Kế hoạch hành động phát triển ngành công nghiệp điện tử tầm nhìn 2030

Kế hoạch hành động nhằm thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp điện tử của Việt Nam, tạo bước đột phá trong thu hút đầu tư và tăng cường hiệu quả đầu tư trực tiếp nước ngoài vào công nghiệp điện tử tại Việt Nam

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định s​ố 1290/QĐ-TTg về Kế hoạch hành động phát triển ngành công nghiệp điện tử thực hiện Chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam – Nhật Bản hướng đến năm 2020, tầm nhìn 2030 (Kế hoạch) theo Quyết định số 1043/QĐ-TTg ngày 01 tháng 7 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ.

Công nghiệp điện tử (CNĐT) là ngành sản xuất vật chất mang tính cơ bản của nền kinh tế quốc dân, có vị trí then chốt trong nền kinh tế hiện đại và có tác động mạnh mẽ đến các ngành công nghiệp khác. Mặc dù được đánh giá là ngành công nghiệp mũi nhọn và đã đạt được một số thành tựu trong thu hút đầu tư FDI, đóng vai trò lớn trong xuất khẩu, nhưng thực tế, ngành điện tử Việt Nam vẫn đang dừng ở giai đoạn đầu trong chuỗi sản xuất sản phẩm điện tử. Doanh thu ngành công nghiệp phần cứng và điện tử chiếm khoảng 90% toàn ngành công nghệ thông tin (CNTT), nhưng trên thực tế giá trị được nắm giữ chủ yếu bởi các doanh nghiệp FDI và các doanh nghiệp trong nước chỉ tập trung vào lắp ráp và thực hiện những dịch vụ thương mại.

Kế hoạch hành động nhằm thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp điện tử của Việt Nam, tạo bước đột phá trong thu hút đầu tư và tăng cường hiệu quả đầu tư trực tiếp nước ngoài nói chung, của Nhật Bản nói riêng vào công nghiệp điện tử tại Việt Nam. Đến năm 2030, xây dựng Việt Nam thành một nước sản xuất lớn về thiết bị điện tử với công nghệ mới, thông minh và thân thiện với môi trường.

Nội dung của Kế hoạch hành động:

1. Phát triển công nghiệp hỗ trợ phục vụ ngành công nghiệp điện tử: Tích cực triển khai thực hiện Quyết định số 12/2011/QĐ-TTg ngày 24 tháng 02 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách phát triển một số ngành công nghiệp hỗ trợ; rà soát và bổ sung các chính sách ưu đãi để khuyến khích, thu hút đầu tư vào sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển thuộc ngành công nghiệp điện tử. Đề xuất bổ sungcác sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cần ưu tiên phát triển trong thời gian tới phù hợp với tình hình kinh tế trong nước và quốc tế.

Hoạt động cụ thể: thực hiện biện pháp hỗ trợ, ưu đãi thuế, tín dụng, xây dựng hệ thống chứng chỉ, tiêu chuẩn môi trường đối với công nghiệp hỗ trợ được ưu đãi, mở rộng cơ sở phát triển công nghiệp hỗ trợ và các chương trình ưu đãi/hỗ trợ…

2. Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp điện tử: khuyến khích áp dụng mô hình đào tạo liên kết 3 bên (doanh nghiệp – viện, trường – cơ quan quản lý nhà nước) để đào tạo nguồn nhân lực tay nghề cao theo yêu cầu của doanh nghiệp.

Hoạt động cụ thể: nắm bắt thực trạng nguồn nhân lực, đào tạo

3. Phát triển, mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu cho ngành công nghiệp điện tử: xây dựng cơ chế khuyến khích các tổ chức, cơ quan nhà nước sử dụng các sản phẩm điện tử sản xuất trong nước. Tăng cường các hoạt động hợp tác quốc tế, xúc tiến thương mại, tiếp cận thị trường độc lập hoặc trong khuôn khổ Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia. Hỗ trợ các doanh nghiệp thành lập các chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp hoặc các trung tâm thương mại ở nước ngoài để tìm hiểu về nhu cầu, thị hiếu của thị trường, quảng bá sản phẩm, thương hiệu và ký kết hợp đồng, tổ chức tiêu thụ sản phẩm.

Hoạt động cụ thể: nắm bắt thực trạng thị trường, hỗ trợ thị trường, xây dựng hình ảnh, xúc tiến thương mại.

4. Thu hút đầu tư các doanh nghiệp điện tử hàng đầu trên thế giới: cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư để thu hút các doanh nghiệp điện tử hàng đầu trên thế giới và doanh nghiệp vệ tinh liên quan đầu tư tại Việt Nam. Xây dựng quy định cho phép các doanh nghiệp chế xuất (EPE) bán tại thị trường nội địa các hàng hóa là linh phụ kiện điện tử trong nước chưa sản xuất được nhằm phát triển các doanh nghiệp hỗ trợ và tăng tỷ lệ nội địa hóa đối với doanh nghiệp lắp ráp.

Hoạt động cụ thể: cải cách thủ tục hành chính, xây dựng chính sách ưu đãi, hỗ trợ, hỗ trợ sản xuất

5. Phát triển các sản phẩm trọng điểm trong ngành công nghiệp điện tử: Xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất các sản phẩm điện tử ưu tiên phát triển quy định tại Quyết định số 49/2010/QĐ-TTg ngày 19 tháng 7 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ. Xây dựng chính sách thúc đẩy chuyển giao công nghệ, đẩy nhanh ứng dụng công nghệ cao ngành công nghiệp điện tử trên cơ sở liên kết giữa nhà nước – doanh nghiệp – cơ sở đào tạo, khuyến khích thông qua hình thức hợp tác công – tư.

Hoạt động cụ thể: nghiên cứu – phát triển, xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật sản phẩm trọng điểm, chuyển giao công nghệ, thương mại hóa sản phẩm…

6. Hình thành các cụm công nghiệp điện tử (cluster): Hình thành các cụm công nghiệp điện tử thúc đẩy sự quy tụ, đầu tư của các doanh nghiệp nhằm tạo ra sự liên kết, nâng cao hiệu quả hoạt của các doanh nghiệp điện tử.

Hoạt động cụ thể: nghiên cứu xây dựng chính sách, hỗ trợ thành lập cụm công nghiệp điện tử.

Các doanh nghiệp: Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel), Tổng công ty cổ phần Điện tử Tin học Việt Nam (VEIC), Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn – TNHH Một thành viên (CNS) và các doanh nghiệp khác có hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp điện tử, công nghiệp hỗ trợ phục vụ công nghiệp điện tử, căn cứ nội dung, nhiệm vụ trong Kế hoạch hành động này, chủ động xây dựng các đề án, dự án cụ thể để đầu tư triển khai thực hiện

CHIA SẺ TIN