Doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ: Vất vả phục hồi sau dịch

Từ tháng 5-2020, nhiều doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh bắt đầu khôi phục sản xuất. Thế nhưng, DN trên lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ khả năng phục hồi chậm hơn so với nhiều ngành nghề khác, do thị trường tiêu thụ sản phẩm công nghiệp hỗ trợ vẫn còn hạn chế.

Công ty TNHH Công nghiệp Boss ở Khu công nghiệp Sông Mây (H.Trảng Bom) sản xuất linh kiện máy móc xuất khẩu

Theo Sở Công thương, Đồng Nai có gần 605 DN hoạt động trên lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Trong đó, gần 138 DN trong nước và 467 DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Sản phẩm công nghiệp hỗ trợ của Đồng Nai cung ứng cho nhiều tập đoàn lớn trên thế giới.

* Thị trường xuất khẩu chưa thông thoáng

Dù nhiều thị trường nước ngoài đã được khởi động lại, hàng hóa của Đồng Nai có thể tiếp tục xuất khẩu, nhưng thực tế giao thương vẫn chưa trở lại bình thường như thời điểm chưa xảy ra dịch bệnh Covid-19. Do đó, nhiều DN ký kết được đơn hàng mới và khởi động lại những đơn hàng tạm dừng trong thời gian cao điểm của dịch bệnh, nhưng vẫn chưa đủ để khai thác hết công suất của nhà máy. Đặc biệt, DN trên lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ chịu ảnh hưởng dài hơn.

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Vĩnh, Đồng Nai là nơi sản xuất công nghiệp hỗ trợ lớn của cả nước. Sản phẩm làm ra ngoài tiêu thụ nội địa thì hơn 70% được xuất khẩu. Vì thế, 3-4 năm trở lại đây, tỉnh tăng cường kết nối các DN để cung ứng sản phẩm đầu vào cho nhau, tăng tỷ lệ nội địa hóa cho sản phẩm.

Ông Trần Bá Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Daiwa Light Alloy Industry Việt Nam ở Khu công nghiệp Nhơn Trạch 3 giai đoạn 2 (H.Nhơn Trạch) cho biết: “Công ty chuyên sản xuất thiết bị máy móc xuất khẩu và tiêu thụ trong nước. Hiện thị trường xuất khẩu cho mặt hàng thiết bị máy móc chưa trở lại bình thường. Các DN ở Nhật Bản, Hàn Quốc vẫn chưa hồi phục, vẫn đang sản xuất cầm chừng nên nhu cầu nhập khẩu sản phẩm đầu vào chưa cao, khả năng đến cuối tháng 9-2020, thị trường giao thương mới khơi thông hoàn toàn”.

Nhiều DN trong nước và FDI trên lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ cũng chia sẻ là dù vẫn có đơn hàng để sản xuất, nhưng đầu ra còn bị hạn chế. Các thị trường lớn như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, châu Âu vẫn còn bị ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19, nhiều DN ở các nước trên giảm công suất dẫn đến nhu cầu về các linh kiện, nguyên liệu đầu vào chưa cao.

Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất thương mại nhựa kỹ thuật Vinastar (TP.Biên Hòa) Mai Khanh cho hay: “Mặc dù trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 xảy ra, công ty vẫn duy trì được sản xuất và xuất khẩu sang các thị trường. Tuy nhiên, lượng hàng xuất khẩu không được nhiều, hiện tình hình xuất khẩu đã sáng sủa hơn nhưng vẫn chưa hết khó khăn. Đa số các đơn hàng của đối tác nước ngoài cuối năm mới nhận hàng, vì phía họ cũng đang dần khôi phục sản xuất”. Theo ông Khanh, xuất khẩu sản phẩm công nghiệp hỗ trợ phải đến cuối năm mới thực sự thoát khỏi khó khăn về đầu ra.

* Sản xuất trước để đón đầu

Tuy thị trường xuất khẩu chưa khơi thông, nhưng nhiều DN công nghiệp hỗ trợ vẫn sản xuất hàng hóa, đưa vào kho chờ sẵn. Theo dự báo của các chuyên gia kinh tế, dịch bệnh Covid-19 trên thế giới từng bước được khống chế và đang lắng xuống. Thế nhưng, những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề do dịch vẫn đang trong quá trình chạy đua để ngăn chặn dịch bùng phát trở lại, quá trình hồi phục nền kinh tế sẽ chậm hơn. DN các nước trên đã quay lại sản xuất, song vẫn đang trong quá trình củng cố, tìm lại đối tác.

Ông Wu Ming Ying, Tổng giám đốc Công ty TNHH Công nghiệp Boss, Hội trưởng Hiệp hội Thương mại Đài Loan tại Đồng Nai đánh giá: “Hiện nay, các DN Đài Loan tại Đồng Nai đang trong quá trình phục hồi sau dịch bệnh. Trong đó, nhiều công ty chưa có đủ đơn hàng để sản xuất hết công suất như trước đây. Để đảm bảo việc làm, giữ chân lao động, nhiều DN vẫn duy trì sản xuất, hàng hóa tạm thời lưu kho sẽ giao sau vì nhiều đối tác kéo dài thời gian nhận hàng do phía họ các nhà máy chưa hoạt động được bình thường”.

DN hỗ trợ tại Đồng Nai sản xuất trên rất nhiều lĩnh vực khác nhau và chiếm khoảng 60% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Cụ thể, lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ cho ngành dệt – may có 137 DN, công nghiệp hỗ trợ ngành da – giày có 110 DN, công nghiệp hỗ trợ cho ngành điện tử có 79 DN, ngành cơ khí chế tạo có 254 DN…

Thị trường xuất khẩu vẫn còn “nút thắt” chưa tháo gỡ hết nên các DN ngành công nghiệp hỗ trợ đã nhanh chân quay về thị trường sân nhà. Thời gian qua, nhiều DN tại Việt Nam cũng gặp khó trong tìm nguồn nguyên liệu cho sản xuất khi Trung Quốc, Hàn Quốc bị dịch bệnh, các nhà máy cung cấp sản phẩm tạm đóng cửa. Do đó, họ đã quay về tìm nguồn nguyên liệu trong nước và các DN ngành công nghiệp hỗ trợ tại Đồng Nai đã nắm cơ hội này tìm đối tác cung ứng. Nhiều đơn hàng cung ứng nội địa đã được ký kết đem lại lợi thế cho cả hai bên. Bên mua hàng sẽ tăng được tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm, khi xuất khẩu vào những nước có ký kết các hiệp định thương mại tự do dễ dàng được hưởng các ưu đãi về thuế quan, còn DN ngành công nghiệp hỗ trợ bán được hàng duy trì được sản xuất, việc làm cho lực lượng lao động.

 

CHIA SẺ TIN