37 công nghệ cao được ưu tiên phát triển để tiến vào Công nghiệp 4.0

Danh mục 37 công nghệ cao vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhằm ưu tiên nghiên cứu, phát triển và ứng dụng để chủ động tham gia vào cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0.

4 lĩnh vực công nghệ chủ lực

Danh mục 37 công nghệ cao được ưu tiên nghiên cứu, phát triển và ứng dụng thuộc 4 lĩnh vực.

Trong đó, lĩnh vực đầu tiên là công nghệ số (Digital technologies), tập trung hầu hết các công nghệ mới nhất, đang được đề cao và ứng dụng ngày càng rộng rãi, đặc biệt là đã và đang trở thành mũi nhọn nghiên cứu triển khai ở nhiều nước lớn và các quốc gia phát triển như Mỹ, Canada, Australia, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc…

Lĩnh vực này gồm 12 công nghệ được ưu tiên như: Trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật, phân tích dữ liệu lớn, công nghệ chuỗi khối, điện toán đám mây, điện toán lượng tử, công nghệ mạng thế hệ sau, thực tế ảo, an ninh mạng thông minh, mô phỏng nhà máy sản xuất…

Lĩnh vực ưu tiên thứ hai là vật lí (Physics). Trong đó, các công nghệ tiêu biểu được xem là nền tảng và mũi nhọn tiến vào cách mạng Công nghiệp 4.0 chính là công nghệ robot, phương tiện bay không người lái, in 3D, chế tạo vật liệu nano, chế tạo vật liệu chức năng, thiết kế và chế tạo vệ tinh siêu nhỏ…

Công nghệ sinh học (Biotechnologies) là lĩnh vực được ưu tiên tiếp theo với công nghệ như sinh học tổng hợp, công nghệ thần kinh, tế bào gốc, chip sinh học, y học tái tạo và kĩ thuật tạo mô, công nghệ giải trình tự gen thế hệ mới.

Lĩnh vực công nghệ ưu tiên thứ tư là năng lượng và môi trường (Energy and Environment).

Thúc đẩy Make in Vietnam phát triển rộng, cân bằng

Năm 2020, Bộ Thông tin và Truyền thông đã cho ra mắt tổng cộng 38 nền tảng Make in Vietnam, trong đó tập trung nhiều vào các ngành như đào tạo trực tuyến, hội nghị trực tuyến, điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo, tư vấn sức khoẻ trực tuyến…

Nhìn chung, đại đa số trong 38 nền tảng Make in Vietnam ra mắt trong năm 2020 thuộc về lĩnh vực công nghệ số, tạo ra những giải pháp tiện ích góp phần thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia.

Với danh mục 37 công nghệ cao vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành nhằm ưu tiên nghiên cứu, phát triển và ứng dụng, chính là cơ sở để các bộ ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức định hướng, ưu tiên bố trí nguồn lực cho hoạt động nghiên cứu, phát triển và ứng dụng những công nghệ này.

Qua đó, các nền tảng, sản phẩm công nghệ Make in Vietnam ra mắt trong thời gian tới có bình diện rộng hơn, đều hơn, bổ sung thêm những sản phẩm công nghệ cao cho các lĩnh vực vật lí, công nghệ sinh học, năng lượng và môi trường.

Như vậy, Make in Vietnam cũng không chỉ gói gọn trong lĩnh vực công nghệ thông tin hay công nghệ số mà phạm vi có thể mở rộng ra hơn rất nhiều, có thể bám sát giải quyết các nhu cầu thiết thực và yêu cầu bức thiết mà nền kinh tế và cuộc sống xã hội đặt ra.

Điều này cũng sẽ giúp khơi dậy, phát huy, sử dụng nguồn lực chất xám dồi dào của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu tại Việt nam. Đặc biệt trong đó, các doanh nghiệp khoa học công nghệ khối dân doanh tại Việt Nam với nguồn lực khá hùng hậu thời gian qua đã nghiên cứu và sản xuất một số sản phẩm công nghệ cao và xuất khẩu ra nước ngoài.

Nguồn: Báo Lao động

CHIA SẺ TIN