Doanh nghiệp cơ khí liên kết để tăng sức cạnh tranh

Trong thời gian tới cả nước sẽ triển khai nhiều dự án lớn quan trọng của quốc gia có tổng mức đầu tư lớn như: Quy hoạch điện VIII giai đoạn từ 2021-2030 khoảng 133 tỷ USD, đường sắt tốc độ cao 50-60 tỷ USD, Cảng hàng không quốc tế Long Thành, các tuyến đường sắt nội đô, các công trình giao thông, thủy lợi, dầu khí, kinh tế biển, đóng tàu, ô-tô, xe máy… Con số thực tế cho thấy, thị trường cơ khí nội địa trong những năm tới vẫn rất lớn. Song ngành cơ khí nội địa Việt Nam lại chưa có được nhiều thị phần. Các doanh nghiệp nhìn chung đều có quy mô nhỏ và vừa, còn hạn chế cả tiềm lực về tiền và thiết bị. Các doanh nghiệp cũng chưa nhận được sự hỗ trợ hữu hiệu từ hệ thống chính sách của Nhà nước để có nhiều đơn hàng từ đầu tư công như các nước khác. Dẫn đến cơ khí nội địa của nước ta đã thiếu đơn hàng và bị thua thiệt ngay trên sân nhà. Nguyên nhân tạo ra thực trạng trên là do cả chính sách, cơ chế của Nhà nước và sự quản trị yếu kém của các doanh nghiệp cơ khí nội địa Việt Nam.

Theo Ông Đào Phan Long, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI) phân tích, trung bình 5, 10 năm qua, Việt Nam thường nhập khẩu từ nước ngoài trên dưới 40 tỷ USD/năm các trang thiết bị, máy, vật tư sản xuất cho toàn ngành kinh tế bao gồm sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, xây dựng hạ tầng, dịch vụ và an ninh quốc phòng. Đó là thị trường khá lớn mà nhiều nước muốn có mà không được. Như vậy, các doanh nghiệp trong nước phải liên kết lại với nhau tạo nên sức mạnh. Nhưng vấn đề chính mà hầu hết doanh nghiệp chế tạo trong nước đang yếu đó là vốn. Khi thiếu vốn, các doanh nghiệp không thể tự mình xây dựng được cơ sở hạ tầng và đầu tư máy móc công nghệ tiên tiến.Tới đây, để tạo điều kiện cho ngành cơ khí phát triển, Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam sẽ trình Chính phủ xin ý kiến về xây dựng Luật Cơ khí. Chỉ khi tất cả được “luật hóa” thì các chính sách hỗ trợ của Chính phủ cho ngành cơ khí mới sớm thực thi.

CHIA SẺ TIN