi được cấp phép đầu tư, TTI lập tức đặt vấn đề cần phát triển khoảng 180-200 nhà cung cấp trong nước.

Tuy nhiên, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển công nghiệp hỗ trợ Thành phố Hồ Chí Minh Lê Nguyễn Duy Oanh cho hay, để doanh nghiệp Việt tham gia vào chuỗi của TTI không dễ do các “nút thắt” là khả năng cạnh tranh về giá sản phẩm cũng như sự thiếu ổn định trong sản xuất. Bà Lê Nguyễn Duy Oanh cũng đánh giá, hầu hết doanh nghiệp FDI khi đầu tư vào Việt Nam đều muốn hợp tác doanh nghiệp trong nước, nhưng yêu cầu phải đáp ứng đủ các tiêu chuẩn, hàng rào kỹ thuật khắt khe về quy trình quản lý, tính minh bạch trong sản xuất, quy định sử dụng nguồn nhân lực hay bảo vệ môi trường,…

Không dừng ở đó, họ còn đòi hỏi doanh nghiệp phải nỗ lực duy trì kết quả và liên tục đổi mới, hiện đại hóa quy trình, công nghệ sản xuất nhằm sẵn sàng đáp ứng các tiêu chuẩn mới khắt khe hơn. Chính điều này làm chùn bước nhiều doanh nghiệp muốn tham gia chuỗi. Thậm chí, có những doanh nghiệp đã đạt các tiêu chí về năng lực và điều kiện để trở thành nhà cung ứng cho các tập đoàn lớn, nhưng do ngại thử thách nên vẫn chọn đứng ngoài cuộc chơi. “Do tư duy cũ, không ít doanh nghiệp e ngại việc minh bạch hóa quy trình sản xuất theo yêu cầu của phía FDI và cũng lười vươn lên.

Trong thời gian ngắn, có thể các doanh nghiệp này hoạt động hiệu quả nhưng về tương lai xa rất khó đoán trước. Tham gia chuỗi là hướng đi tất yếu của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ để bảo đảm sự phát triển bền vững lâu dài, là nền móng để lớn dần thành doanh nghiệp mạnh, nắm giữ công nghệ sản xuất hiện đại cũng như năng lực cung ứng tốt”, bà Lê Nguyễn Duy Oanh nhấn mạnh.

Phát huy vai trò “bà đỡ” của Nhà nước

Nhận thức rõ vấn đề, để kích cầu ngành công nghiệp hỗ trợ bứt phá, Thành phố Hồ Chí Minh đã phê duyệt 32 dự án đầu tư của 28 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ với tổng mức hơn 2.336 tỷ đồng, trong đó số vốn vay được hỗ trợ lãi suất hơn 1.300 tỷ đồng. Điển hình là Công ty TNHH Sản xuất Hiệp Phước Thành (Khu công nghiệp Hiệp Phước) ngoài vốn vay ưu đãi, còn được tạo điều kiện tham gia các dự án phát triển nhà cung cấp theo tiêu chuẩn thế giới, được đào tạo về xây dựng chiến lược, quản trị nhà máy cũng như hiểu biết về chuỗi cung ứng toàn cầu,…

Từ đó, công ty đã mạnh dạn đầu tư máy móc, dây chuyền công nghệ để trở thành nhà cung ứng chính đối với dòng sản phẩm tay nắm cửa xe Fortuner của Toyota. Thực tế, chính Toyota ban đầu cũng không chắc sẽ tìm được nhà cung ứng có đủ năng lực tại thị trường Việt Nam, nhưng sau khi khảo sát năng lực của Hiệp Phước Thành trong ngành công nghiệp hỗ trợ xe máy, tiếp xúc với đội ngũ lãnh đạo trẻ, dám nghĩ, dám làm, ham học hỏi, hãng đã đồng ý triển khai hợp tác. Sau một năm rưỡi được Toyota hỗ trợ, Hiệp Phước Thành đã chính thức trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng của thương hiệu ô-tô lớn này.

Tuy nhiên, những doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ mạnh dạn như Hiệp Phước Thành không nhiều. Từ kinh nghiệm thực tế, Giám đốc Bộ phận Phát triển nhà cung cấp của Công ty TNHH Fujikura Fiber Optics (Khu công nghiệp VSIP1, Bình Dương) Phan Vĩnh Thạch phân tích kỹ hơn: Bốn điểm chính hạn chế doanh nghiệp Việt tham gia chuỗi là giá sản phẩm thiếu cạnh tranh, năng lực sản xuất kém, hệ thống quản lý chất lượng không bền vững và yếu về công nghệ, nhất là công nghệ lõi.

Sau 16 năm triển khai chiến lược nội địa hóa, hiện 70% số lượng nguyên vật liệu cho sản xuất của Fujikura Fiber Optics đã được lấy từ thị trường trong nước, tuy nhiên chủ yếu là các doanh nghiệp FDI. Một số doanh nghiệp Việt từng gia nhập chuỗi của Fujikura Fiber Optics, nhưng sau một thời gian ngắn lại “bật bãi” vì không duy trì hệ thống chất lượng cũng như giá thành. Quá trình chuyển dịch chuỗi cung ứng dù mang lại cơ hội, nhưng cũng là thách thức rất lớn đối với ngành công nghiệp hỗ trợ đang bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém. Đó là năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước chưa cao, nguồn nhân lực yếu kém, trình độ công nghệ chưa phát triển,…

Cả nước hiện có gần 4.000 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, nhưng theo khảo sát của Tổng cục Thống kê, hơn 30% trong số đó hoàn toàn sử dụng thiết bị điều khiển thủ công, hơn 50% sử dụng thiết bị bán tự động, chỉ hơn 10% sử dụng thiết bị tự động hóa và chưa đến 10% sử dụng robot trong dây chuyền sản xuất. Ngoài ra, phần lớn doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ chưa áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế hay những công cụ quản lý sản xuất thông dụng. Chỉ ra những nguyên nhân cơ bản khiến ngành công nghiệp hỗ trợ “chậm lớn”, Phó Cục trưởng Công nghiệp (Bộ Công thương) Phạm Tuấn Anh cho rằng, ngành công nghiệp Việt Nam đi sau các nước trong khu vực 2-3 thế hệ, dung lượng thị trường nhỏ, khó bảo đảm quy mô công suất đối với sản phẩm công nghiệp hỗ trợ để cạnh tranh về giá.

Mặt khác, bản chất của khu vực sản xuất công nghiệp đòi hỏi lượng vốn, đầu tư dài hạn, trong khi nguồn lực xã hội đổ vào sản xuất rất hạn chế do thời gian thu hồi vốn chậm, lợi nhuận biên kém hấp dẫn so các lĩnh vực như bất động sản, tài chính. Nguồn tín dụng hạn hẹp với lãi suất cao càng khiến doanh nghiệp “đói vốn”, không đủ điều kiện đầu tư nâng cao năng lực. Việc ban hành và bố trí nguồn lực triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ còn chưa hiệu quả do mâu thuẫn chồng chéo trong nhiều luật khác nhau. Do vậy, thời gian tới cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật làm nền tảng, tạo động lực phát triển công nghiệp.

Theo đánh giá của các chuyên gia, cơ hội cho ngành công nghiệp hỗ trợ đang hiện hữu, triển vọng rất tích cực, nhưng vấn đề cốt lõi để biến cơ hội, triển vọng thành hiện thực, đòi hỏi cơ quan quản lý phải triển khai thực thi một cách quyết liệt những giải pháp đồng bộ nhằm khắc phục cơ bản điểm nghẽn mà nhà đầu tư nước ngoài cũng như doanh nghiệp trong nước liên tục kiến nghị thời gian qua.

Cần thay đổi tư duy, hướng tiếp cận về công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo hướng chuyển dịch từ phát triển nền công nghiệp phụ thuộc gia công, lắp ráp sang chủ động, sáng tạo, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất và sức cạnh tranh của công nghiệp trong nước. GS, TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài kiến nghị: Nhà nước cần thực hiện tốt hơn vai trò “bà đỡ” trong xây dựng và thực thi hiệu quả các chính sách kích cầu, giúp doanh nghiệp có đủ lực để phát triển.

Nhà nước có cơ chế ưu đãi hợp lý để khuyến khích các tập đoàn FDI liên kết theo chuỗi với doanh nghiệp trong nước; hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ về tài chính, tín dụng ưu đãi để đổi mới công nghệ, nâng cao trình độ quản trị doanh nghiệp, đào tạo nguồn nhân lực tay nghề cao, đáp ứng yêu cầu khắt khe khi tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Như vậy, ngành công nghiệp hỗ trợ mới đủ khả năng nắm bắt được các cơ hội trước mắt để bứt phá, tạo vị trí then chốt hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu.

CHIA SẺ TIN